Sau bồi dưỡng, cùng việc tổ chức kiểm tra nghiêm túc còn là hoạt động hỗ trợ để thầy cô chuyển trạng thái từ bồi dưỡng có tổ chức sang tự bồi dưỡng một cách hiệu quả.
Sẵn sàng tâm thế
Cô Nguyễn Thị Phương Nga, Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên, cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục phổ thông, ngoài trình độ của thầy/cô đạt chuẩn theo yêu cầu thì việc bồi dưỡng thường xuyên hàng năm đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, Sở GD&ĐT Hưng Yên nói chung, Trường THPT Minh Châu nói riêng đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên ngay từ đầu năm học và trong dịp hè.
Trước đó, với Chương trình ETEP, giáo viên được bồi dưỡng 5 mô-đun: Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực, học sinh; Kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học; Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh. Cô Nguyễn Thị Phương Nga khẳng định: Các chương trình bồi dưỡng đã giúp giáo viên rất nhiều trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, nghề nghiệp.
Năm học 2022 – 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai với lớp 10. Chương trình được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, tạo môi trường học tập, rèn luyện giúp người học tích lũy kiến thức phổ thông, biết vận dụng kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời… Được phân công giảng dạy chương trình mới, cô Nga đã và đang nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt nhất các khóa bồi dưỡng của sở và nhà trường.
“Tôi cho rằng, thầy cô cần nghiên cứu trước các tài liệu của mỗi đợt bồi dưỡng để hiểu được nội dung và những vấn đề còn chưa rõ để trao đổi; luôn tập trung, tích cực trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng; mạnh dạn, chủ động hỏi đáp nội dung còn chưa hiểu rõ để có sự trao đổi từ báo cáo viên và đồng nghiệp khác. Sau mỗi đợt bồi dưỡng cần có ý thức hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao; tích cực thảo luận với đồng nghiệp trong nhóm tại các buổi sinh hoạt chuyên đề của tổ nhóm chuyên môn để đưa những nội dung đã học được áp dụng vào thực tế. Việc kết nối, chia sẻ với đồng nghiệp ở trường khác cũng cần thiết để tiếp tục học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau” - cô Nga chia sẻ.
Được dự kiến phân công dạy lớp 7 (Chương trình GDPT 2018) năm học tới, cô Lã Thị Hè, giáo viên dạy Lịch sử & Địa lý, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) đã xây dựng, sắp xếp thời gian để tham gia học tập, bồi dưỡng; đồng thời sẵn sàng tham gia buổi sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ bộ môn của trường, hoặc của các tổ chuyên môn liên - cụm trường trong huyện vào dịp hè. Trường THCS Thụy Liên đã xây dựng kế hoạch, dự kiến giáo viên dạy khối 7 để lên danh sách bồi dưỡng; bồi dưỡng kết hợp qua các buổi tập huấn chương trình, SGK lớp 7. Thầy cô cũng được hỗ trợ một phần tài chính để tham gia học tập, bồi dưỡng.
“Tôi mong các hoạt động bồi dưỡng có liên quan trực tiếp đến chương trình, SGK lớp 7, đến học sinh, càng cụ thể càng tốt. Xây dựng được các mô hình bồi dưỡng với mục đích khác nhau: Một phần là các khóa học ngắn được thiết kế để dạy kỹ năng thực tế có thể được áp dụng ngay lập tức; đồng thời với đó là những khóa bồi dưỡng, giảng dạy chuyên sâu thông qua ứng dụng lý thuyết học tập hiện đại và tăng sự trải nghiệm, kết nối trong quá trình học tập. Hoạt động bồi dưỡng phát triển chuyên môn phải được ứng dụng trong thực tế giảng dạy” - cô Lã Thị Hè bày tỏ mong mỏi.
Xây dựng chế độ
Tại Vĩnh Long, thông tin từ ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, 100% cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông trên địa bàn hoàn thành 6/6 mô-đun bồi dưỡng bắt buộc theo yêu cầu của Chương trình ETEP. Qua tập huấn, năng lực quản trị của cán bộ quản lý và năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, cùng năng lực CNTT của giáo viên được nâng lên rõ rệt. Tuy các hoạt động tập huấn đã kết thúc nhưng sợi dây kết nối giữa các cán bộ quản lý, giữa các giáo viên, người học và giảng viên/giáo viên cốt cán vẫn được duy trì thường xuyên. Nhờ vậy, quá trình học hỏi lẫn nhau vẫn tiếp diễn thường xuyên theo tinh thần “học không bao giờ dừng”.
Học sinh cũng được hưởng lợi vì thầy cô đã được tập huấn và áp dụng các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với định hướng dạy học “lấy người học làm trung tâm”. Ngoài ra, các nội dung bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm cũng phần nào giúp cho cách tiếp cận của giáo viên với học sinh tốt hơn, giao tiếp giữa thầy trò thuận lợi hơn.
Các trường sư phạm trọng điểm và giảng viên tham gia bồi dưỡng cũng được hưởng lợi. Giảng viên có điều kiện nghiên cứu sâu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; được tiếp cận công nghệ phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục; làm việc với cán bộ quản lý, giáo viên giỏi ở trường phổ thông; hiểu và chia sẻ những khó khăn của giáo viên phổ thông…
Trường sư phạm và giảng viên cốt cán đã thu nhận được nhiều thông tin khách quan, chân thực từ trường phổ thông. Đó là cơ sở để xây dựng hoặc điều chỉnh chương trình đào tạo các chuyên ngành sư phạm; điều chỉnh nội dung, phương pháp đào tạo sinh viên sư phạm; điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm.
Chia sẻ nét mới trong đợt tập huấn, bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa lớp 10 năm học 2022 - 2023 tới đây, ông Trịnh Văn Ngoãn cho biết sẽ rà soát và cử giáo viên âm nhạc, mỹ thuật các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp ĐH, có chuyên môn tốt tham gia tập huấn. Đội ngũ này được xem là nguồn để tiếp nhận về trường THPT (khi các thầy cô đáp ứng điều kiện và quy định về thuyên chuyển); hoặc để các trường THPT hợp đồng thỉnh giảng dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở lớp 10.
Ngoài ra, Vĩnh Long đang xây dựng Nghị quyết quy định mức chi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới. Đây là chính sách quan trọng góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên không chỉ ở bậc phổ thông, mà còn bao gồm cả bậc mầm non trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Liên quan đến nội dung này, ông Trịnh Văn Ngoãn thể hiện mong mỏi: Bộ GD&ĐT sớm điều chỉnh, bổ sung Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT. Lý do: Một số quy định về bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên được nêu tại Thông tư không còn phù hợp với Nghị định số 89/2011/NĐ-CP, cũng như lạc hậu so với yêu cầu về bồi dưỡng thường xuyên hiện nay. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần tổ chức xây dựng tài liệu bồi dưỡng các mô-đun 6, 7, 8; tổ chức tập huấn cho giảng viên cốt cán của các trường sư phạm trọng điểm để địa phương phối hợp với đơn vị trên tổ chức tập huấn theo đúng lộ trình, kế hoạch (dự kiến hoàn thành trong năm 2022).
Xây dựng nội dung bồi dưỡng từ nhu cầu đội ngũ
Chia sẻ của cô Hoàng Thị Bích Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ B, Long Biên, Hà Nội, hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên trong hè của nhà trường thường bắt đầu từ cuối tháng 7. Năm nay, nội dung bồi dưỡng hướng trọng tâm đến nâng cao năng lực sử dụng CNTT cho đội ngũ nhằm thực hiện chuyển đổi số, mô hình trường học điện tử; cùng với đó là bồi dưỡng thực hiện Chương trình, SGK mới với lớp 3.
Nhà trường sẽ tập hợp nhu cầu của giáo viên, những vấn đề thầy cô còn gặp khó khăn, giao bộ phận chuyên môn trao đổi, thảo luận, thống nhất nội dung và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng của nhà trường. Kế hoạch này chia theo tiến độ thời gian trong cả năm học tới, không chỉ thực hiện trong hè. Có thể có mảng nội dung sẽ cần nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia, sở/phòng GD&ĐT. Ngoài ra, còn có nội dung bồi dưỡng chính trị hè cho các giáo viên trước khi vào năm học mới.
Từ thực tế địa phương, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cũng cho rằng: Trước hết phải xác định được nhu cầu bồi dưỡng của cán bộ quản lý, giáo viên; từ đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng của địa phương và đơn vị trường học phù hợp. Tuyệt đối không tổ chức bồi dưỡng theo phong trào, máy móc kiểu không cần biết người học cần gì, mạnh yếu thế nào đều phải tham gia bồi dưỡng cùng một chương trình, nội dung theo suy nghĩ chủ quan của nhà quản lý; vì thuận lợi cho công tác quản lý mà bỏ qua nhu cầu của người học. Khi ấy, việc bồi dưỡng sẽ mất công và lãng phí (lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và đặc biệt là lãng phí lòng tin của người học…), kém hiệu quả.
Việc xác định được nội dung bồi dưỡng đúng, trúng với nhu cầu người học không chưa đủ. Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, còn phải lựa chọn được đơn vị/người bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng; kiểm tra kết quả bồi dưỡng và hỗ trợ sau khi bồi dưỡng để chuyển trạng thái từ bồi dưỡng có tổ chức sang tự bồi dưỡng thì mới hiệu quả. Bởi lẽ, năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên được hình thành phần nhiều nhờ vào quá trình tự học, tự bồi dưỡng. Mỗi nhà giáo phải không ngừng tự bồi dưỡng, phải tự học để không bị lạc hậu so với học trò là điều không phải chỉ nên làm, mà là phải làm. Khi bồi dưỡng trở thành nhu cầu của mỗi cán bộ quản lý và giáo viên thì chắc chắn sẽ có đội ngũ tốt.