Vào tâm dịch bạch hầu

Vào tâm dịch bạch hầu

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thi các tỉnh chuẩn bị thêm phòng/điểm thi cho tình huống khẩn cấp.

Ông Đinh Hà Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, địa phương đã ghi nhận 20 ca dương tính với bạch hầu tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang) và làng Bok Rei (xã Đak Smei), cùng huyện Đak Đoa (Gia Lai).

Theo ông Nam, ngay sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, Sở Y tế đã khẩn trương triển khai lực lượng xuống khoanh vùng tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang), phun thuốc khử trùng. Đồng thời triển khai khám sàng lọc, phát thuốc uống phòng, chống bạch hầu. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được đưa vào bệnh viện theo dõi, điều trị; Đồng thời ngành Y tế cũng tiến hành điều tra, truy vết những người đã tiếp xúc với người trong làng trong thời gian qua để hướng dẫn người dân tự cách ly và dùng thuốc để diệt khuẩn, tránh lây lan.

Vào tâm dịch bạch hầu ảnh 1
Người dân được thăm khám, kiểm tra sức khỏe để phát hiện trường hợp nghi nhiễm bạch hầu

Hiện tại ở làng Bông Hiot (xã Hải Yang) và Bok Rei (xã Đak Smei) lực lượng chức năng đã thành lập chốt chặn kiểm tra, phun thuốc khử trùng các phương tiện di chuyển và nhà dân.

"Ngay khi phát hiện ổ dịch, ngành Y tế đã triển khai tiêm vắcxin cho người dân ở những nơi có ca dương tính với bạch hầu để phòng, chống dịch bệnh lây lan", ông Nam nói.

Đắk Lắk cũng mới phát hiện thêm một số ca dương tính với bạch hầu tại huyện M’Đrắk, sau ca đầu tiên tại huyện Lắk. Ngay sau khi phát hiện hai ca nhiễm bạch hầu tại thôn 7 (xã Cư Króa, huyện M’Đrắk), ngành Y tế Đắk Lắk đã lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Tiến hành phun thuốc khử khuẩn tại nhà bệnh nhân và 25 hộ xung quanh. Chính quyền huyện M’Đrắk cũng đã thành lập các chốt kiểm soát ra vào nơi có ca bệnh.

Sở Y tế Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk khẩn trương báo cáo với chính quyền huyện M’Đrắk về diễn biến của bệnh bạch hầu để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống. Tổ chức khoanh vùng cách ly thôn 7. Điều tra giám sát việc sử dụng kháng sinh dự phòng đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân. Khẩn trương triển khai tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho những người từ 7 đến 26 tuổi tại thôn 7. Tiến hành tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho đối tượng 7 tuổi tại các trường học và trong cộng đồng trên địa bàn toàn huyện M’Đrắk.

Vào tâm dịch bạch hầu ảnh 2
Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp nên người dân chủ yếu ở nhà, hạn chế tiếp xúc.

Trong buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắcxin trên quy mô lớn. Trong đó các tỉnh thực hiện chiến dịch này là Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, sau đó sẽ là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được triển khai từ tháng 7 này. Dự kiến sẽ có hơn 10 triệu liều vắcxin và dụng cụ phòng hộ cá nhân được cung cấp cho 4 địa phương để tiêm phòng cho gần 4,7 triệu người. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định thành lập 4 tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.

Vào tâm dịch bạch hầu ảnh 3
Từ ngày trong làng có người bị bạch hầu, bà Nhen (61 tuổi, làng Bông Hiot) đeo khẩu trang khi ra ngoài và uống thuốc phòng đầy đủ.

Trong những ngày này, ngành Y tế cũng như chính quyền các địa phương nằm trong vùng dịch đã huy động toàn bộ lực lượng tiến hành các biện pháp cần thiết để đối phó dịch bệnh. Riêng đối với ngành Giáo dục, để bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ngành Giáo dục các tỉnh Tây Nguyên triển khai biện pháp khử trùng, uống thuốc phòng bạch hầu diện rộng. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thi các tỉnh chuẩn bị thêm phòng/điểm thi cho tình huống khẩn cấp.

Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho hay: Tỉnh có 32 điểm thi trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố với 883 phòng thi. Tỉnh ghi nhận 1 trường hợp dương tính với bạch hầu tại huyện Lắk. Do đó, sở ban hành công văn chỉ đạo các trường vệ sinh khuôn viên trường, lớp học. Ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu.

Theo ông Khoa, tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, ngoài điểm thi chính thức còn bố trí 1 điểm thi dự phòng để sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Đối với khối 12, sở chỉ đạo các trường tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên, học sinh bảo vệ sức khỏe trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể.

Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2 - 3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 - 10 ngày.

Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể gây lây nhiễm cho người khác.

Do đó, khi người dân nghi mắc các triệu chứng nói trên cần đến ngay các cơ sở y tế thăm khám và điều trị. Tuy nhiên, để phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất người dân nên đến các cơ sở y tế tiêm phòng vắcxin đầy đủ và đúng lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.