Nhà thơ Đoàn Vị Thượng giã từ cõi tạm

GD&TĐ - Nhà thơ, nhà báo Đoàn Vị Thượng (tên thật Trần Quang Đoàn) - tác giả bài thơ “Bụi phấn” - nguyên Phó Trưởng Cơ quan thường trú Báo Giáo dục&Thời đại tại TP.HCM, đã giã từ cõi tạm trưa nay (16/2).

Nhà thơ, nhà báo Đoàn Vị Thượng trong một chuyến công tác thiện nguyện "Tiếp sức đến trường" của Báo Giáo dục&Thời đại.
Nhà thơ, nhà báo Đoàn Vị Thượng trong một chuyến công tác thiện nguyện "Tiếp sức đến trường" của Báo Giáo dục&Thời đại.

Thông tin từ nhà thơ Từ Nguyên Thạch (anh ruột nhà thơ Đoàn Vị Thượng) cho hay, sau một thời gian lâm trọng bệnh nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã từ trần lúc 11 giờ 5 phút ngày 16/2 (mùng 5 Tết) tại tư gia, hưởng thọ 63 tuổi.

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng.
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng.

Theo nhà thơ Từ Nguyên Thạch, lễ viếng nhà thơ Đoàn Vị Thượng bắt đầu từ sáng mùng 6 Tết (17/2) đến 6 giờ sáng mùng 8 Tết (19/2) sẽ đưa linh cữu nhà thơ Đoàn Vị Thượng đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa (TPHCM).

Hiện linh cữu nhà thơ Đoàn Vị Thượng đang quàn tại nhà số 41/9 Trần Kế Xương, P.7, Q.Phú Nhuận, TPHCM.

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng tên thật là Trần Quang Đoàn, có thời gian dài công tác tại Báo Giáo dục&Thời đại.

Ông đảm nhận chức vụ Phó Trưởng Cơ quan thường trú Báo Giáo dục&Thời đại tại TPHCM từ năm 2010 cho tới khi nghỉ hưu (năm 2019). Trước khi chuyển sang làm báo, ông đã từng 10 năm làm giáo viên.

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng trao quà cho học sinh trong một chuyến đi Tiếp sức đến trường của Báo Giáo dục&Thời đại.

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng trao quà cho học sinh trong một chuyến đi Tiếp sức đến trường của Báo Giáo dục&Thời đại.

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng có nhiều tác phẩm đã xuất bản: Ngôi trường, hoa phượng và tôi (thơ, 1987), Thơ Đoàn Vị Thượng (1988), Chuyện tình chim hót (truyện dài, 1989), Môi thơm (truyện dài, 1990); Tóc em còn thả mùa đi học (truyện dài, 1991)… Gần đây nhất, tập thơ  Đoàn Vị Thượng được nhà thơ Từ Nguyên Thạch cùng một số anh em thân hữu hỗ trợ ấn hành, ra đời kịp lúc trước khi nhà thơ Đoàn Vị Thượng giã biệt thế gian.

Đặc biệt, bài thơ “Bụi phấn” do nhà thơ Đoàn Vị Thượng sáng tác đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của ngành sư phạm nói riêng và cộng đồng nói chung.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Bình đã trao tặng bằng khen cho nhà thơ Đoàn Vị Thượng vì giá trị bài thơ “Bụi phấn” cổ vũ tinh thần cho giáo viên và học sinh Việt Nam trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn sau ngày thống nhất.

Bụi phấn

Như khi lăn ngón tay tròn trên chứng minh thư

Tự hào với xứ sở, đất đai mình là người công dân trung thực

Làm sao nhớ rõ viên phấn nào đã hằn dấu tay tôi lần thứ nhất

Trước các em, cho đến sáng thu này?

Viên phấn ơi, sao chỉ nhỏ và gầy

Như một ngón tay trong bàn tay tôi đấy

Nào ai nỡ đánh rơi giữa chừng hay tính toan bẻ gãy

Sợ năm ngón tay kia thôi sẽ hết hồng

Tôi cậy nhờ gởi mơ ước nằm trong

Cái màu trắng dịu dàng, nhẫn nại

Cái màu trắng sẽ mòn đi mãi

Cho các em hình dung thêm rõ nét về đời.

Sẽ chẳng còn lại gì tìm thấy ở vành môi

Cả dấu tay tôi vịn vào thuở nào tập đếm bước

Chỉ có bây giờ - Dù đã vững hai chân, tôi đi trọn nghề mình bước nào không dễ vấp

Hiểu con đường đến lớp cũng cheo leo.

Đất nước trở trăn trong thiếu thốn và nghèo

Chúng tôi nhiều khi phải tự góp thêm công để các em có đủ ghế ngồi và tự sớt đồng lương cho những lần thiếu phấn

Có thể nào khác hơn? Khi tôi đưa ngón tay mình lên môi và cắn

Biết rằng viên phấn cũng đau.

Đồng nghiệp tôi mái tóc đã phai màu

Giọng nói khàn như dây đàn cũ,

Có hiểu điều ấy chăng, bụi phấn biết nghiêng mình lễ độ

Không rơi vào lồng ngực, trái tim trong.Các em mở ra những trang sách ruộng đồng

Tôi cúi xuống gieo vào hạt chữ

Có giọt mồ hôi và cả dấu tay mình ấp ủ

Lặng thầm nói với mai sau

Mải miết đôi tay đầy bụi phấn trắng phau

Như nhà nông bốn mùa lấm láp.

Viên phấn tự mài mình chết đi để đâm chồi sự thật

Nhẹ nhàng ơi cái chết vô tư

Chúng tôi gìn giữ trái tim chân thực hằng giờ

Các em hồn nhiên mà ánh mắt long lanh soi rọi thế

Cái bục giảng không cao nhưng đã có bao người vấp té

Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay.

Buông thả đấy rồi, những ngón loay hoay

Sẽ mỏi mòn đi và rơi rụng

Như người lính không tự cầm lấy súng

Vách chiến hào đâu dễ ấm lưng.

Trong giấc mơ tôi, những viên phấn hằng đêm vạch sáng những hành trình

Bảng xanh trước các em là chân trời rộng mở

Thì bụi phấn ơi, cứ tan mình trong gió

Nơi trăm miền sẽ còn có dấu tay tôi.

(Đoàn Vị Thượng, 1980)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ