Trong những giấc ngủ sâu kéo dài của mình, cô gái thường bị mất trí nhớ. Sau một lần ngủ tới tận 48 ngày, cô tạm thời quên mất khuôn mặt của chính mẹ mình, theo các báo đưa tin.
Cô Sharik Tovar là một trong số ít những người mắc một chứng bệnh hiếm gặp gọi làhội chứng Kleine-Levin, còn được gọi là hội chứng “Người đẹp ngủ trong rừng”.
Không giống như trong truyện cổ tích, những người mắc hội chứng Kleine-Levin có thể được đánh thức giữa giấc ngủ và thỉnh thoảng có thể tự thức dậy để ăn hoặc sử dụng phòng tắm, theo Tổ chức Các chứng rối loạn Hiếm gặp Quốc gia (NORD).
Các nhà khoa học ước tính rằng, hội chứng biểu hiện ở 1 - 5 người trong số 1 triệu người, theo tài nguyên lâm sàng UpToDate. Trong lịch sử, hơn 500 trường hợp của tình trạng này đã được báo cáo trong các tài liệu y khoa, mặc dù hội chứng bất thường này có khả năng ít bị chẩn đoán.
Theo Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia (NINDS), khoảng 70% trường hợp Kleine-Levin xảy ra ở nam thanh thiếu niên. Nhưng cũng có những nữ thanh thiếu niên và người ở nhiều độ tuổi khác nhau được biết là phát triển hội chứng.
Tovar lần đầu tiên được phát hiện tình trạng này khi cô mới 2 tuổi và giấc ngủ lâu nhất của cô cho đến nay kéo dài tới hai tháng, theo mẹ cô trao đổi với Noticias Caracol, một kênh tin tức ở Colombia. Khi Tovar chìm sâu trong giấc ngủ, mẹ cô đã hóa lỏng tất cả thức ăn và cho cô ăn vài giờ một lần để bảo đảm cô có đủ dinh dưỡng.
Khi tỉnh dậy, người bệnh có thể cảm thấy bối rối và mất phương hướng và nhiều cá nhân cho thấy rơi vào tình trạng hoàn toàn thiếu năng lượng và cảm xúc. Hầu hết các bệnh nhân cho biết “dường như bị mất tập trung khỏi mọi thứ” và tiếng ồn cũng như ánh sáng trong phòng làm họ cảm thấy quá tải.
Nguyên nhân của hội chứng Kleine-Levin hiện vẫn chưa được phát hiện. Mặc dù các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, các triệu chứng của nó có thể xuất phát từ rối loạn chức năng ở vùng não gọi là vùng dưới đồi, giúp điều chỉnh các chức năng cơ thể cơ bản như ngủ và thèm ăn, theo NORD.
Thông thường, các nhóm tế bào ở vùng dưới đồi giúp chúng ta tỉnh táo bằng cách gửi tín hiệu hóa học đến vùng vỏ não nhăn nheo nằm trên não, theo trang web của Harvard Sleep Medicine.
Các tế bào khác ở vùng dưới đồi đưa chúng ta đến vùng đất mộng mơ bằng cách dập tắt hoạt động ở những vùng não tương tự. Theo cách này, vùng dưới đồi hoạt động như một công tắc đèn, tắt bật bộ não của chúng ta từ lúc thức dậy sang lúc ngủ và trở lại. Trong hội chứng Kleine-Levin, bằng cách nào đó, công tắc này dường như bị phá vỡ.
Trong một số ít trường hợp, căn bệnh này xuất hiện nhiều hơn một lần trong một gia đình, điều này cho thấy di truyền có thể đóng một vai trò trong tình trạng này, theo NORD.
Một khi các triệu chứng của Kleine-Levin xuất hiện, người bệnh có thể trải qua các đợt tái phát trong khoảng 8 - 12 năm, theo NINDS. Trong thời gian này, các bác sĩ có thể kê toa các chất kích thích, chẳng hạn như amphetamine, để chống lại cơn buồn ngủ tái phát của bệnh nhân.
Các bác sĩ cũng có thể cung cấp cho bệnh nhân một phương pháp điều trị phổ biến đối với các rối loạn tâm trạng, lithium, cũng như một loại thuốc chống động kinh, carbamazepine, được chứng minh là làm giảm tần suất các đợt trong một số trường hợp.