Trong khi đó, ở bậc THPT, các nhà trường cũng đang tìm nhiều giải pháp để đáp ứng giáo viên các môn học mới theo nhu cầu học tập của học sinh.
Ưu tiên bồi dưỡng giáo viên dạy liên cấp, liên trường
Đóng tại địa bàn xã biên giới, Trường Tiểu học Tri Lễ 1 (xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An) được ưu tiên bố trí đủ giáo viên để đáp ứng cơ bản dạy học Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học tới, Tiếng Anh, Tin học là môn bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 5, nhà trường lại thiếu giáo viên. Thầy Nguyễn Minh Hòa - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Trong khi môn Tin học có thể linh hoạt bố trí giáo viên đi học thêm chứng chỉ, văn bằng 2 để phụ trách, thì môn Tiếng Anh lại không thể áp dụng giải pháp này. Ngoài trình độ ĐH sư phạm tiếng Anh, giáo viên phải có các chứng chỉ quốc tế theo quy định của Bộ GD&ĐT mới có thể đảm nhận giảng dạy.
Hiện, nhà trường có 1 giáo viên Tiếng Anh, nhưng vẫn không đáp ứng đủ số tiết, số lớp học. Để đáp ứng nhu cầu học sinh, phụ huynh cũng như yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, nhà trường đề xuất và đã được Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong điều động một giáo viên Tiếng Anh tăng cường. Theo đó, thầy Trần Hoàng Đình Long (SN 1997) có biên chế tại Trường Tiểu học Tri Lễ 2 nhận thêm nhiệm vụ dạy liên Trường Tiểu học Tri Lễ 1.
Thầy Long chia sẻ: “Việc dạy liên trường gặp một số khó khăn, nhất là đảm bảo thời khóa biểu. Mặc dù, cả 2 trường cùng đóng trên địa bàn xã Tri Lễ, nhưng do ở vùng cao biên giới, các trường đều có điểm lẻ cách xa điểm chính nên đi lại vất vả. Bên cạnh đó, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nên khả năng tiếp thu còn chậm. Tôi cũng mong kiến thức mà mình mang lại cho học trò, sẽ tạo được nền tảng cơ bản nhất định cho các em khi học lên cấp học cao hơn”.
Tương tự, năm học 2021 - 2022, thầy Quang Văn Sửu vừa dạy tiếng Anh cho Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An), vừa phụ trách môn học này ở Trường Phổ thông DTBT THCS trên địa bàn. “Nhà trường cũng tạo điều kiện để sắp xếp thời gian biểu hợp lý để tôi thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn ở 2 trường.
Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, số lượng giáo viên Tiếng Anh ít, nên việc sinh hoạt, trao đổi chuyên môn hạn chế. Trong khi đó, tôi là giáo viên mới ra trường, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm cũng như nắm bắt chương trình giáo dục còn ít. Nhà trường đã đề xuất phòng GD&ĐT hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên liên cụm, hoặc cấp phòng theo hình thức trực tuyến”, thầy Sửu chia sẻ.
Ông Kha Văn Lập - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương - chia sẻ: Bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp là giải pháp khả thi hiện nay. Phòng cũng cử giáo viên tham gia các đợt tập huấn chương trình mới. Giao nhiệm vụ cho cốt cán từng bộ môn tổ chức tập huấn các mô-đun cho giáo viên đại trà qua trực tuyến hoặc trong đợt sinh hoạt chuyên môn cụm.
Bên cạnh đó, nếu dạy liên cấp, đặc thù, tính chất của tiểu học và THCS khác nhau, phòng sẽ đưa giáo viên dạy liên trường vào các nhóm chuyên môn từng cấp để được phổ biến, cập nhật thông tin, nội dung của chương trình mới và kế hoạch dạy học. Đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như đặc trưng học sinh từng cấp học.
Giáo viên dạy nghệ thuật hợp đồng cũng được bồi dưỡng
Trường THPT Nghi Lộc 2 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) trước kỳ thi vào lớp 10 đã tiến hành lấy ý kiến khảo sát các trường THCS thuộc vùng tuyển sinh của nhà trường, theo hình thức trực tuyến. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phương, trước mắt nhà trường đưa ra 5 tổ hợp để thăm dò học sinh. Bên cạnh đó có thêm mục “lựa chọn khác” để các em nêu ý kiến của mình. Đây là bước lựa chọn đầu tiên, sau khi trúng tuyển, nhập học nhà trường tiếp tục cho học sinh đăng ký lại.
“Chúng tôi rất muốn học sinh đăng ký các môn mới như Âm nhạc, Mỹ thuật, bởi sẽ giúp học sinh thêm kỹ năng, phẩm chất cũng như bồi đắp giá trị sống. Về cơ sở vật chất, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức trong khả năng để khắc phục. Nhưng thiếu giáo viên thì rất khó bởi đây là hai môn đặc thù, giáo viên phải được đào tạo chính quy. Nhưng cơ chế hiện nay, các trường hầu như không được giao thêm định biên. Còn nếu hợp đồng giáo viên phải tính tới các yếu tố như kinh phí và quan trọng nhất là phải có giáo viên để thuê”, thầy Phương chia sẻ.
Còn thầy Dương Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) - trao đổi: Phòng GD&ĐT huyện cũng phối hợp và đã gửi văn bản cho các trường THPT trên địa bàn về thực tế đội ngũ, trình độ giáo viên các môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Nếu hợp đồng giáo viên, nhà trường sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn. Bởi chương trình, đặc thù học sinh THPT khác với 2 cấp tiểu học, THCS. Mục tiêu của học sinh đối với 2 môn này cũng khác: Đó là tự chọn theo sở thích cá nhân hoặc năng khiếu để định hướng nghề nghiệp tương lai.
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) được xem là trường có điều kiện thuận lợi để triển khai Chương trình GDPT 2018.
Tuy nhiên, thầy Phan Xuân Phàn – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: “Chúng tôi chưa có giáo viên các môn nghệ thuật. Nếu có học sinh đăng ký môn học này, nhà trường cũng có phương án để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng. Theo đó, trường sẽ hợp đồng với giáo viên ở Trung tâm Nghệ thuật, Trường CĐ Sư phạm hoặc CĐ Văn hóa nghệ thuật để giảng dạy cho học sinh. Một phương án khác là gửi học sinh đến các trường ĐH, CĐ trên địa bàn để học tập. Bởi với các môn này, ngoài giáo viên, còn cần đến cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ, khí cụ chuyên nghiệp mới đảm bảo dạy học, thực hành hiệu quả. Mà những trang thiết bị đó nhà trường trước mắt chưa đáp ứng được”.