Nhà thơ Tố Hữu với Báo Giáo dục & Thời đại

Nhà thơ Tố Hữu với Báo Giáo dục & Thời đại

Nguyễn Ngọc Chụ

(GD&TĐ) - Cuối năm 1999, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức trọng thể lễ kỉ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, nhà thơ Tố Hữu vì bận việc không đến dự được đã gửi lời chúc mừng:

Vì trăm năm, sự nghiệp trồng người
Mừng báo ta tròn tuổi bốn mươi
Giáo dục ngang tầm thời đại mới
Nâng cao dân trí, dựng xây đời.

Có được vinh dự trên đây là do mấy năm trước đó nhà thơ Tố Hữu đã có sự cộng tác rất đặc biệt đối với báo. Tháng 3 năm 1996, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi nghỉ hưu ở Ban Văn nghệ đài Tiếng nói Việt Nam về làm biên tập viên trang Văn hoá – Văn nghệ báo Giáo dục và Thời đại theo chế độ hợp đồng, đã có sáng kiến tổ chức Cuộc thi thơ lục bát. Cuộc thi kéo dài trong 2 năm, từ tháng 5-1996 đến tháng 5 năm 1998 thì kết thúc. Đây là cuộc thi thơ lục bát đầu tiên trong lịch sử của báo vì thế được dư luận trong ngành và xã hội hoan nghênh và nhiệt tình hưởng ứng. Ban tổ chức đã nhận được 32.862 bài dự thi của 6861 tác giả trong và ngoài nước. Tham gia Hội đồng chung khảo là các nhà thơ có nhiều thành công trong thể thơ lục bát: Hữu Thỉnh, Quang Huy, Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bùi Vợi. Đặc biệt nhà thơ Tố Hữu đã nhận lời mời tham gia chấm chung khảo. Ông làm việc rất nhiệt tình và nghiêm túc.
Nhà thơ Tố Hữu chuyện trò với phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại
Nhà thơ Tố Hữu chuyện trò với phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại

Trong bức thư đề ngày 26-9-1998 gửi Hội đồng chung khảo cuộc thi, nhà thơ Tố Hữu viết: “... Tôi  được giao đọc 92 bài lục bát chọn vào chung khảo. Tuy ít thời gian, tôi đã cố gắng đọc cả 5 lần 92 bài.
1.Về  nội dung thơ (ý, tình) gồm các loại tình cảm, tình yêu, gia đình, quê hương, bạn bè, thầy trò, chuyện  đời (đồng đội, người nghèo, thân phận Nguyễn Du, Tản  Đà, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính...). Nói chung, những tình cảm chân thật (có chút xót xa, nuối tiếc) song vẫn chưa sâu về những nỗi đau lớn của cuộc đời, và cũng không có bài nào mang được cái “vui mới” có thực trong xã hội mới...

2.Về  nghệ thuật thơ: lục bát là thể thơ “dễ  làm” nhưng khó hay, phải chắc tay, dùng chữ, câu thật đắt, chứa đựng ý tình sâu, gợi cảm nhiều. Trừ một số bài quá dễ dãi, đã có một số bài chất lượng khá...

... Sự  đánh giá bài thơ, tuỳ thuộc cả ở người “chấm điểm” (khẩu vị, trình độ tư tưởng, nghệ thuật...) và cả xã hội. Vì vậy phải chấp nhận sự đánh giá của tập thể thôi. Rất cảm ơn các đồng chí đã cho tôi được dự bàn, coi như một người đọc yêu thơ và yêu đời”.

Cuộc thi thơ lục bát của Báo Giáo dục và Thời đại đã thành công tốt đẹp. Việc nhà thơ Tố  Hữu tham gia Hội đồng chung khảo đã làm cho cuộc thi thêm sang trọng và bạn đọc càng yên tâm về chất lượng chấm giải.

Sau việc chấm thi này, nhà thơ Tố Hữu còn dành một số buổi tiếp và nói chuyện thân mật với lãnh đạo và phóng viên của báo tại nhà riêng của  ông. Tôi nhớ vào chiều ngày 15-1-1999, tôi và nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã được trò chuyện với ông suốt mấy tiếng đồng hồ. Câu chuyện xoay quanh những vấn đề bức xúc của giáo dục. Lúc bấy giờ trên báo Giáo dục và Thời đại đang có cuộc trao đổi về câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Câu này được nhiều trường đắp chữ nổi trên cổng trường, lớp học coi đó là tuyên ngôn của giáo dục. Chúng tôi hỏi quan niệm của ông về chuyện này như thế nào? Ông rỉ rả bảo:

- Không nên coi đó như là một tuyên ngôn trong trường học như vậy. Nói “Tiên học lễ, hậu học văn” phải hiểu câu đó thực chất là đạo lý giáo dục của người Tàu, mà là Tàu xưa chứ không phải nay. Trong “lễ” là đã có “văn” rồi, và trong “văn” nào mà không có “lễ”! “Văn” vô “lễ” không phải là “văn” (bây giờ cũng có nhiều “văn” vô lễ “lắm, đó là cỏ dại chứ không phải là hoa). Vì vậy với “lễ” và “văn”, không có chuyện “tiên” và “hậu”.
Cần hết sức coi trọng giáo dục đạo đức, tức là giáo dục cái “lễ”, cái “tâm”.

Hỏi  ông về lệ phí, học phí nhà trường, ông sôi nổi nói:

- Cần phải xem lại. Trong số hàng triệu trí thức ngày nay, đa số trí thức của thời “khoai sắn”. Họ đã làm nên nhiều chuyện, mà thời họ học đâu có cần nhiều học phí như bây giờ. Giờ đây, con nhà nghèo không được học sao? Lương của tôi hiện nay mà không đủ nuôi thêm một đứa cháu đi học. Vậy thì bản chất của xã hội là gì nếu nhà thương, nhà trường, nhà hát không dành cho người nghèo? Lẽ nào một xã hội có thể gọi là tốt nếu biến những người dân nghèo trở thành thất học.

Hai yếu tố  quan trọng đối với giáo dục là tiền và con người. Kinh tế là khoá, khoa giáo là chìa. Nhưng cái chìa khoa học và giáo dục bây giờ không mở được cái khoá ấy. Khi cần đầu tư cho khách sạn, đường sá... thì có thể ký rất nhiều và rất nhanh, nhưng cho giáo dục thì... Nghề giáo là một nghề quá thanh cao, nhưng lại quá nghèo, đừng trách nhiều về chuyện dạy thêm, làm thêm đối với giáo viên.

Về vai trò của giáo dục, ông còn nhấn mạnh: Không có  giáo dục làm sao có trí tuệ. Mà không có  trí tuệ làm sao mà lãnh đạo!

Ông còn trao đổi với chúng tôi nhiều vấn đề khác của giáo dục và con người như: Việc khai thác tiềm năng lực lượng trí thức ở nước ngoài, về chí khí của nhân sĩ Bắc hà xưa và nay... Vấn đề nào ông cũng nói rành rẽ, khúc triết. Ví như, về vấn đề khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn trong giáo dục, ông chỉ vắn tắt: “Khoa học tự nhiên và công nghệ thì cứ theo các nước công nghiệp tiên tiến mà làm, không phải mất thời gian mò mẫm nhiều. Nhưng khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có khoa học giáo dục, cần phải hết sức cảnh giác khi hội nhập”... Câu chuyện về giáo dục giữa chúng tôi và nhà thơ Tố Hữu cách đây đã hơn một thập kỷ. Nền giáo dục nước nhà, nay đã có nhiều đổi khác, nhưng tất cả những gì ông nói lúc sinh thời vẫn là những góp ý bổ ích cho những người làm công tác giáo dục thế hệ trẻ hiện nay.

Tháng 7-2009

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ