Buổi tọa đàm “Quá khứ sống động” có sự tham dự của họa sĩ Tạ Huy Long, nhà văn Lưu Sơn Minh, nhà nghiên cứu - Tiến sĩ Nguyễn Tô Lan. Các diễn giả đã chia sẻ về quan niệm và những câu chuyện của họ trong quá trình làm việc, sáng tạo để đưa lại cho độc giả vẻ đẹp sống động của quá khứ. Quá khứ không đóng cứng trong những dòng ghi chép cô đọng của người chép sử mà được thể hiện đầy sống động với những số phận, những câu chuyện kể, những sắc màu… giúp bạn đọc dễ tiếp cận hơn.
Họa sĩ Tạ Huy Long đã gắn bó với đề tài lịch sử liên tục trong suốt hơn 20 năm nay cùng các tác phẩm được đánh giá cao như: Bộ tranh truyện lịch sử với Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Yết Kiêu - Dã Tượng, Trần Nhân Tông… đến “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Lược sử nước Việt bằng tranh”, “Lĩnh Nam chích quái”…
Bộ tranh minh họa “Lĩnh Nam chích quái” xuất bản năm 2017 là một trong những cuốn sách được đánh giá ấn tượng của năm 2017 khi truyền tải những thông điệp lịch sử bằng tranh một cách hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc. Với anh, khi làm sách thiếu nhi đề tài lịch sử, điều quan trọng là những minh họa cho trẻ nhỏ không chỉ đẹp mắt mà còn phải thể hiện được tinh thần lịch sử ở các thời kỳ để trẻ em dễ tiếp thu, nhớ nhanh.
Để làm sáng tỏ cách làm mới, nhà văn Lưu Sơn Minh cũng có những trao đổi từ kinh nghiệm sáng tác nghiên cứu của bản thân qua các tiểu thuyết lịch sử đình đám: Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư. Đó là việc sử dụng ngôn ngữ gần gũi với thiếu nhi, không khô khan, giáo điều.
Với Tiến sĩ Nguyễn Tô Lan đã dành nhiều tâm sức vào nghiên cứu chữ Nôm và như chị bộc bạch, lấy đó làm phương tiện để mở cánh cửa văn hóa của đất nước mình. Tô Lan từng làm luận án tiến sĩ về tuồng qua việc khai thác hệ thống kịch bản tuồng cổ đồ sộ bằng chữ Nôm, đồng thời xuất bản sách nghiên cứu tuồng cổ. Chị vừa vinh dự nhận giải thưởng Balaban 2017 của Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm. Chị cho rằng, nói thế hệ trẻ không thích đọc sử nước nhà là không đúng, cái quan trọng là việc truyền tải lịch sử qua sách, truyện phải thật gần gũi để trẻ nhỏ dễ tiếp cận.