Để nông dân trồng lúa có Tết

GD&TĐ - Nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu hoạch lúa Đông Xuân, nhưng giá lúa giảm sâu khiến thu nhập bị ảnh hưởng.

Giá lúa ở ĐBSCL những ngày giáp Tết giảm, khiến nông dân lo lắng. (Ảnh: Q.A)
Giá lúa ở ĐBSCL những ngày giáp Tết giảm, khiến nông dân lo lắng. (Ảnh: Q.A)

Thương lái kỳ kèo, ép giá

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ, lúa vụ Đông Xuân đang được thu hoạch ở huyện Tháp Mười và Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Tuy nhiên, giá lúa giảm, giao dịch chậm, thương lái mua ít.Nhiều thương lái thậm chí không giữ đúng cam kết, chào mua lúa với giá thấp hơn mức cọc 3.000-4.000 đồng/kg.

Hiện lúa IR 50404 (tươi) có giá 6.200 - 6.400 đồng/kg, lúa OM 5451 giá 6.500 - 6.700 đồng/kg, lúa OM 18 (tươi) giá 7.600 - 7.800 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 (tươi) giá 7.600 - 7.800 đồng/kg, lúa OM 380 giá 6.600 - 6.700 đồng/kg, lúa Nhật giá 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân giá lúa giảm, bà Võ Phương Thủy, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết tình hình tiêu thụ tại các thị trường trên thế giới đang chững lại, kéo theo sự giảm sút của giá lúa trong nước.

Đồng Tháp vì thế đã xuất hiện tình trạng thương lái kỳ kèo với nông dân để mua với mức giá thấp hơn thời điểm đặt cọc. “Hiện địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng nông dân không bán được lúa. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán thấp nên mức lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ”, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp nói.

Tại Hậu Giang, còn hơn 1 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch, nên chỉ số ít nông dân nhận cọc từ thương lái. Với giống ST24, ST25, giá cọc có phần nhỉnh hơn, ở mức 10.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang, cho biết việc giá lúa giảm, thương lái bỏ cọc hoặc thương lượng lại với nông dân có xảy ra, nhưng không nhiều. Tuy vậy, giá lúa giảm cũng ảnh hưởng đến một phần lợi nhuận của nông dân.

lua-3.jpg
Tuy giá lúa có giảm, nhưng bà con nông dân vẫn có lãi. (Ảnh: Q.A)

“Hiện giá lúa trên địa bàn tỉnh cũng giảm trên dưới 2.000 đồng/kg. Giá lúa giảm làm ảnh hưởng đến một phần lợi nhuận của nông dân, nhưng họ vẫn có lãi từ 30 triệu đồng/ha nếu tính toán kỹ chi phí.

Mặt khác, vụ lúa Đông Xuân của tỉnh Hậu Giang thu hoạch sau Tết nên việc giá lúa giảm không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu dịp Tết của bà con. Ngoài ra, nguồn thu phục vụ nhu cầu Tết của nông dân Hậu Giang không hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất lúa”, ông Quân chia sẻ.

Nông dân chủ động

Để hạn chế khó khăn cho nông dân, tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo bà con tiết kiệm tối đa chi phí vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu khi xuống giống vụ sắp tới. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân các biện pháp giảm giá thành sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình thị trường, giá thu mua giá lúa gạo để thông tin kịp thời đến nông dân. Đồng thời, đơn vị sẽ chủ động liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để dự báo thị trường, từ đó phối hợp với các địa phương để có giải pháp sản xuất phù hợp, đáp ứng theo nhu cầu.

Đối với tỉnh Hậu Giang, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Quân cho biết, trước mắt tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu.

Đồng thời, Sở Công Thương sẽ làm cầu nối cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ nông sản quốc tế và tổ chức các sự kiện quảng bá để giới thiệu gạo Việt Nam đến các thị trường mới.

“Đặc biệt, Sở sẽ kiến nghị các địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua và xử lý kịp thời các trường hợp thương lái phá vỡ cam kết hoặc ép giá nông dân. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức của nông dân với việc thúc đẩy liên kết tiêu thụ, tăng cường hợp tác, nâng cao chất lượng lúa để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế”, ông Quân nhấn mạnh.

lua-1.jpg
Để hạn chế khó khăn ngành chức năng khuyến cáo bà con tiết kiệm tối đa chi phí vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu khi xuống giống vụ sắp tới.

Ngoài ra, theo ông Quân, các ngân hàng cần vào cuộc để hỗ trợ tài chính cho các hợp tác xã và nông dân để họ có thể duy trì sản xuất trong thời kỳ khó khăn. Chính phủ cũng có thể xem xét các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế hoặc trợ cấp cho nông dân trong thời kỳ giá thấp để họ tiếp tục an tâm sản xuất.

Ở tầm nhìn xa hơn, theo các chuyên gia thị trường, đã đến lúc cần định hình lại việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, nâng cao giá trị và vị thế của ngành gạo trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, trong khi nhiều giống lúa khác đang gặp khó khăn với giá cả giảm sâu và thương lái hạn chế thu mua, thì các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 vẫn giữ được giá ổn định. Điều này là minh chứng cho việc xây dựng thương hiệu gạo rất quan trọng.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho rằng đã đến lúc phải định hình lại việc xây dựng thương hiệu gạo Việt. Cụ thể, các doanh nghiệp phải tự khẳng định “bản sắc” của sản phẩm, chú trọng duy trì chất lượng ổn định, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

“Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp gạo Việt Nam thành công trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Như thương hiệu gạo ST25 của anh hùng lao động Hồ Quang Cua đã tạo tiền đề để ngành gạo Việt Nam nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế”, ông Hoà nói.

Nông dân Nguyễn Văn Út, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, hiện có hơn 1ha diện tích trồng lúa. Hơn 5 năm nay ông Út đều gắn bó với giống lúa ST25 vì có giá bán cao và dễ tiêu thụ hơn các giống lúa khác. “Chúng tôi mong muốn có nhiều thương hiệu gạo Việt Nam được thế giới công nhận. Từ đó, giá bán và việc bao tiêu lúa sẽ ổn định hơn. Việc định hình và xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam là một việc làm rất cần thiết”, ông Út chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ