Hành trình lên cõi Phật, du khách không chỉ dâng nén tâm nhang cầu mong một năm mới bình an, mà còn thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.
“Chùa Hương - Tích đậm hương tình”
Chùa Hương còn gọi là Hương Tích cổ tự hay chùa Thơm, tọa lạc tại đỉnh Hương Tích thuộc dãy núi Hồng Lĩnh tại xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) với độ cao 650m so với mực nước biển. Chùa Hương sở hữu vẻ đẹp thơ mộng ẩn mình giữa làn mây khói mờ ảo. Thiên nhiên quanh chùa xanh mát hữu tình, từ lâu nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh cực kỳ thu hút. Chùa Hương Tích, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” tức ngôi chùa đẹp nhất vùng Hoan Châu và là một trong 21 thắng cảnh của nước Nam xưa.
Theo các ghi chép, chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh có trước chùa Hương Tích ở Mỹ Ðức (Hà Nội) hàng trăm năm. Chùa được xây dựng vào khoảng thời Trần (thế kỷ XIII) theo phái Phật giáo Bắc Tông và thờ Quan Âm Bồ Tát, gắn với sự tích về công chúa Diệu Thiện được thần Hổ che chở đưa đến núi Hồng Lĩnh dựng am tu hành đắc đạo, hóa Phật, cứu độ chúng sinh.
Chuyện kể rằng, công chúa Diệu Thiện là con gái út của vua Sở Trang Vương (vị vua thứ 25 của nước Sở - chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc) đã bỏ nhà đi, nương nhờ cửa Phật tại ngôi chùa Hương Tích khi bị vua cha ép gả cho 1 kẻ độc ác. Sau khi con gái bỏ đi, Sở Trang Vương đau buồn thành tâm bệnh.
Một thần y đến bắt bệnh và chỉ cho vua một cách đó là cần một bàn tay và mắt của một người con gái của vua để khỏi bệnh. Biết được sự tình, Diệu Thiện không chút chần chừ bèn móc mắt, cắt tay cho sứ giả đem về chữa bệnh cho cha. Khi vua uống thuốc, khỏi bệnh và sai người sang tạ ơn, thì mới biết đó chính là vị thuốc làm từ chính bàn tay và mắt của con gái mình.
Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, từ bi của Diệu Thiện, Đức Phật đã hóa phép cho nàng mọc tay và mắt trở lại, sau đó hóa thành Phật Quan Âm. Ở chính nơi nàng đã tu hành và hóa Phật, nhân dân địa phương đã xây dựng lên thành ngôi chùa Hương Tích ngày nay.
Qua thời gian, kiến trúc chùa Hương Tích không còn nguyên vẹn như xưa. Năm 1885, chùa Hương Tích trải qua một trận hỏa hoạn lớn, phần lớn các công trình, tượng Phật, hiện vật trong chùa bị thiêu rụi, chỉ sót lại một vài công trình kiến trúc đơn lẻ, gạch lát thời Trần, quả chuông thời Lê.
Năm 1901, chùa được Tổng đốc An Tĩnh (2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) là Đào Tấn cho xây dựng lại. Đến năm 1936, vua Bảo Đại cho người chạm khắc chùa Hương Tích vào Anh Đỉnh - một trong 9 đỉnh đồng lớn đặt ở Đại Nội Huế.
Năm 1990, Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam đã công nhận chùa Hương Tích là di tích văn hóa - thắng cảnh cấp quốc gia. Để bảo tồn phát triển giá trị của chùa Hương Tích, năm 2003, 2006 chùa được trùng tu, xây dựng lại trên nền cũ cao và vững chãi hơn. Các công trình kiến trúc như đền, am, chùa, hầu hết được khởi tạo lại trả về dáng vẻ nguyên xưa. Nhưng tiếc thay Phật phả và bia ký của chùa Hương Tích không còn.
Chùa Hương Tích là một quần thể di tích văn hóa tôn giáo với rất nhiều công trình và hạng mục như: Hồ Nhà Đường, Miếu Cô, động Tiên nữ, suối Tiên tắm, khe Quỷ khóc, chùa Thượng, Am Quan Âm, Am Bát Cảnh… Ngoài thờ Phật, khu vực nơi đây còn thờ rất nhiều vị thần theo tín ngưỡng văn hóa Việt Nam. Chùa có ba khu vực chính bao gồm am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương và Thượng Ðiện.
Một trong những nét đặc sắc nhất trong kiến trúc của quần thể di tích chùa Hương Tích là chùa Thượng hay còn gọi là Tam Bảo - Tiền Đường. Cũng như các điện thờ khác của quần thể Hương Tích tự, chùa Thượng đầu tiên được xây dựng trên nền Trang Vương cũ nhưng do nhiều lần bị hỏa hoạn nên chùa đã được dời xuống đặt tại lưng chừng ngọn Hương Tích (vị trí hiện nay).
Chùa được xây dựng theo hướng Bắc - Nam gồm 2 gian. Gian phía trong để thờ Phật, gồm các tượng Phật bằng gỗ. Gian ngoài để những đồ tế khí và là nơi các thầy lễ bái và tụng kinh niệm Phật. Trong Tam Bảo có 54 pho tượng bằng gỗ quý, được tác tạo từ thời Trần - Lê - Nguyễn, các lớp tượng được trình bày có hàng, có thứ và có nhiều bức hoành phi câu đối.
Phía sau chùa đi lên khoảng 28 bậc đá là đến động Hương Tích còn gọi là Am Quan Âm, Am Phật Bà. Toàn bộ còn nguyên sơ theo kết cấu cũ. Phía trong động đá hang sâu có tượng Phật bà Quán Thế Âm ngồi tọa trên ngự sen và một số tượng mẹ bế con cầm cành liễu… Nhân dân xem Am Phật Bà là nơi thiêng liêng và chính tại nơi này công chúa Diệu Thiện đã tu hành hóa Phật.
Đường lên cõi Phật
Tháng Hai lộc biếc xanh rờn
Em về trẩy hội chùa Hương
anh chờ
Núi Hồng như thực như mơ
Đường lên hương khói xa mờ thinh không.
(Duy Thảo)
Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng (nhằm tháng Hai dương lịch) hàng năm, hàng vạn lượt du khách lại đổ về xã Thiên Lộc dâng hương, tham quan tại khu di tích chùa Hương Tích.
Chuyến hành trình lên cõi Phật dài khoảng chừng 10km. Du khách sẽ đi qua nhiều địa danh gắn với điển tích, mỗi điển tích lại có một khung cảnh thiên nhiên kì thú và được giải thích bằng những huyền thoại khác nhau như Miếu Cửa Rừng, trạm nghỉ Phật Bà, Am Diệu Thiện linh thiêng gắn với sự tích hóa Phật của Bà chúa Ba tức công chúa Diệu Thiện, Am Dược Sư gợi lại câu chuyện thầy thuốc Triệu Chấn có đức lớn, thuật cao, Giếng Trời giải thích hiện tượng Thủy Sinh tại cảnh chùa…
Đường lên chùa Hương Tích những ngày này tràn ngập sắc xuân. Trong cái lạnh phảng phất, bà con Phật tử, người dân ở khắp các vùng miền, hành hương về Hương Tích tự. Phả hơi mệt mỏi vì dốc đèo, cay xè đôi mắt vì nhang khói, nhưng trước bàn thờ Thánh Mẫu mỗi du khách thập phương đều cảm thấy nhẹ nhõm, họ cầu mong cho một năm mới được nhiều may mắn, tài lộc song hành.
Lễ hội chùa Hương Tích là một nét đẹp văn hóa truyền thống, một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng.
Vào dịp đầu xuân năm mới, chùa Hương Tích được xem là “bàn thờ gia tiên”, dù ở đâu lòng người Hà Tĩnh vẫn luôn hướng về ngôi chùa linh thiêng này như hướng về cội nguồn quê hương, dân tộc. Đây cũng là dịp để du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa dân gian của người Việt xưa.
Hằng năm, vào ngày khai hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: Chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc ca ngợi về quê hương đất nước, mừng Đảng, mừng xuân và về chùa Hương Tích; các giải thể thao, trò chơi dân gian như: Bóng chuyền nam, chạy, leo núi, giải vật cổ truyền, đua thuyền, đẩy gậy, kéo co, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, hội thi mâm ngũ quả...
Nhằm quảng bá và phát huy hết tiềm năng du lịch của khu di tích, những năm qua chùa Hương Tích đã được đầu tư nâng cấp hệ thống cảnh quan môi trường và dịch vụ tiện ích bởi nhiều dự án. Những ngày này, các đơn vị quản lý, khai thác tại chùa Hương Tích đang khẩn trương nguồn lực chuẩn bị cho ngày khai hội.
Từ hơn 1 tháng nay, các đơn vị đã tăng cường nhân lực thực hiện công tác bảo dưỡng, bảo trì hệ thống cáp treo, xe điện, sơn sửa lại nhà ga, bến đò để đảm bảo an toàn cho du khách. Kinh phí dự kiến cho công tác bảo dưỡng khoảng 1 tỷ đồng.
Trưởng ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích Trần Thị Thu Hà cho biết: Dưới sự chỉ đạo của các cấp, ngành, Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để phục vụ tốt ngày khai hội.
Cùng với chỉnh trang cơ sở vật chất, Ban Quản lý chùa Hương đã chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như xây dựng website với đầy đủ các thông tin, hình ảnh về lịch sử hình thành, thông tin lễ hội, tour tuyến du lịch hỗ trợ du khách tìm hiểu thông tin đầy đủ nhất trước chuyến du ngoạn.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng chú trọng công tác chuyển đổi số như triển khai bán vé điện tử, tạo mã QR code giới thiệu về ngôi chùa, tạo không gian ảo để du khách dễ dàng tiếp cận thông tin.
Ngoài ra, Ban Quản lý tập trung công tác tuyên truyền trên các kênh truyền thông, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo… Trưởng ban Quản lý Khu di tích thông tin thêm: Lễ hội cũng là dịp để xúc tiến kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa chùa Hương, xây dựng hạ tầng du lịch, dịch vụ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa tâm linh, xứng tầm với tiềm năng lợi thế của vùng “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.
Ban Quản lý Khu du lịch chú trọng việc gắn kết Hương Tích với chuỗi sản phẩm du lịch trong tỉnh, đó là những điểm du lịch tâm linh như đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Xuân Giang, Khu di tích Nhà thờ Nguyễn Du ở Tiên Ðiền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)..., đồng thời kết nối với các sản phẩm du lịch tâm linh của các tỉnh lân cận như đền Hoàng Mười, đền Cuông (Nghệ An)...
Lễ hội chùa Hương Tích năm nay sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Trong đó, có 2 sự kiện chính: Lễ khai hội gắn với mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2025 diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ (tức ngày 3/2/2025) và Lễ khánh đản Quán Thế Âm Bồ Tát vào ngày 18/2 âm lịch (tức ngày 17/3/2025). Đây cũng là ngày gắn với điển tích công chúa Diệu Thiện hóa Phật. Theo kế hoạch, lễ khai hội sẽ do huyện Can Lộc chủ trì tổ chức với sự hỗ trợ của Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, gồm các nội dung: Chương trình nghệ thuật đặc sắc; hoạt động văn hóa, thể thao (giải bóng chuyền nam, kéo co nữ, vật cổ truyền, đẩy gậy, cờ tướng...); không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; các trò chơi dân gian…