Trong năm 2016 và quý I/2017, Thanh tra Bộ GTVT đã chủ trì thực hiện 49 cuộc thanh tra, trong đó có 35 cuộc thanh tra hành chính, 14 cuộc thanh tra chuyên ngành và đã ban hành 54 kết luận thanh tra.
Trong lĩnh vực thanh tra hành chính, Bộ tập trung chủ yếu vào công tác quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; bảo đảm vốn chủ sở hữu; quyết toán dự án hoàn thành; quản lý thu phí đường bộ; tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Qua 34 kết luận thanh tra hành chính đã ban hành, đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 21,7 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kinh tế khác với tổng số tiền trên 3.953 tỷ đồng.
Nội dung thanh tra chuyên ngành tập trung chủ yếu vào công tác kinh doanh vận tải bằng ô tô; nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa; đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Đối với thực hiện kết luận thanh tra, Bộ đã công khai lên trang thông tin điện tử của Bộ và Thanh tra Bộ, gửi kết luận thanh tra, yêu cầu công khai kết luận tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, để đáp ứng nhu cầu thanh tra, Bộ đã thành lập Phòng “Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra” để theo dõi, thực hiện kết luận thanh tra với con số thực, có đôn đốc, kiểm tra rõ ràng. Tuy nhiên, mặc dù Bộ GTVT đã nỗ lực, kiến nghị nhiều nhưng việc phối hợp thanh tra giữa các bộ, ngành còn chồng chéo, một số đơn vị chưa thực hiện tốt.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, cái khó là việc thực hiện kết luận thanh tra, vì cùng một vấn đề nhưng mỗi đơn vị lại có cách nhìn khác nhau, có quan điểm riêng.
Tại buổi làm việc, Bộ GTVT cũng nêu ra những băn khoăn, vướng mắc như đối với các cuộc thanh tra chuyên ngành, chuyên đề có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nên việc họp công bố sẽ mất nhiều thời gian, kinh phí; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm tổ chức niêm yết công khai kết luận thanh tra…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc thanh tra và công bố kết luận thanh tra đã được Bộ GTVT thực hiện nghiêm túc với nhiều nội dung, số liệu đầy đủ. Qua thảo luận về công tác thanh tra, Bộ đã quan tâm đến tính hiệu quả của công việc từ công đoạn thanh tra cho đến kết luận, công bố và hội kiểm.
Để làm tốt công tác thanh tra, việc Bộ GTVT cho ra đời Phòng “Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra” trong khi biên chế không có đã thể hiện sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực và trách nhiệm cao. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá cao việc Bộ GTVT ban hành được các quy chế, quy định liên quan đến công tác thanh tra cũng như việc công khai trên cổng thông tin điện tử để người dân, cơ quan và báo chí biết đến.
Đánh giá kết quả thanh tra, theo người đứng đầu Mặt trận, Bộ GTVT đã thực hiện công khai, minh bạch, thanh tra chuyên ngành đạt tỉ lệ khá (hơn 61%) nhưng vẫn cần phải sâu sát thêm.
Đối với lĩnh vực hàng không, việc công bố kết luận thanh tra được thực hiện tại đơn vị đạt 100% nhưng công bố trên mạng lại rất thấp, nên cần phải bàn bạc lại. Hoặc như Cục Đường sắt Việt Nam, tỉ lệ công bố kết luận thanh tra tại chỗ cao nhưng nếu tiếp tục phấn đấu thì sẽ đạt cao hơn nữa.
Ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, sắp tới Bộ GTVT nên tiếp tục thực hiện công bố kết luận thanh tra qua mạng, cũng như thực hiện niêm yết kết luận thanh tra ở những nơi dễ nhìn, phân cấp để kiểm tra việc niêm yết. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ cần chủ động đề xuất, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, và cùng Thanh tra Chính phủ duyệt danh mục công bố hạn chế của ngành.