Trầm cảm đến mức muốn bỏ thai
Vụ việc chị Ngô Thị Thu Th. (SN 1993), huyện Kinh Môn, Hải Dương đang mang thai đến tháng thứ 7 nhảy cầu tự tửkhiến dư luận không ngơi bàn tán, xót xa cho hai mẹ con. Người thân của nạn nhân cho biết có thể vì quá áp lực trong cuộc sống, lại đang thai nghén nên nạn nhân bị trầm cảm, sinh ra nghĩ quẩn và dẫn đến hành động dại dột đó.
Lá thư tuyệt mệnh gây ám ảnh của mẹ bầu 7 tháng nhảy cầu tự tử tại Hải Dương.
Cho dù lý do là gì nhưng thiệt thòi đầu tiên thuộc về hai mẹ con xấu số ấy. Từ câu chuyện đau lòng đó, người ta mới chợt giật mình nhận ra không chỉ có trầm cảm sau sinh mà chị em có thể mắc trầm cảm ngay từ trong thai kỳ.
Có rất nhiều lý do khiến mẹ bầu bị trầm cảm, biến những ngày tháng mang thai tưởng chừng đẹp nhất, hạnh phúc nhất thành một thời kỳ “đen tối” kinh hoàng.
Chị Trà My (28 tuổi, Hà Nội) chưa bao giờ thôi ám ảnh về những ngày tháng mang thai. Chị bị thai nghén rất nặng, chỉ nôn và hầu như không ăn uống gì được.
Hôm nào thời tiết mát mẻ thì cảm giác ốm nghén vơi bớt nhưng ngày nào nóng bức thì ốm nghén “hành” cho biết mặt. Chị nôn ói bất cứ lúc nào, kể cả khi đã lên giường đi ngủ. Chị mệt mỏi đến nỗi nhiều hôm nằm rên hừ hừ trong phòng, không cần biết chồng ăn gì, mấy giờ đi làm về.
Thai kỳ tưởng chừng là thời gian đẹp đẽ nhất nhưng nếu không cẩn thận, đây cũng là giai đoạn "cướp" mất sinh mạng của hai mẹ con vì trầm cảm.
Sau hai tháng ốm nghén, chị My sút mất 4kg. Mắt trũng sâu, da sạm lại, ai gặp cũng tưởng chị bị bệnh gì đó chứ không nghĩ chị đang mang thai. Có người không biết còn trêu chị “Lấy chồng lại được giảm béo à?”.
Thời điểm đó, ngoài áp lực ốm nghén, chị còn phải đối mặt với áp lực từ bố mẹ chồng. Gia đình nhà chồng chị vốn là dân làm ăn. Việc con dâu về nhà chồng chỉ “nằm suốt ngày” là điều chướng tai gai mắt. Vì thế, dù ốm mệt đến mấy chị cũng cố lết về nhà ngoại hàng ngày để tránh ánh mắt soi mói của nhà chồng.
Cảm giác lúc đó rất tệ. Một mặt chị vừa phải chiến đấu với ốm nghén, mặt khác vẫn phải gồng mình lên đi làm, tránh sự soi mói của nhà chồng.
Có lúc chị My nói với chồng rằng chị muốn “bỏ thai cho đỡ khổ”, "giá như không có đứa trẻ này trên đời". Nói rồi chị bật khóc tu tu vì tủi thân và không hiểu nổi tại sao mình có thể nói ra câu nhẫn tâm đó.
Khi mẹ bầu bỗng dưng khóc nức nở, hãy cẩn thận!
Khi mang thai được 21 tuần, chị Sơn Hà (26 tuổi, TP.HCM) rơi vào tình trạng rất tệ. Bình thường chị rất vui vẻ nhưng bỗng dưng nỗi buồn có thể ào tới bất chợt khiến chị bật khóc nức nở được ngay.
Chị thường hay nghĩ vẩn vơ, lúc thì lo lắng mơ hồ sẽ có chuyện xảy ra với em bé, khi thì lo có chuyện xảy ra với chính mình hoặc người thân trong gia đình. Có hôm, chị nổi hứng sắp xếp lại tủ quần áo, dọn dẹp các thứ. Sau khi dọn dẹp xong, chị lại thấy bồn chồn, nghĩ mình sắp gặp phải chuyện gì nên mới “dọn dẹp” như vậy.
Chị bảo từ khi mang thai, chị hay buồn bã, tức giận. Gần sinh con, cảm giác này càng tăng lên, đặc biệt là hay suy nghĩ vẩn vơ, lo lắng, sợ hãi rất nhiều chuyện rồi gặp ác mộng khi đi ngủ chập chờn. Đêm không ngủ được sâu nên sáng dậy, chị rất mệt mỏi.
Nếu cảm giác "không ổn", hay buồn bực, mẹ bầu hãy nghỉ ngơi nhiều hơn và tìm ngay sự trợ giúp của gia đình, bác sĩ và chuyên gia tâm lý.
Đỉnh điểm trong một buổi tối nói chuyện với ông xã, bỗng dưng chị khóc như một đứa trẻ làm anh xã cuống cuồng lên, càng dỗ chị càng khóc tợn. Anh xã thắc mắc tại sao, chị bảo “Lúc ấy tự dưng em chỉ muốn khóc”.
“Mình chỉ nghe nói bị trầm cảm sau khi sinh, chứ không nghĩ khi mang bầu lại có hiện tượng này, không hiểu nổi chính bản thân mình tại sao lại “mít ướt”, nghĩ quẩn lúc mang thai như vậy. Dù rất sợ ảnh hưởng đến em bé trong bụng nhưng không thể khống chế được cảm xúc đó”, chị Hà tâm sự.
Nhận thấy vợ có điều gì đó bất thường, anh xã chị đã dành thời gian giúp vợ giải tỏa như đi xem phim, đi dạo, đọc sách, cùng lên mạng đọc báo hay làm việc gì đó.
TS. Phan Thị Huyền Trân, Chuyên gia tâm lý Trị liệu Hôn nhân, Gia đình (TP.HCM) khẳng định: “Trong giai đoạn đầu hôn nhân, tình yêu được trọn vẹn khi cả hai cùng dành thời gian cho nhau và cảm xúc thăng hoa với những ước mơ và dự định màu hồng. Tuy nhiên, khi đứa con xuất hiện sẽ kéo theo sự thay đổi trong cơ thể, tâm lý người mẹ. Do đó, người mẹ có thể bị trầm cảm trong thai kỳ và trầm cảm sau sinh. Nếu kéo dài trầm cảm từ khi mang thai thì nguy cơ mẹ bị trầm cảm sau sinh là rất lớn”.
Theo đó, người mẹ bị trầm cảm sẽ có những biểu hiện như mất kiểm soát cảm xúc, vui buồn thất thường và không rõ nguyên nhân, dễ giận dữ nhưng có thể khóc không cần lý do, mệt mỏi thường xuyên, cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng, hay hoảng sợ mà không biết sợ điều gì. Nếu trầm cảm nặng, người mẹ sẽ nghĩ đến việc tự tử, hành động tự tử để giải thoát khỏi bế tắc.
“Khi có bất cứ dấu hiệu nào xảy ra và bạn nghĩ mình đang trong giai đoạn trầm cảm, hãy nhanh chóng tìm ra sự trợ giúp của bác sĩ, chuyên gia tâm lý, người thân và có phương pháp điều trị ngay. Tuyệt đối tránh kéo dài tình trạng này trên 2 tuần vì các diễn biến sẽ nặng và nguy hiểm hơn rất nhiều”, TS. Huyền Trân nhấn mạnh.