Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Buồn ơi, chào nhé! Khóc òa vầng trăng

GD&TĐ - Sự ra đi đột ngột của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm để lại cho người yêu thơ những nuối tiếc khó gọi thành tên, đúng như câu thơ ông viết 30 năm trước: “Một mai chết thật âm thầm/Mấy nhành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru”.

Hoàng Nhuận Cầm được ví là nhà thơ của học sinh – sinh viên bởi những thi phẩm nổi tiếng về học đường.
Hoàng Nhuận Cầm được ví là nhà thơ của học sinh – sinh viên bởi những thi phẩm nổi tiếng về học đường.

Một cuộc đời thơ, một thế giới thơ “mắt trong leo lẻo nỗi buồn ngàn xưa” mà Hoàng Nhuận Cầm thánh thót mấy chục năm qua đã khép lại.

Những thi phẩm như “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Viên xúc xắc mùa thu”… sẽ còn mãi với thời gian, ngân nga mãi trong cõi thơ trữ tình.

Nhà thơ gắn với học đường

Bà Thanh Tú, vợ đầu của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói rằng, khi người thân về đến nhà vào chiều 20/4 thì ông đã ra đi. Gia đình không ai gần ông lúc lâm chung, nhưng cho biết nhà thơ mắc bệnh phổi đã nhiều năm nay.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam gọi Hoàng Nhuận Cầm là “người đọc thơ mê đắm nhất Việt Nam”. Với bất cứ ai đã nghe ông đọc thơ dù chỉ một lần cũng không bao giờ quên được niềm đắm mê không bờ bến khi giọng đọc vang lên.

Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ nổi tiếng, xuất sắc với những bài thơ tình gắn với học sinh, sinh viên, được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích như: Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu...

Trong số những thi phẩm của Hoàng Nhuận Cầm, Chiếc lá đầu tiên được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên yêu thích, bầu chọn là một trong những bài thơ hay nhất viết về tuổi học trò. Những câu thơ “Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/Con ve tiên tri vô tâm báo trước/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”.

Không một tình yêu nào ở tuổi học trò không xuất phát từ tình bạn. Vì vậy, kỉ niệm và nỗi nhớ tình yêu ở đó đầy ắp hình ảnh, âm thanh, màu sắc… của mái trường và tuổi học trò mến thương. Mối tình đầu ở học đường đẹp một cách gần gũi, hồn nhiên mà trong sáng, thánh thiện. 

“Em đã yêu anh, anh đã xa vời/Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi/Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại/Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên”. Tình yêu học trò như chiếc lá bàng được định vị trong buổi đầu hò hẹn nhưng vẫn mướt xanh, lẩn khuất đâu đó trên cành, chẳng dễ gì ngước nhìn mà đã nhận ra ngay.

Ngoài thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn sáng tác kịch bản phim như: Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri. Trong đó, kịch bản Mùi cỏ cháy giúp ông đoạt giải Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét thơ của Hoàng Nhuận Cầm “đẹp như làn sương bay trên thảm cỏ ban mai. Sự ra đi khi còn đang sung sức sáng tác là một tổn thất lớn cho thi đàn Việt Nam”.

Nhiều bài thơ về học đường của Hoàng Nhuận Cầm được biết bao thế học trò yêu mến.
Nhiều bài thơ về học đường của Hoàng Nhuận Cầm được biết bao thế học trò yêu mến.

Những câu thơ báo trước

Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội, là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác. Tên khai sinh Hoàng Nhuận Cầm được ông nội đặt, có nghĩa là “cây đàn vàng” - như một sự gửi gắm mong ước sẽ trở thành nhạc sĩ. Hoàng Nhuận Cầm là đại diện của một thế hệ học sinh, sinh viên “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng/Học người xưa đi cứu non sông”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bộc bạch về đời mình, về quan niệm sáng tác: “Thơ ca cũng như tình yêu, không ép buộc được. Khi gọi nó không đến nhưng khi đuổi thì nó không chịu đi. Bằng kinh nghiệm làm thơ riêng của mình, tôi thấy những bài thơ hay lại ra đời trong hoàn cảnh chẳng thơ chút nào”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm hào hoa nhưng lận đận. Qua nhiều lần hôn nhân đổ vỡ, thơ ông buồn hơn và sâu hơn. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm hiểu ra “Thơ gõ cửa run run chùm chìa khóa/Ai vu vơ tẩy xóa mãi chân trời”.

Bởi những trải nghiệm sống ấy mà ông quyết liệt với từng dòng số phận: “Tất cả chúng ta thật lòng nói dối/Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi/Tất cả chúng ta căn nhà chật chội/Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi”.

Sự ra đi đột ngột và lặng lẽ của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm được cho là đã được ông tiên tri 30 năm về trước. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ rằng: “Căn buồng nhỏ của gia đình Cầm nằm tận phía trong cùng một khu nhà ở phố Hàng Bún (Hà Nội), chưa được chục mét vuông.

Những tháng năm ấy, sống khổ như vậy nên tôi thấy thơ Cầm bớt “véo von vần điệu” như trước đó và bắt đầu hướng sâu vào những dằn vặt của kiếp người”.

“Chợt có hôm, tôi đến nhà Cầm chơi, thấy anh rất trịnh trọng đặt lên sàn nhà một chai rượu trong vắt nút lá chuối, rồi thắp mấy nén nhang thơm (thay vì đốt trầm) để cùng bạn bè thưởng ngoạn những bài thơ mới viết.

Khi đó, Cầm tuyên bố một câu xanh rờn: “Tiêu chí của thơ hiện đại hôm nay là những câu thơ hay phải biết cách “tự sát” để cho phần hồn của câu chữ cháy lên và đóng đinh vào cảm xúc người đọc”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến kể.

“Một mai chết thật âm thầm/Mấy nhành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru/Một mai chết hết hận thù/Mắt chầm chậm khép, tay từ từ xuôi” - những câu thơ đầu tiên trong bài thơ Một mai mà Hoàng Nhuận Cầm đã viết, như tiên tri về cái chết của chính mình. Để rồi: “Một mai chết hết ăn năn/Tôi nằm xuống đất không cần thở than”.

Chưa hết, một bài thơ khác, cũng lại về cái chết, về nhân sinh, về con người và cõi tạm: “Nếu tôi chết - gia tài để lại/Thơ mấy bài nào có gì đâu/Bạn đến viếng mua hoa thật rẻ/Cắm trên mồ cho được bền lâu/Kẻo bạn về, tôi buồn phát khóc…”.

Và rồi “chiếc lá lìa cành” vào cuối xuân trước khi nắng hạ đến ứng với những câu thơ: “Mai đành xa sông Thương tóc dài/Vạn Kiếp tình yêu xin gửi lại/Xuân ơi xuân… lẽ nào im lặng mãi/Hạ chưa về nhưng nắng đã Côn Sơn”.

Bây giờ, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm lặng lẽ bay theo mây trắng nghìn trùng, để lại cả mùa xuân lặng lẽ. Những luyến nhớ trong lòng bạn bè và những người yêu thơ sẽ chẳng thể nào nguôi: “Một mai nằm xuống bao la/Buồn ơi, chào nhé! Khóc òa vầng trăng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.