Văn học Việt:Gian nan đường tới hội nhập

GD&TĐ - Dịch và quảng bá văn học ra thế giới là việc làm quan trọng và cần thiết trên con đường hội nhập của văn học Việt Nam. Tuy nhiên để làm tốt điều này văn học Việt cần kiện toàn hàng loạt công việc từ dịch thuật; chính sách đối với văn nghệ sĩ khi tham gia giao lưu văn hóa với các nước… đến cơ chế chính sách đối với người tham gia giới thiệu văn hóa của Việt ra nước ngoài.

Văn học Việt:Gian nan đường tới hội nhập

Tiềm năng bỏ ngỏ

Trong nhiều năm qua với chính sách hội nhập, phát triển Việt Nam đã mở rộng giao lưu văn hóa nói chung và văn học nói riêng. Đặc biệt, trong vấn đề dịch sách, truyền bá văn học Việt ra nước ngoài và dịch, giới thiệu những tác phẩm văn học lớn của nước ngoài vào Việt Nam luôn được quan tâm nhằm mang tới sự thúc đẩy phát triển, sáng tạo của văn hóa trong nước.

Có thể thấy, nền văn học Việt có không ít tác phẩm đáng để bạn đọc nước ngoài thưởng thức. Và thực tế, mấy năm gần đây đã có một số ít tác phẩm văn học Việt được dịch và giới thiệu ở nước ngoài để lại những ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc.

Theo nhận xét của nhiều nhà văn thì số lượng tác phẩm văn học Việt được dịch và giới thiệu đến bạn bè quốc tế đến nay đã gây được tiếng vang và đánh giá khá tốt.

Có thể kể tới một số thị trường văn hóa đọc quốc tế mà văn học Việt đã có được chỗ đứng nhất định như: Nhật Bản, Nga, Mỹ, Thái Lan… Đây là tín hiệu đáng mừng bởi chỉ tính khoảng 10 năm trước văn học Việt mới chỉ được giới thiệu ở một số nước xã hội chủ nghĩa, nhưng đến nay đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt, ở Hoa Kỳ, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã được giới thiệu, ngoài ra còn có các cá nhân, tập thể các nhà thơ, nhà văn, giới thiệu tuyển tập, chuyên đề của mình. Hay như ở Hàn Quốc bắt đầu có nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trong đó có thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tập Nhật ký trong tù và Thơ Hồ Xuân Hương.

Tuy nhiên, trên thực tế việc quảng bá văn học Việt ra nước ngoài đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Hằng năm, có hàng nghìn tác phẩm nước ngoài được dịch và bày bán ở Việt Nam, nhưng còn mấy công chúng (trừ các nhà văn chuyên nghiệp) biết hay kể ra được những tác phẩm văn học Việt được dịch và giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Dẫu an ủi bản thân thì chúng ta cũng phải thừa nhận nền văn học Việt Nam chưa thuộc diện nền văn học được các nhà xuất bản trên thế giới săn tìm. Vì thế, để phát triển và hòa nhập văn học Việt phải có trách nhiệm và nghĩa vụ giới thiệu những tác phẩm văn học xuất sắc của mình ra thế giới, phải thúc đẩy sự giao lưu giữa các nhà văn Việt với nước ngoài để học hỏi đồng thời giới thiệu và quảng bá tác phẩm.

Hằng năm, chúng ta vẫn thấy khá nhiều nhà văn của các nước sang Việt Nam để tìm hiểu thực tế, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với các nhà văn Việt. Nhưng ngược lại, số lượng nhà văn trong nước được cử sang nước ngoài đếm trên đầu ngón tay. Đây là thực tế đáng buồn xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Nhưng cũng chính vì vậy, con đường đưa tác phẩm văn học Việt đến với bạn đọc quốc tế vẫn là vấn đề quá khó khăn. Nếu văn học thế giới được ví như một dãy núi cao thì văn học Việt hiện tại vẫn đang đứng dưới chân núi và bắt đầu tập leo.

Dịch thuật - Nỗi lo muôn thủa

Việt Nam đã và đang trở thành thị trường tiêu thụ tác phẩm văn hóa nước ngoài lớn. Trong lĩnh vực văn học đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài được giới thiệu ở Việt Nam song không ít các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam lại chỉ nằm im tại chỗ.

Nguyên nhân của tình trạng này theo nhiều nhà văn đã chỉ ra bởi chúng ta chưa chủ động, tích cực trong công tác quảng bá. Mặt khác ở trong nước dù đã có một trung tâm dịch thuật thuộc Hội Nhà văn Việt Nam nhưng không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, chưa có chính sách chăm lo cho đội ngũ dịch giả…

Do đó, công tác dịch thuật cũng chỉ hoạt động hết sức cầm chừng, thiếu dịch giả giỏi và chuyên nghiệp. Hiện nay, muốn tìm dịch giả dịch tốt sang một số ngôn ngữ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha càng hiếm và khó, và có chăng trong số dịch giả ấy chỉ có thể dịch xuôi mà thôi.

Được biết trước đây có nhà xuất bản Thế giới tham gia vào công việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, nhưng chủ yếu họ chỉ giới thiệu sách chính trị, kinh tế, xã hội, còn mảng văn học không nhiều.

Vì thế, muốn giới thiệu được văn học Việt đến với bạn bè quốc tế một cách bài bản, trước hết phải bắt đầu từ trung tâm dịch thuật. Đây không chỉ là nơi làm công tác tuyển chọn tác phẩm mà nhiệm vụ quan trọng hơn cả là tập hợp, bồi dưỡng các nhà dịch giả. Còn nếu để trung tâm hoạt động theo phong trào, không có tầm nhìn xa thì chắc chắn sẽ không có hiệu quả.

Để phát triển văn học Việt ra nước ngoài rất cần phải có chuyên gia hàng đầu về dịch thuật ở 6 thứ tiếng với nguồn kinh phí hoạt động được cung cấp đầy đủ.

Có thể khẳng định, dịch thuật là cầu nối quan trọng để mang các tác phẩm Việt ra ngoài lãnh thổ. Không làm tốt công tác dịch thuật thì văn học Việt mãi thiệt thòi trên con đường hội nhập và tìm đến bạn đọc không cùng ngôn ngữ.

Với một khối lượng bạn đọc không hề nhỏ cùng nhu cầu thưởng thức tác phẩm văn học lớn song đến nay nền văn học Việt vẫn bước đi những bước chập chạp, chưa thể đáp ứng yêu cầu của công chúng.

Mặt khác, trong khi số các tác phẩm văn học dịch nước ngoài được phát hành mạnh tại Việt Nam thì số tác phẩm văn học Việt được dịch ra nước ngoài còn khá hạn chế. Đường đi nào cho Văn học Việt trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa và hòa nhập thế giới dường như vẫn là câu trả lời còn bỏ ngỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.