Vật lộn với đơn hàng tỷ đô

GD&TĐ - Việc thiếu hụt lao động tại Malaysia đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đáp ứng các đơn hàng của nước này và rủi ro cao hơn là việc mất khách hàng quốc tế.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhiều doanh nghiệp tại Malaysia, từ các đồn điền cọ cho đến những nhà sản xuất chất bán dẫn đang phải từ chối nhiều đơn đặt hàng với tổng giá trị lên tới hàng tỷ USD do thiếu hụt lao động nhập cư giai đoạn hậu Covid-19.

Mặc dù, chính phủ Malaysia đã đi sớm một bước khi cho dỡ bỏ lệnh cấm tuyển dụng lao động nước ngoài để phòng tránh Covid-19 từ tháng 2/2022, tuy nhiên lao động nhập cư vẫn chưa thể nhập cảnh suôn sẻ vào nước này do các vấn đề thủ tục phức tạp.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động tại Malaysia hiện nay cũng thêm trầm trọng do các cuộc đàm phán với Indonesia và Bangladesh về vấn đề bảo vệ người lao động bị kéo dài.

Do đó, nguồn cung lao động chính cho Malaysia là Indonesia và Bangladesh đã bị tắc nghẽn. Đây là vấn đề nghiêm trọng do Malaysia là quốc gia xuất khẩu lớn, đóng vai trò như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Malaysia luôn có nhu cầu lớn về lực lượng lao động nước ngoài để làm việc trong nhà máy, đồn điền và các ngành dịch vụ khác.

Việc thiếu hụt lao động tại Malaysia đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đáp ứng các đơn hàng của nước này và rủi ro cao hơn là việc mất khách hàng quốc tế.

Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia Soh Thian Lai, đại diện cho hơn 3.500 công ty tại nước này, thừa nhận dù đã ghi nhận tín hiệu lạc quan hơn và doanh số các công ty tăng lên, nhưng không ít doanh nghiệp lại gặp thách thức lớn về khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng do thiếu lao động.

Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng này là sản xuất dầu cọ, mặt hàng xuất khẩu chính của Malaysia và luôn có nhu cầu lớn về lao động nhập cư.

Ông Carl Bek-Nielsen, Giám đốc điều hành Công ty trồng cọ dầu United Plantations mô tả tình trạng hiện nay trong ngành này rất căng thẳng và “giống như việc phải chơi một trận bóng đá với 11 người nhưng hiện chỉ có 7 người để vào sân”.

Theo thống kê của Chính phủ Malaysia, quốc gia Đông Nam Á này hiện thiếu ít nhất 1,2 triệu công nhân trong lĩnh vực sản xuất, đồn điền và xây dựng.

Tình trạng thiếu hụt nhân lực này ngày càng trầm trọng hơn khi nhu cầu đang tăng lên giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh sau hai năm đại dịch hoành hành.

Theo đó, ngành xây dựng Malaysia cần thêm 550 nghìn lao động, ngành dầu cọ thiếu hụt 120 nghìn công nhân, các nhà sản xuất chip bán dẫn báo cáo không thể đáp ứng nhu cầu đơn hàng chip toàn cầu do thiếu 15 nghìn người. Trong khi đó, riêng các nhà sản xuất găng tay y tế của Malaysia cũng cho biết, họ đang cần thêm 12 nghìn công nhân.

Ngành công nghiệp dầu cọ, vốn đóng góp 5% cho nền kinh tế Malaysia, cảnh báo rằng 3 triệu tấn cọ có thể bị vứt bỏ trong năm nay do thiếu lao động thu hoạch. Con số này tương đương với mức thiệt hại lên tới hơn 4 tỷ USD. Còn ngành sản xuất găng tay cao su nước này ước tính sẽ mất 700 triệu USD doanh thu trong năm 2022 nếu nguồn lao động không sớm được cải thiện.

Bộ Lao động Malaysia hiện vẫn duy trì nguyên tắc phê duyệt việc tiếp nhận lao động nước ngoài một cách nghiêm ngặt và phải từ chối không ít trường hợp vì thông tin không đầy đủ hoặc thiếu tuân thủ các quy định.

Trong khi đó, Indonesia và Bangladesh, hai trong những thị trường cung cấp lao động nước ngoài lớn nhất của Malaysia, cho biết Kuala Lumpur cần cải thiện quyền của người lao động nhập cư trước khi hai nước có thể nối lại xuất khẩu lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.