Khử khuẩn trong nhà đúng cách

GD&TĐ - Dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu khử khuẩn trong gia đình tăng cao. Chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng các sản phẩm khử khuẩn không rõ nguồn gốc.

Nhiều loại súng phun khử khuẩn được giới thiệu trên thị trường.
Nhiều loại súng phun khử khuẩn được giới thiệu trên thị trường.

Súng đánh bay mọi vi khuẩn

Dịch Covid-19 bùng phát, thị trường các sản phẩm chống dịch trở nên sôi nổi. Một trong những sản phẩm được bày bán giới thiệu nhiều trên các mạng xã hội hiện nay là súng phun khử khuẩn. Theo quảng cáo, loại súng này có thể khử khuẩn đến 99% và có tác dụng 4 giờ sau khi phun.

“Chế độ phun nano giúp đi từng ngóc ngách trong nhà. Máy phun xa đến 2m. Pin sạc đầy dùng được đến 4 giờ, dung tích bình 400ml, dễ dàng lắp đặt. Súng phun sương có thể xịt lên người sau khi đi bên ngoài về. Người dùng có thể sử dụng Cloaramin B hoặc cồn 70 độ để làm dung dịch xịt khuẩn”.

Đây là nội dung quảng cáo một loại súng phun xịt khuẩn trên mạng xã hội từ tài khoản Facebook có tên Hồng Trần. Sản phẩm bao gồm một máy xịt khuẩn, bình đựng dung dịch và dây sạc. Bộ sản phẩm được bán từ 200 - 300 nghìn đồng.

Theo chính những người rao bán mặt hàng này thì sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập về nhiều ít tùy theo số lượng đơn đặt hàng. Các loại máy này đều rất dễ sử dụng. Máy chủ yếu dùng dung dịch nano bạc kết hợp tinh dầu khử khuẩn và làm sạch, thơm không khí.

Người dùng có thể sử dụng cồn hoặc dung dịch khử khuẩn thay thế cho nano bạc. Tuy nhiên, nano bạc mới có khả năng khuếch tán được dung dịch đi nhiều không gian khác nhau, cồn không có khả năng khuếch tán.

PGS.TS Phạm Văn Nho, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng những quảng cáo này rất mâu thuẫn. Nếu sử dụng các dung dịch diệt khuẩn đúng chuẩn thì không cần đến loại “súng khử khuẩn” nào hết, chỉ cần cho vào bình xịt là sử dụng được. Nano là một dạng tồn tại của vật chất, nó không có khả năng khuếch tán các chất khác. “Chế độ phun nano” là một từ khó hiểu, không có ý nghĩa về mặt khoa học.

Nano bạc, cồn hay Chloramin B cũng diệt virus, vi khuẩn, bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch. Tuy nhiên, việc sử dụng các chế phẩm này phải có chỉ định của cán bộ y tế bởi nó có thể gây nhiều tác hại xấu đến sức khỏe. Đó là chưa kể nếu là dung dịch nano bạc trôi nổi trên thị trường, chưa được kiểm soát chất lượng, sẽ gây hại cho người dùng bởi nó là một dạng hóa chất.

“Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng các dung dịch diệt khuẩn, đặc biệt trong môi trường khép kín như ở nhà, xịt lên người. Loại súng khử khuẩn trôi nổi này rất ít độ tin cậy, nên cẩn trọng khi sử dụng”, PGS.TS Phạm Văn Nho nói.

Nên sử dụng thảo dược diệt khuẩn

Thay vì sử dụng các loại hóa chất diệt khuẩn trôi nổi, ẩn chứa nguy hại cho sức khỏe, người dân có thể sử dụng các loại thảo dược để xông nhà. Theo TS Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, xông nhà bằng thảo dược giúp làm sạch không khí, diệt virus, giảm lo âu căng thẳng và hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp.

Các loại thảo dược thường được dùng để xông nhà thường là những loại chứa tinh dầu thơm. Khi gặp nhiệt độ cao, tinh dầu dễ bay hơi trong thảo dược sẽ lan tỏa khắp không gian phòng.

Nên sử dụng quế, đại hồi, đinh hương, trầm hương, tràm hương, đàn hương, ngọc am, trần bì, bạch truật, thương truật, bồ kết, bạch chỉ, khương hoạt… để đốt trực tiếp, hoặc làm thành nến đốt hoặc đốt trên lò đất nung.

Các loại thảo dược tươi như hương nhu, ngải cứu, sả, vỏ chanh, vỏ bưởi, lá bưởi, long não, chổi xể, kinh giới, tía tô, ngải cứu… thường được dùng xông nhà bằng cách đun sôi mở vung nồi, hơi nước nóng và tinh dầu sẽ bay lên. Tinh dầu có trong các loại thảo dược có tác dụng tiêu diệt virus, vi khuẩn, bào tử nấm mốc, xua đuổi côn trùng… giúp không gian sạch sẽ, thơm hương và ấm cúng.

Ngoài ra, phương pháp này giúp tinh thần thư giãn, hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp trên (cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang) và các chứng đau nhức...

Theo các chuyên gia, để hạn chế virus tồn tại trong không khí, hãy giữ môi trường thông thoáng bằng cách mở nhiều cửa, sự trao đổi nhanh chóng của khí trời hay bằng quạt hút, quạt đẩy sẽ đẩy virus chứa mầm bệnh ra ngoài, bảo vệ sức khỏe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.