"Chúng tôi tìm ra bằng chứng cho thấy có thể tồn tại một loại hố đen ngoài vũ trụ mà con người chưa từng khám phá", Todd Thompson, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nếu vật thể này được xác nhận, các giả thuyết khoa học vũ trụ hiện nay sẽ cần bổ sung loại hố đen mới, đồng thời hiểu biết về quá trình sao hay các thiên thể khác sinh ra và chết đi cũng thay đổi, Science Alert hôm 31/10 đưa tin.
Hố đen có thể hình thành sau khi một ngôi sao chết, đổ sụp và nổ tung, tạo ra vùng hấp dẫn mạnh đến mức ánh sáng cũng không thoát ra được. Chúng có thể xuất hiện ở trung tâm các thiên hà, hoạt động như một động cơ khổng lồ. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Một số ngôi sao chết lại tạo thành sao neutron, vật thể kích thước nhỏ nhưng rất đặc.
Hố đen thường có khối lượng gấp 5-15 lần Mặt Trời, thậm chí lớn hơn. Trong khi đó, khối lượng sao neutron chỉ gấp khoảng 2 lần Mặt Trời. Nếu lớn hơn 2,5 lần, sao neutron có thể đổ sụp và biến thành hố đen.
Thompson cùng đồng nghiệp cảm thấy khó hiểu với sự chênh lệch đáng kể giữa kích thước của những ngôi sao neutron lớn nhất và những hố đen nhỏ nhất. Ông cùng đồng nghiệp nghiên cứu dữ liệu của APOGEE, chương trình quan sát ánh sáng của 100.000 ngôi sao trong dải Ngân Hà.
Họ phát hiện một sao đỏ khổng lồ quay quanh một vật thể kỳ lạ, có vẻ quá nhỏ so với hố đen trong dải Ngân Hà nhưng lại lớn hơn nhiều so với sao neutron bình thường. Cuối cùng, các nhà khoa học cho rằng đây nhiều khả năng là hố đen với khối lượng chỉ gấp 3,3 lần Mặt Trời.
"Nếu có thể tìm ra nhóm hố đen mới, chúng tôi sẽ hiểu thêm về việc sao nào sẽ phát nổ, sao nào không, sao nào tạo nên hố đen và sao nào trở thành sao neutron. Điều này sẽ mở ra một mảng nghiên cứu mới", Thompson nhận định.