Dường như vào những ngày này, tình yêu quê hương, đất nước trong lòng người dân lại trỗi dậy mạnh mẽ. Những lời ca hào hùng, lãng mạn thể hiện nguyện vọng, khát khao của mọi người dân vẫn được hát vang đầy tự hào trong ngày lễ lớn.
Đồng hành cùng dân tộc
70 năm trôi qua, bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao đã đồng hành cùng dân tộc. Từ khi chính thức được công nhận là Quốc ca Việt Nam, Tiến quân ca đã thấm vào từng con người Việt Nam để cũng biết đớn đau như da thịt, biết chảy ra như máu suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Tầng tầng, lớp lớp người Việt Nam, già trẻ, trai gái, trong nước và ngoài nước đều hát ca khúc này như một biểu tượng linh thiêng về Tổ quốc.
Lần đầu tiên vào ngày 17/8/1945, khi diễn ra cuộc mít - tinh của công chức Hà Nội, bài hát Tiến quân ca được hàng ngàn người hòa nhịp cất cao tiếng hát trước Quảng trường Nhà hát Lớn. Đến Quốc hội khóa I năm 1946, Tiến quân ca đã chính thức trở thành Quốc ca của nước Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - đã rất tự hào: “Có thể khẳng định, Quốc ca đã trở thành một phần giá trị tinh thần song hành cùng lịch sử dân tộc gần 70 năm qua.
Quốc ca là quốc hồn, quốc túy, là tinh thần dân tộc được kết tinh qua giai điệu, lời ca. Âm nhạc ấy, được bao thế hệ người dân Việt Nam hát vang đầy tự hào, đặc biệt là chiến sĩ đồng bào đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng hát, từng nâng niu trân trọng như một vật báu của dân tộc”.
Tiến quân ca - Quốc ca của nhạc sỹ Văn Cao đã và sẽ mãi mãi ngân vang cùng mọi trái tim người Việt Nam như một lời thề linh thiêng với non sông, Tổ quốc.
Như một sứ mệnh lịch sử
Có lẽ một trong những yếu tố giúp dòng ca khúc này có sức sống mạnh mẽ là bởi nó ghi lại một giai đoạn hào hùng của dân tộc, đồng thời cất lên tiếng nói và tâm hồn người Việt Nam. Những bài ca cách mạng luôn đi cùng năm tháng không thể kể đến Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng (Lưu Hữu Phước)...
Có thể nói Lưu Hữu Phước như một nhà viết sử bằng âm nhạc. Những ca khúc cách mạng của ông có sức cổ vũ mạnh mẽ mọi tầng lớp công chúng, luôn xốc họ dậy, hòa vào dòng thác cách mạng mà rất nhiều thế hệ người Việt Nam từng thuộc lòng: Lên đàng, Xếp bút nghiên, Tiếng gọi thanh niên.
Trong cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám, ngày 23/8/1945, tại Sài Gòn diễn ra nhiều cuộc biểu tình rầm rộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, ca khúc Lên đàng được các bạn sinh viên, thanh niên hát vang trong nhiều cuộc mít tinh, biểu tình biểu dương lực lượng giành chính quyền.
Trong thời đại của chúng ta, Lên đàng vẫn còn vẹn nguyên giá trị, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của thế hệ trẻ, xứng đáng là bài hát truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam.
Sức sống mạnh mẽ
Theo thời gian, dòng ca khúc cách mạng với sức hấp dẫn riêng, không thể không nhắc tới những nhạc sĩ tài năng thuộc các thế hệ đã góp phần tạo nên những trang sử bằng âm thanh. Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu), Diệt phát-xít (Nguyễn Đình Thi), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Mười chín Tháng Tám (Xuân Oanh), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Đàn chim Việt (Văn Cao), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Lên ngàn, Nhạc rừng (Hoàng Việt), Con kênh xanh xanh (Ngô Huỳnh)... mỗi ca khúc ghi lại một sự kiện, một thời điểm lịch sử nhất định gắn liền vận mệnh đất nước. Mỗi khi ca khúc ngân lên là cảm xúc thiêng liêng, tự hào lan tỏa mạnh mẽ trong tim mỗi người con đất Việt.
Khó có thể kể hết được những sáng tạo của các thế hệ nhạc sĩ đã dành tâm huyết cho đề tài đất nước. Mỗi ca khúc mang một mầu sắc và truyền tải những nội dung khác nhau nhưng lại có chung một thế giới quan, đó là chất anh hùng ca, sự đấu tranh cho lý tưởng và chính nghĩa, sự khát khao được sống trong hòa bình, tự do.
Bằng tình yêu và nhiệt huyết, những nhạc sĩ tài hoa ấy đã viết nên những khúc tráng ca hào hùng về đất nước và con người Việt Nam sống mãi cùng dân tộc.