Dự khai mạc có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo một số cục vụ liên quan của Bộ GD&ĐT và dự án RGEP (Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông) cùng các nhà khoa học, nhà giáo là thành viên Ban xây dựng chương trình môn tiếng Dân tộc thiểu số.
Phát biểu khai mạc đợt tập huấn sáng nay (25/11),Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.
Theo Thứ trưởng, bản chất của lần đổi mới này là mục tiêu thay đổi, đó là hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực người học. Từ thay đổi về mục tiêu dẫn đến nội dung, phương pháp phải thay đổi và chúng ta phải xây dựng lại chương trình.
Ngày 26/12/2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông tại Thông tư số 32/2018/QĐ-BGDĐT. Theo đó, môn tiếng Dân tộc thiểu số là môn học tự chọn trong Chương trình Giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12, nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, có nhu cầu được học môn tiếng Dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Trong 3 ngày tập huấn, Thứ trưởng yêu cầu các nhà khoa học, nhà giáo là thành viên Ban xây dựng chương trình môn tiếng Dân tộc thiểu số nắm thật chắc chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cùng nguyên tắc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, tiêu chuẩn đánh giá, thẩm định chương trình. Thứ trưởng cũng lưu ý, chương trình mới tiếng Dân tộc thiểu số cần kế thừa các chương trình tiếng dân tộc đã ban hành.
Khai mạc tập huấn về xây dựng chương trình tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. |
Giới thiệu về tình hình dạy tiếng dân tộc thiểu số và ban hành các chương trình tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông, TS Bùi Văn Thành – chuyên viên chính Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) – cho biết:
Ở nước ta, việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số được triển khai từ rất sớm. Đến nay, cả nước có 6 thứ tiếng dân tộc chính thức được dạy trong trường phổ thông tại 22 tỉnh, thành phố trong cả nước, với gần 8.000 trường, gần 60.000 lớp và hơn 190.000 học sinh. Dạy học tiếng dân tộc đã và đang đem lại những tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở các chương trình tiếng dân tộc đã ban hành, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành 6 bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng dân tộc thiểu số, gồm: Bộ SGK tiếng Khmer, tiếng Chăm, tiếng Ê đê, tiếng Jrai, tiếng Bahnar, tiếng Mông. Ngoài ra, bộ SGK tiếng M’Nông và SGK tiếng Thái đang xây dựng.