Số hóa ngôn ngữ dân tộc thiểu số: Phương án bảo tồn văn hóa

GD&TĐ - Mặc dù Hiến pháp quy định, các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số người biết viết, biết nói tiếng của dân tộc ngày càng giảm.

Nhiều lớp học dạy chữ Khmer cho học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: IT.
Nhiều lớp học dạy chữ Khmer cho học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: IT.

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, có 88,7% người dân tộc thiểu số từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng dân tộc. Tuy vậy sau 4 năm, từ 2015 - 2019 tỉ lệ này đã giảm 7,3%, bình quân mỗi năm giảm 1,8%.

Ở nhóm 65 tuổi trở lên có trên 92% nói được tiếng dân tộc, dưới 18 tuổi, tỉ lệ này chỉ còn trên 58%. Đặc biệt, người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ dân tộc rất thấp, chỉ khoảng 16%. So với năm 2015, tỉ lệ này đã giảm gần 1%. Điều này đã chứng minh tính cấp thiết trong việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

Tăng kết nối từ ngôn ngữ

Nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta có chữ viết riêng, một số dân tộc có nhiều hơn một hệ thống chữ viết. Một số hệ chữ viết có lịch sử hàng nghìn năm, đó là các hệ chữ viết của các dân tộc Khmer, Thái, Chăm, Tày, Nùng, Dao...

Theo PGS.TS Tạ Văn Thông - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có thể phân biệt chữ viết các dân tộc thiểu số ở nước ta thành hai loại: Các hệ thống chữ viết cổ truyền và các hệ thống chữ viết mới.

Các hệ thống chữ viết cổ như chữ Hán, chữ Nôm, chữ Chăm cổ, chữ Khmer, chữ Nôm Tày, Nôm Nùng, Nôm Dao, chữ Lự, chữ Thái cổ... Đó có thể là chữ viết ghi ý, hoặc nửa ghi âm nửa ghi ý, gốc Trung Quốc có tự dạng Hán, hoặc là chữ ghi âm gốc Ấn Độ có tự dạng Sanskrit.

Các hệ thống chữ viết mới từ dạng La-tinh như chữ Quốc ngữ, chữ Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, K’ho, Bru - Vân Kiều, Tày - Nùng, Mường, Thái... Các hệ chữ viết tự dạng La-tinh của đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta ra đời trong những thời kỳ khác nhau. Một số bộ chữ có trước năm 1945 như Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, K’ho, một số được sáng tạo sau năm 1960.

PGS.TS Tạ Văn Thông cho rằng, chữ viết các dân tộc thiểu số góp phần tích cực trong việc tạo nên những thành tựu văn hóa, đoàn kết tăng cường sự kết nối trong nội bộ dân tộc và hướng về cội nguồn.

Trong số 53 dân tộc thiểu số, không ít dân tộc có số dân ít hơn mười nghìn người, như Pà Thẻn, Lô Lô, La Hủ, Lự, Chứt. Có dân tộc ít hơn một nghìn người, như Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Ơ Ðu. Điều đó đã đặt ra chiến lược bảo tồn, duy trì và phát huy bản sắc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trong thời kỳ hiện đại là một trách nhiệm nặng nề với toàn xã hội.

Sách chữ Thái cổ tại một bảo tàng tư nhân tại Mai Châu (Hoà Bình).

Sách chữ Thái cổ tại một bảo tàng tư nhân tại Mai Châu (Hoà Bình).

Số hóa chữ viết dân tộc

Theo ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, để bảo tồn cần chú trọng đầu tư dạy và học tiếng dân tộc thiểu số. Đồng thời có chế độ chính sách đãi ngộ đối với cả người học và người dạy. Hình thành các khoa hoặc bộ môn tiếng dân tộc thiểu số ở các trường cao đẳng, đại học để có thể đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc ở các cấp.

Hiến pháp và các văn bản pháp luật về giáo dục, văn hóa, miền núi và dân tộc đều khẳng định các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết; giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Ðồng thời chỉ ra tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam vừa là vốn quý của dân tộc đó, vừa là tài sản văn hóa chung của cả nước.

Theo thống kê, từ năm 2010 các quyết sách và dự án nhằm ngăn chặn sự mai một cũng như bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số được thực hiện. Đến nay, cả nước đã có 30 tỉnh triển khai với 700 trường học tiếng dân tộc thiểu số, như Thái, Mông, Ba Na, Gia Rai, Chăm, Khmer, Ê Ðê…

Một số ngôn ngữ đang được sử dụng trên sóng phát thanh truyền hình. Đồng thời, được sử dụng để in các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới và biên soạn các từ điển đối chiếu song ngữ, các sách miêu tả ngữ pháp, các sách giáo khoa.

Tại Bình Thuận, các trường tiểu học thuộc địa bàn dân tộc dành 4 tiết/tuần để dạy tiếng Chăm cho học sinh từ lớp 1 - 5. Đến nay, mỗi năm tỉnh Bình Thuận có khoảng từ 3 - 4 nghìn học sinh tham gia học tiếng Chăm, chiếm tỉ lệ 90% học sinh Chăm toàn tỉnh.

Từ năm 2004, ngành GD-ĐT tỉnh Sơn La phối hợp các địa phương tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy văn học và các làn điệu dân ca trong các trường phổ thông; mở lớp dạy tiếng Thái, tiếng Mông.

Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL, Bộ đã chỉ đạo các địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Đồng thời tiến hành khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc và biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc.

Để bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số và bình đẳng với ngôn ngữ khác, một trong các giải pháp được đưa ra là số hóa. Việc thu thập, lưu trữ để xây dựng ngân hàng dữ liệu số không chỉ giúp bà con dân tộc có ý thức bảo tồn phát triển tiếng mẹ đẻ, mà còn hình thành một kho tài nguyên.

Dự án số hóa ngôn ngữ do Viện Ngôn ngữ học triển khai nhưng gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang cố gắng khắc phục các hạn chế để hoàn thiện các tiêu chuẩn ký tự Unicode, khi đưa ngôn ngữ dân tộc lên Internet.

Nhiều thư viện đã nỗ lực số hóa tài liệu bằng tiếng dân tộc để lưu giữ lâu dài như, Thư viện tỉnh Yên Bái đã số hóa 100% tài liệu bằng tiếng dân tộc, tỉnh Sơn La có trên một nghìn cuốn sách bằng tiếng Thái cổ, số hóa được 23.154 trang tài liệu bằng tiếng dân tộc.

Thư viện dân sinh ngoài công lập tại các chùa Khmer tổ chức phục vụ tài liệu bằng tiếng dân tộc cho đồng bào Khmer các tỉnh, thành phía Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.