Văn trẻ hay cuộc đua về cá tính?

Văn trẻ hay cuộc đua về cá tính?

1Dù chưa thực sự là một mùa bội thu, nhưng những gì mà văn trẻ làm được trong năm qua rất đáng ghi nhận. Những tác phẩm xuất hiện công phu, đầy trách nhiệm tương đối nhiều, với những giọng điệu và khám phá khác nhau kiểu như trăm hoa đua nở. Ai cũng cố gắng tạo cho người đọc một cảm giác mới khi tiếp cận với tác phẩm của mình. Người viết trẻ cũng dám nghĩ hơn, dám xông vào những đề tài hóc búa, những nỗi đau nhức nhối của xã hội. Các cuộc thảo luận đánh giá về những tác phẩm tiêu biểu của Ban Công tác nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam phần nào làm cho không khí sáng tác trong giới trẻ trở nên sôi nổi. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tích cực đến mùa văn của năm 2010. Bản thân tôi cho rằng, cá tính sáng tạo là cực kỳ quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến khả năng đi xa của người viết trẻ. Không có một con đường riêng, có nghĩa người viết trẻ đã lặp lại, và độc giả sẽ phải tiếp nhận những cuốn sách nhàn nhạt, đọc mà như mình đã từng đọc ở đâu đó, hoặc đọc cũng được mà không đọc cũng chẳng sao.

Thế nhưng, tôi phải nói lại rằng, dù là có cá tính sáng tạo đi nữa, thì một số tác giả đã viết ra những tác phẩm kém sức sống. Hay nói cách khác, đó là cá tính của một sự dễ dãi, của giải trí thông thường. Người ta vẫn gọi đó và “văn rác”. Một tác giả mới toe tên là Gào, được một số người đánh giá là ngoạn mục khi xuất hiện với tập truyện “Cho em gần anh thêm chút nữa”. Ai cũng công nhận cô gái Gào (tên thật là Vũ Phương Thanh) rất cá tính, không chỉ ở ngoài đời mà trong văn chương. Ai từng đọc và hiểu về Gào, thì thấy cô là một bogger và tác phẩm của cô được lôi từ trên mạng xuống. Cô được viết giới thiệu: “Xinh đẹp, cá tính, năng động, ở Gào còn có khả năng nội tại mạnh mẽ trong việc thể hiện những suy nghĩ và quan điểm của mình qua những con chữ. 21 tuổi, Gào xuất bản tập truyện đầu tiên này của mình một cách rất ngẫu nhiên. Cũng như khi Gào viết ra nó, “Cho em gần anh thêm chút nữa” là một tập truyện thiên về cảm xúc, thuần cảm xúc, không bị cắt gọt bằng kỹ thuật, chính vì thế, tập truyện gần như đưa người đọc trải qua được tất cả các cảm xúc và khiến người đọc có thể sẽ phải tập trung tới 100% giác quan để không bị cảm xúc cuốn đi khi đọc tập truyện ngắn này”. Thực chất, tác giả Gào chỉ lấy lại những đoạn entry trên blog và ghép lại. Chứ nó không được xác định là để trở thành những truyện ngắn ngay từ đầu. Vì thế, 13 truyện ngắn in trong tập là 13 đoạn cảm xúc, mô tả về những trạng thái, những ẩn ức và vài ba cảm xúc của tác giả “chớp” được trong cuộc đời mình. Có những đoạn rất thô tục và phản văn học. Thế nhưng, nó vẫn được in và được gọi là “truyện ngắn”. Ví dụ, ở truyện ngắn “Có đàn ông trong toilet nữ”, Gào viết: “Thứ Hai, buổi sáng, toilet Diamond, nhấn mạnh “toilet nữ”. Vắng tanh! Không chen chúc! Chỉ có một mình tôi. Tôi là cá nhân duy nhất! Buồn đái ở Diamond trong giờ phút ấy. Nói chính xác hơn: Tôi là nữ nhân duy nhất buồn đái trong toilet nữ, ở Diamond plaza vào sáng thứ Hai… Tôi đái!...”. Đó, những đoạn văn cụt ngủn và thô thiển của một cô gái khá xinh. Tôi không dám phủ nhận tài năng của cô trong những công việc xã hội, nhưng kiểu viết như gom nhặt lại những thứ rác rưởi ở đời lại và bảo đó là văn thì khó có thể chấp nhận. Thế nhưng, một nhạc sĩ, ca sĩ như Lê Cát Trọng Lý đã “bơm” cho Gào ở bìa bốn của cuốn sách rằng: “Một đốm lau ngày hôm nay có thể là cả một đồng lau lan tận đến chân núi vào những hôm sau. Tôi tin văn của Gào sẽ như thế, bởi lửa tự thân đâu đó giữa những dòng chữ”

Cũng như Gào, tác giả Keng của cuốn “Dị bản” cũng lôi 13 entry trên blog xuống in thành sách. Một thời gian “Dị bản” là một trong số những cuốn bán chạy nhất. Bìa cuốn sách được trình bày hàng chữ gây tò mò “Chỉ đọc khi tuổi đã 18”, cộng thêm cái tên tác giả Keng dở tây dở ta, khiến không ít người tò mò mua về, đọc. Thế mà chủ nhân của cuốn sách lại được báo nhắc đến với vô số bài phỏng vấn. Như nhiều tác giả đã từng “bơm” cho cây bút trẻ, tác giả Song Phạm đã viết về Keng trên báo Sài Gòn giải phóng và sau đó in trong lần tái bản “Dị bản” như sau: “Dị bản” gồm 13 truyện ngắn, mỗi câu chuyện là một mối suy tư, trăn trở về tình yêu, lối sống… của chính mình, cũng là của thế hệ trẻ 8X, 9X Việt Nam hiện nay. Ra đời chóng vánh từ những entry trên blog, các truyện ngắn mang âm hưởng của những vùng đất lạ, đôi lúc kêu gào, đập phá, nổi loạn… nhưng những gai góc, quyết liệt ấy cũng chỉ như những chiếc gai hồng đầy nữ tính, đầy đam mê và chẳng mấy nguy hiểm… Sau “Dị bản”, Keng ra tiếp “Hồng gai” và “Đôi mắt không còn ướt nước” có phần bạo dạn hơn khi viết về sex. Nhưng những trang sách ấy vẫn được khỏa lấp bởi một ngòi bút non tay và cố tình lên gân một cách vụng về. Keng còn thiếu tinh tế khi viết về sex và những thuyết giảng luân lý. Văn của cô đã rõ ràng tố cáo cô là người khó có thể viết văn một cách tử tế, ít nhất là trong vài năm tới. Keng viết trên blog của mình rằng “Hồng Gai” là sự tái hiện thời xuân sắc của hai số phận nữ nhân giữa nhịp sống xô bồ, hiện đại bằng trí nhớ. Một ký ức chẳng gọi rõ tên của nhân vật “Nàng” vô định ngang qua cuộc đời 13 người đàn ông có vợ. Thiên ngoại tình tưởng như dài đằng đẵng vậy mà cũng đã khép lại sau chưa đầy mười năm...

Còn tác giả Cấn Vân Khánh lại có một lối đi của riêng mình với những trang văn mượt mà, nhẹ nhàng. Chị không phản đối người khác nói mình viết văn thị trường, giải trí. Khánh trả lời trong một bài phỏng vấn: “Dòng văn giải trí theo tôi, không có gì là xấu. Thời buổi hiện nay, con người luôn phải quay cuồng bận rộn giữa hàng núi công việc, họ không đủ tâm sức và thời gian dành cho những tác phẩm văn học được coi là bác học, cao siêu, giàu tư tưởng mà họ chỉ cần những trang viết đem đến sự thư giãn nhẹ nhàng. Nếu văn giải trí là một ly nước làm dịu mát thảnh thơi tâm hồn thì tôi nghĩ không nên lên án hay coi thường nó”. Mới đây, Khánh lại in cuốn “Đi lạc vào thế giới của anh”. Vẫn lại là kiểu viết cũ, sáo mòn, xoay quanh chuyện yêu đương, đàn ông và đàn bà, nhạt nhẽo với giọng điệu mà nhiều người cảm thấy khá sến. Truyện ngắn của chị quẩn quanh trong một đề tài eo hẹp là những chuyện tình tủn mủn, những ẩn ức cá nhân và khát khao dục vọng. 

2Ở thế hệ những người viết 7X như Di Li, Hòa Bình, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Đặng Thiều Quang... đã có thâm niên trong nghề, được dư luận đánh giá là những gương mặt triển vọng, có khả năng đi xa. Tác phẩm của họ có công phu, tâm huyết, có thành công nhất định và được công chúng đón nhận (ít nhất là ở khoảng thời gian nó ra đời). Đọc những tác phẩm của các tác giả này, độc giả đều nhận ra sự cựa quậy làm mới. Họ có những điểm yếu và thế mạnh riêng. Có cá tính sáng tạo và cách nhìn cuộc sống qua lăng kính chủ quan mỗi người. Tuy nhiên, tìm một lối đi riêng trong văn chương không hề đơn giản. Nhất là đối với những nhà văn trẻ, khi các nhà văn đàn anh, các nhà văn thế giới đã động bút tới hết loại đề tài, làm nên nhiều phong cách viết và đóng đinh giá trị của nó vào đời sống văn chương nhân loại.

Năm 2009, sự xuất hiện tiểu thuyết trinh thám - kinh dị “Trại hoa đỏ” dày hơn 500 trang của Di Li được chú ý. Rất nhiều ý kiến đánh giá cao khả năng viết nhanh, lao vào một dòng văn sắp có nguy cơ “tiệt chủng” ở Việt Nam. Di Li được coi là nhà văn Việt Nam đầu tiên đặt bút viết về thể loại tiểu thuyết trinh thám kết hợp kinh dị. Cùng thời với chị, nhiều cây bút trẻ đương đại còn mê mải đi sâu vào khai thác đề tài mang tính thời thượng về thế giới thứ ba, về tình yêu… thì Di Li lại gây được chú ý trên văn đàn bằng dòng văn học hoàn toàn khác, thể hiện một lối đi riêng, độc lập và chắc chắn cho riêng mình. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: “Đây là một cuộc làm mới đầy hứng khởi và nhiệt tâm của tác giả, nhất định chọn lối viết “kinh dị”, khiến người đọc bị thôi thúc vì tò mò, bị lạc lối vào mê lộ. Độc giả được cuốn vào cuộc thưởng ngoạn, luôn phải mong ngóng, đón đợi, luôn phải hồi hộp nghiệm sinh hy vọng và tuyệt vọng. Thất bại của độc giả khi không đoán được kết cuộc đã chính là thành công của cuốn tiểu thuyết mang màu hoa đỏ rực này”. Trái hẳn những điều đó, không ít ý kiến cho rằng Di Li chưa thực sự dày vốn sống. Tiểu thuyết của chị khi đọc lên người ta vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Có những đoạn rườm rà, sa đà vào quá nhiều chi tiết đến mức không kiểm soát được nó.

Khác với Di Li, nữ nhà văn Phong Điệp lại có một kiểu viết “blog hóa tiểu thuyết”. Đọc cuốn “Blogger”, người đọc có cảm giác đang truy cập một trang blog của ai đó, với những entry, comment đầy màu sắc cá nhân. Trước đây, Phong Điệp thường viết truyện ngắn bằng một lối đi truyền thống, nhưng ở “Blogger”, nhiều người nghĩ rằng, chị đã “lột xác” để hiện đại hơn, dù chị không thừa nhận. Chắc chắn rằng, với cuốn tiểu thuyết này, Phong Điệp đã khiến những ai cầm lên đều cần một cách đọc khác. Người đọc như bị lạc vào mê cung bởi các tuyến nhân vật, giữa thực và ảo đan xen nhau và nếu người đọc không thực sự “nhập cuộc” với các nhân vật thì sẽ thấy tác phẩm rời rạc, các nhân vật lạc nhau. Đối với người đọc lười nhác, khi đọc nó sẽ thấy mệt mỏi, chán chường, khó mà đi cho đến hết tác phẩm. Chỉ cần sao nhãng một đoạn là không biết mình đang ở phần nào, tầng nào.

Một năm trước đây, năm 2008, sự ra đời tiểu thuyết “Nháp” của Nguyễn Đình Tú cũng khiến văn đàn xôn xao. Nhưng sự xôn xao ấy chủ yếu là bởi những… bài viết giới thiệu. Thực ra, “Nháp” không hề mới, hơn nữa cách kết cấu truyện còn có phần vụng về. Tác giả của nó đã đề cập đến sex, đồng tính, thế giới trên mạng internet… Tác giả Nguyễn Đình Tú khẳng định, đây là một cuốn tiểu thuyết viết về ẩn ức tình dục của những thanh niên trẻ, nói một cách nôm na là những người “có tâm bệnh” về tình dục. Những nhân vật này được xây dựng như những ẩn dụ để nhà tiểu thuyết bàn về một số vấn đề khác của đời sống đương đại. Vì thế, nói một cách chính xác thì “Nháp” có đề cập yếu tố đồng tính nhưng không phải là một cuốn tiểu thuyết viết về đề tài đồng tính. Sự ồn ào về “Nháp” đã lắng xuống từ lâu. Đã không ít độc giả thất vọng khi mua “Nháp”, bởi vì nó viết bằng một ngòi bút chưa thực sự chắc tay, những cảnh làm tình còn thô thiển. Nửa sau năm 2009, Nguyễn Đình Tú lại ra mắt tiểu thuyết thứ 4 với tên gọi “Phiên bản”, một thời gian được làm nóng bởi những bài phỏng vấn. Cuốn sách có 31 khúc được sử dụng với 3 ngôi kể khác nhau kể về cuộc sống của một cô nữ sinh ngây thơ trong sáng, bị môi trường và hoàn cảnh đưa đẩy nên rơi vào cuộc đời gió bụi giang hồ, kết hợp với nhiều nhân vật đa tính cách tạo nên những mảng màu khác biệt trong xã hội. Có ý kiến nói rằng, văn Nguyễn Đình Tú chưa thoát khỏi những vấn đề liên quan đến tình dục và những cố gắng đổi mới của anh chưa thoát khỏi trào lưu mà những cây bút thuộc thế hệ 8X khác đang đi.

Đầu năm 2009, tác giả Hòa Bình cũng xuất hiện với cuốn tiểu thuyết đầu tay “Gọi con người” với mức độ sex... ngoạn mục. Sau đó không lâu, báo Gia đình xã hội có bài phỏng vấn Hòa Bình với tựa: Tác giả tiểu thuyết “Gọi con người”: “Khỏa thân” trên trang viết. Khi trả lời phỏng vấn chị nói: “Tôi là kẻ không ngại khỏa thân cho người đời ngắm, nếu đó là khỏa thân nghệ thuật. Và có thể thật sự là tôi đã khỏa thân trong cuốn sách. Còn nhìn ngắm nó bằng con mắt nghệ thuật hay dung tục là việc của người đọc”. Gần như đồng hành với suy nghĩ của người viết ra nó, ngay khi “Gọi con người” được giới thiệu trong những ngày tân xuân 2009, dư luận đã xì xào về những trích đoạn tràn ngập… sex trong từng chương sách. Trong tiểu thuyết, tác giả Hòa Bình đã nói về những ẩn ức tính dục trong truyện theo cách rất riêng của mình. Khen hay chê là quyền của độc giả.

3Thực sự, trong văn học trẻ dường như mỗi người đang có một cuộc đua về cá tính sáng tạo, dù chưa ai công nhận một cách công khai. Những cuộc đua “ngầm” đã và đang tạo ra các trào lưu sáng tạo. Đó là sex, đồng tính, là trinh thám và kinh dị. Khi viết, ai cũng hy vọng (hoặc nghĩ rằng) văn của mình chắc chắn rất “hot” và sẽ được bạn đọc đón nhận. Không ít người ngấm ngầm nghĩ rằng, văn chương của mình sẽ là một cú nổ và gây tiếng vang ở một mức độ nào đó và chẳng ai chịu nghĩ rằng, những điều đó đã cũ với bạn đọc. Sự ra đời của những tác phẩm ấy, với nhiều lời khen chê trái chiều, mới chỉ làm nên sự ồn ào chứ chưa tạo nên một thành công ngoạn mục.

Những cuộc đua “ngầm” về cá tính trong các sáng tác còn non nớt, cũng chỉ để lại những hào quang chớp nhoáng ở một giai đoạn ngắn cho tác giả của nó. Sự dễ dãi đó không đủ sức đưa các cây bút trẻ đi xa. Một số nhà phê bình cho rằng, nhiều người viết trẻ chưa có một liều vaccin trong mình để có thể tránh được sự ngộ nhận, tránh sốt ruột và viết theo phong trào. Theo đánh giá của tôi, một số tác giả thế hệ sinh sau năm 1985, mới bắt đầu đặt chân đến địa hạt văn chương với nhiều sự non trẻ, ngộ nhận. Không ai cấm ai đừng tiến đến văn chương. Nhưng một số người viết trẻ đã “nhào dzô” với một tâm trạng kiểu như “con gà tức nhau tiếng gáy” hoặc với một tâm thế phá bĩnh, bộc lộ hết mình những cá tính thường nhật lên trang viết. Rốt cuộc, văn trẻ vẫn chỉ đang đi theo những con đường thể nghiệm mới, chứ chưa thực sự là những cái đỉnh đóng đinh vào lòng người đọc. Nhiều người nôn nóng muốn biết vậy thì chất lượng văn chương trẻ bị khuyết ở chỗ nào, và làm sao để lấp đầy khiếm khuyết đó? Câu hỏi ấy làm trăn trở bất kể ai yêu văn chương và hy vọng và thật không dễ trả lời. Bất kể cuộc ganh đua nào cũng sẽ làm nên những tiến bộ. Và chúng ta lại hy vọng, chờ đợi ở những người viết trẻ, ở những mùa gặt khác.

Ngô Thục Miên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ