Làng Chân Lạc có tên nôm là làng Chóa, thuộc xã Dũng Liệt (Yên Phong, Bắc Ninh). Làng vốn có tên là Chân Hộ, và trước nữa có tên là Hộ Hương sau tách ra thành 2 làng là Chân Hộ và Hộ Trung. Theo sử làng và các nguồn địa chí, năm 1886 làng đổi tên từ Chân Hộ thành Chân Lạc, Hộ Trung thành Lạc Trung và đều thuộc tổng Dũng Liệt, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.
Vợ vua Thủy Tề dạy dân trồng dâu nuôi tằm
Vị trí làng trên bản đồ Bắc Ninh, nằm phía Đông Bắc của huyện Yên Phong, bên dòng sông Cầu nên thơ; phía bên bờ chính là huyện Hiệp Hòa của Bắc Giang. Từ thời Hùng Vương, các cư dân người Việt đã đến đây lập làng, săn bắt, đánh cá, làm ruộng, dệt vải và dần tạo nên một làng quê quần tụ.
Sách “Địa chí Hà Bắc” ghi rằng, tại xóm Đông và xóm Chiền (Chân Lạc) kề với khu di chỉ Nội Gầm, vào năm 1973 GS Trần Quốc Vượng và nhóm cộng sự khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu vết cổ xưa. Sau đó, nhóm khảo cổ đã tiến hành khai quật một hố thám sát, phát lộ một bộ sưu tập đồ đá, đồ đồng và đồ gốm gồm: 46 chiếc bôn đá tứ diện, chày nghiền đá cát kết, vòng trang sức bằng đá ngọc quý, quả cân đá sét kết, hàng chục bàn mài đá.
Đặc biệt, trong bộ sưu tập đồ đồng có 1 đục móng đúc bằng khuôn, 1 vòng trang sức, 1 lưỡi câu đồng, 1 mũi tên đồng. Đồ gốm có hàng chục vạn mảnh gốm thuộc loại hình đồ đựng: Bình, vò, nồi, bát, chậu được chế tạo bằng bàn xoay và trang trí nhiều loại hoa văn nung ở nhiệt độ cao.
Những trầm tích của văn hóa - lịch sử ấy đã chứng minh vùng đất làng Chóa là một làng cổ với sự phát triển phong phú. Không chỉ chế tạo công cụ sinh hoạt, làm nghề lúa nước, các nghề thủ công, sản xuất đồ gốm, dệt vải, kéo sợi, săn bắt, đánh cá…, mà còn tập hợp các loại hình khác của đời sống, và được ví như một xã hội thu nhỏ. Sau đó, GS Trần Quốc Vượng và nhóm cộng sự đã tạm kết luận khu di chỉ Nội Gầm có niên đại cuối Gò Mun - đầu Đường Cồ cách ngày nay từ 2.800 đến 2.500 năm.
Không chỉ có những minh chứng về sự hình thành, tồn tại và phát triển của một làng Việt cổ, làng Chóa còn xuất hiện một nữ thần nhân là Hoàng Hà Long Khiết phu nhân. Là vị thần có công truyền dạy và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm cho nhân dân trong vùng. Khi bà mất được nhân dân hai làng Chân Lạc (Chóa Chợ) và Lạc Trung (Chóa Bến) tôn vinh là Bà Chúa, thủy tổ nghề trồng dâu nuôi tằm.
Thần tích đền Chóa kể rằng, xưa ở làng Chân Lạc có một người con gái nhà nghèo nhưng dung nhan lại làm đắm nguyệt say hoa. Cô chuyên làm nghề trồng dâu nuôi tằm để kiếm sống. Một ngày kia theo thường lệ, cô lại ra nương dâu ven sông Cầu hái lá. Hôm ấy trời nắng như đổ lửa, khiến cô khát cháy cả họng, liền lội xuống sông uống nước. Lạ thay, cô lội đến đâu thì nước sông lại rẽ ra đến đấy, lấy lối cho cô đi. Cô cứ đi, đi mãi mà vẫn không uống được nước.
Đi được một chốc, chợt thấy một dấu bàn chân dưới đáy sông, lấy làm lạ, cô liền đặt thử chân mình vào. Vừa ướm xong thì tự dưng nước sông dâng lên, cuốn cô đưa vào thủy cung. Vua Thủy Tề vui vẻ đón tiếp rồi lấy cô làm vợ. Ăn ở với vua Thủy Tề một thời gian thì cô có thai, thân thể ngày càng xanh xao vàng vọt. Biết rằng cô không thể sống dưới thủy cung, vua Thủy Tề liền đưa lên trần.
Trước khi tiễn biệt, vua dặn rằng: “Nàng phải ghi lòng tạc dạ hai điều: Một là, nếu sau này sinh con thì nàng nuôi, đẻ trứng thì nàng thả xuống nước. Hai là, về trên ấy nàng không bao giờ được nói”.
Bà ưng thuận và lên khỏi mặt nước, lại về quê sinh sống. Ít lâu, bà đẻ ra hai quả trứng, nhưng vì tình mẫu tử gắn kết nên bà đã không thả xuống nước như lời dặn của vua Thủy Tề. Ít lâu sau, hai quả trứng đó nở thành hai người con.
Khi bà mất, dân làng thương tiếc, lại cảm động trước tình mẫu tử của mẹ con bà mới xây đền thờ, tạc tượng, lập linh vị tôn là Bà Chúa, thủy tổ nghề trồng dâu nuôi tằm. Triều đình cũng phong sắc là: Hoàng Hà Long Khiết phu nhân.
Tục cầu đảo, kỵ húy những tên mỹ miều
Tuy nhiên cũng có thuyết khác nói rằng, Hoàng Hà Long Khiết phu nhân là con vua Thủy Tề chứ không phải vợ vua Thủy Tề. Hàng năm, bà thường du ngoạn dọc theo dòng sông Cầu, thấy mảnh đất ở đây phù sa bồi đắp, cánh đồng tốt tươi, nhưng người dân lam lũ cực nhọc mà vẫn nghèo nên công chúa đã truyền dạy cho dân làng nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Bà còn dạy dân làng biết hợp sức, đoàn kết nhau chống thú dữ và đóng thuyền đánh bắt cá trên sông.
Sau nhiều năm sống gắn bó với dân làng, đến ngày phải trở về, công chúa đã hóa tại vị trí đền Chóa bây giờ. Ngày đấy, phía trước cửa đền vẫn là một nhánh của dòng sông Cầu. Tưởng nhớ công lao, ân đức của bà, dân làng đã lập đền thờ phụng và hương khói quanh năm. Sau này, nhiều sắc phong đều tôn vinh bà là Thánh mẫu nương thần hay nhiều người vẫn gọi là Bà Chúa dâu tằm, như một nhân vật tối linh, tối thượng.
Theo sử đền, ngôi đền được xây dựng thời Lê trung hưng (thế kỷ 18), thờ 3 vị thủy thần là: Thủy tộc Long Quân, Hoàng Hà Long Khiết phu nhân và Tam Giang công chúa. Theo phân tích của giới nghiên cứu văn hóa dân gian, Thủy tộc Long Quân tức là dòng Lạc Long Quân, trong cung cấm đền Chóa - theo lời kể xưa là có tượng Long Vương mặt người hình rồng, đền còn 19 đạo sắc phong từ năm 1740 - 1924 của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Ngày xưa, mỗi khi xảy ra hạn hán, ngôi đền là nơi cầu đảo, cũng theo lời kể thì trong đền vẫn còn lưu giữ chiếc gáo đồng do vua Đinh ban tặng trong một lần cầu mưa. Nghi thức tế lễ Thần được tiến hành trong ba ngày liền, không mưa lại kéo dài thêm 3 ngày tiếp theo.
Nếu trời vẫn không thể mưa thì dân làng sẽ tổ chức “tắm kiệu” theo cách rước kiệu Thần từ đền Chóa bằng thuyền vượt sông Cầu sang đền Vường sát bờ sông (thuộc xã Châu Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang) để tế lễ Thần ở đây.
Sau tế lễ tại đền Vường mà trời vẫn không mưa, dân làng lại tổ chức “rước bơi”. Sau ba ngày “rước bơi” mà trời vẫn không mưa thì người địa phương sẽ tổ chức “rước huyện”. Theo đó, đồng loạt các làng ven sông Cầu sẽ rước kiệu Thần xuống đền Đông Yên để tổ chức lễ cầu đảo.
Cũng bởi đền thờ đức Thánh mẫu hay Bà Chúa dâu tằm sắc đẹp trong vùng không ai có thể so sánh được, nên người làng Chóa không ai dám đặt tên con mình là Quỳnh, Hoa, Hồng, Quế - bởi đây là những tên mỹ miều, đẹp linh thiêng chỉ để thờ cúng nên sợ đặt tên con như vậy sẽ phạm thượng.
Tục thờ thủy thần của người Việt nói chung và làng Chóa nói riêng xuất phát từ quan niệm cho rằng, nước là nguồn sống, là phương tiện chuyển tải sự sống. Nước không chỉ phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, lao động, tưới tiêu mùa màng, giúp vạn vật sinh sôi, mà nước còn có thể hủy diệt, tàn phá tất cả mọi sinh linh trên mặt đất.
Chính vì ý thức cần nước và sợ nước nên người Việt sùng bái thủy thần. Cũng từ ý nghĩa này, vì thờ Hoàng Hà Long Khiết phu nhân làm Bà Chúa nên dân làng nói chệch “Chúa” thành “Chóa”, do đó làng này mang tên làng Chóa. Làng Lạc Trung bên cạnh cùng chung đền, cũng thờ bà nên có tên là “Chóa Bến”.
Bí mật đền thiêng “sống để bụng, chết chôn theo”
Theo các cao niên, đền Chóa khi xưa chỉ là một nơi thờ đơn giản trên quả đồi nhỏ ven sông. Cách ngày nay khoảng 300 năm, một vị quan của làng Chóa đã hưng công xây dựng ngôi đền với quy mô như ngày nay. Đền nằm cạnh đình, chùa, miếu và nhiều cây cổ thụ bao quanh tạo nên một quần thể tâm linh thâm u cổ kính và linh thiêng.
Đền Chóa gồm 5 tòa nhà kết cấu kiểu chữ Đinh, đó là hai nhà giáp cỗ, một tòa tiền tế, một tòa đền Trung và đền Thượng. Bình thường người dân chỉ được làm lễ ở đền Trung, còn ngôi đền Thượng được coi như cấm cung không ai được vào, chỉ có “ông Đám” – người trông coi đền mới được vào trong làm lễ thắp nhang. Theo tập tục và luật định nhà đền, những điều “ông Đám” mắt thấy trong đền Thượng phải theo quy tắc “sống để bụng, chết mang theo”, tuyệt đối không được tiết lộ.
Chính vì vậy mà theo thời gian, đến nay hầu hết người dân không biết gì nhiều về những gì có trong đền Thượng. Cũng chính vì sự bí hiểm này nên tiếng thiêng của đền đồn xa, đời nào cũng tò mò, và đặc biệt không có ai dám xâm phạm, tơ hào của nhà đền dù một ngọn cỏ.
Bên ngoài khu đền chính còn một công trình độc đáo là miếu Bà Cô, đây được coi như đền trình trước khi vào đền chính. Trước ngôi miếu xưa còn tấm bia Hạ Mã, ai qua miếu cũng phải dừng lại. Trải qua thời gian hàng trăm năm, ngôi miếu bị rễ một cây xanh cổ thụ trùm leo kín toàn bộ kiến trúc gạch. Ngôi miếu vì vậy mà nằm trọn trong bộ rễ cây, tạo nên một cảnh sắc hiếm lạ và kỳ thú bên hồ nước.
Theo ghi chép nhà đền, những cổ vật còn lại trong đền còn khá nguyên vẹn, từ đồ thờ cúng cho đến những bức hoành phi, câu đối, đạo sắc phong của các đời vua từ Lý, Trần, Lê vẫn được lưu giữ cẩn thận. Trong đền có một tấm đá mặt sập nặng hàng tấn, được coi như là bảo bối đặt giữa đền Trung và đền Thượng gắn với giai thoại về việc xây dựng ngôi đền vào thế kỷ 18.
Chuyện kể rằng khi vận chuyển vật liệu xây đền trong đó có sập đá này, người dân làng Chóa đã được dân làng Lỗ Khê thuộc xã Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội) giúp đỡ nên từ đó đến nay hai làng “kết chạ”, coi nhau như anh em một nhà.
Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kiến trúc và tâm linh nên đền Chóa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1986. Không chỉ là một danh tích đẹp, gắn với thủy tổ nghề trồng dâu nuôi tằm cổ xưa, đền Chóa còn là địa chỉ tâm linh cầu cúng linh thiêng của đông đảo người địa phương và các làng ven sông Cầu.
Đặc biệt, làng Chóa còn được biết đến với nghề làm hương đen nổi tiếng, thường được thắp trong dịp Tết Nguyên đán. Cách làm hương đen của người làng Chóa hoàn toàn dựa vào nguyên liệu thiên nhiên như nhựa trám, than hoa, cây nứa, cật tre và nước giếng.
Trong tiềm thức của người Việt, dâng hương là nghi thức thờ cúng, tế lễ thiêng liêng, tượng trưng cho giá trị văn hóa tâm linh, kết nối âm dương, người còn sống với người đã khuất, của con dân với thần thánh.
Mỗi một nén nhang thơm được thắp lên là một nét đẹp văn hóa, thể hiện cho lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên, các vị thần linh. Vì ý nghĩa thiêng liêng cao đẹp này mà người làng Chóa không bao giờ có ý định bỏ nghề, mà bảo nhau duy trì nghề truyền thống như một giá trị cao quý của làng quê Bà Chúa dâu tằm.
Lễ hội đền Chóa được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, tục truyền vào ngày lễ hội, dân 2 thôn Chân Lạc và Lạc Trung tạo thành 2 đoàn rước Thánh Mẫu từ đình của hai thôn về đền, đoàn gặp nhau trước cửa đình Chân Lạc rồi hợp nhất thành một đoàn lần lượt vào tế lễ, dâng hương cầu mong Bà Chúa phù trợ dân làng làm ăn yên lành, phong đăng hòa cốc, bách dân trăm họ được khỏe mạnh, ấm no. Trong ngày lễ hội, ngoài khách thập phương còn dân tổng Chóa xưa (gồm 3 xã lân cận như Yên Trung, Thụy Hòa, Tam Đa) và người anh em “kết chạ” là dân làng Lỗ Khê xã Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội).