Vẫn rất lúng túng mua điện mặt trời

GD&TĐ - Liên quan đến giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu dư thừa phát lên lưới, giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Phương án một, giá mua điện dư thừa tính theo mức bình quân biểu chi phí tránh được hàng năm do Bộ Công Thương ban hành. Phương án hai, lấy bằng giá biên thị trường điện (SMP) từng giờ (không gồm giá công suất thị trường - CAN) và trừ đi chi phí phân phối trên 1 kWh.

Tuy nhiên, hiện không có phương pháp nào phù hợp để xây dựng giá mua điện dư thừa nên không có đủ lý luận để lấy giá mua điện dư phát lên lưới quốc gia theo phương án 1 hay 2. Vì thế, Bộ đề xuất trước mắt tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới từ 600 - 700 đồng/1 kWh, cụ thể ở 671 đồng một kWh. Giá này có thể điều chỉnh hàng năm để phù hợp từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện. Phương án này cũng đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư của EVN…

Trước đó, dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà quy định, loại hình điện mặt trời mái nhà không nối lưới quốc gia sẽ được phát triển không giới hạn. Trường hợp có nối lưới quốc gia, người dân được quyền phát hoặc không phát sản lượng dư vào hệ thống nhưng thanh toán 0 đồng.

Giải thích về quy định này, Bộ Công Thương cho rằng, vì mục đích tự sản tự tiêu nên Bộ đã đề xuất Chính phủ cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật. Thủ tục thực hiện cũng đơn giản, không phải đáp ứng các quy định của Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… và một số quy định pháp luật chuyên ngành khác.

Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu cũng được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách nên nếu bán điện sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của Nhà nước.

Hơn nữa, cơ sở hạ tầng lưới điện của nước ta những năm qua dù đã được đầu tư, nâng cấp, từng bước hiện đại hóa nhưng không có nghĩa là có thể hoàn toàn đáp ứng được mọi nguồn điện với đủ các mức công suất khác nhau. Để làm được điều đó, phải có công nghệ lưu trữ, vận hành điều độ hệ thống lưới điện, nguồn điện nền có thể kịp thời phát khi điện gió, điện mặt trời sụt giảm.

Bởi vậy, nếu khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và cho phép nối lưới không giới hạn công suất, công tác vận hành lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ cao mất an toàn hệ thống điện quốc gia ở mức rất cao - Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Những lập luận này của Bộ Công Thương là có cơ sở. Tuy nhiên, những dự kiến thay đổi về giá bán vừa qua cho thấy vẫn trong tình trạng lúng túng, chưa tìm được lối đi cho điện mặt trời mái nhà.

Hơn nữa mới đây, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các bộ, ngành, tập đoàn năng lượng Nhà nước và các đơn vị liên quan đề nghị tham gia ý kiến với dự thảo báo cáo Thủ tướng về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được phê duyệt vào tháng 5/2023.

Lý do là bởi việc cung ứng điện trong các năm 2025 - 2030 hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt công suất đỉnh vào thời điểm mùa khô. Các nguồn điện được phê duyệt cũng không đáp ứng tiến độ theo kế hoạch, nguy cơ thiếu điện năng sử dụng trong tương lai…

Như ý kiến của một chuyên gia thì lẽ ra các cơ quan chức năng phải đi trước và hướng dẫn thì nay lại thành người đi sau và giải quyết hậu quả. Bởi vậy đã đến lúc cần cần rành mạch và cụ thể hơn với điện mặt trời mái nhà để tránh lãng phí bởi thực tế quy định giá bán 0 đồng cũng không giải quyết được những lo ngại có thể gây ra quá tải cho lưới điện. Đó là chưa kể, quy định này rất vô lý về mặt thị trường.

Có lẽ, vấn đề cốt lõi để giải quyết vấn đề chính là khi xây dựng các cơ chế phải thực tế, chi tiết cả về khía cạnh kinh tế và kỹ thuật, tránh tình trạng đưa ra quy định nhưng không thể thực hiện được, hoặc muốn sửa đổi cũng không thể nhanh chóng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ