“Những người khốn khổ” chinh phục khán giả Việt

GD&TĐ - Sau 6 tháng dàn dựng và miệt mài tập luyện, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và tổ chức 4 đêm công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhân vật Cosette và Marius do nghệ sĩ  Đào Tố Loan và Đinh Như Tới thủ vai.
Nhân vật Cosette và Marius do nghệ sĩ Đào Tố Loan và Đinh Như Tới thủ vai.

Ngay khi ra mắt vở diễn đã “cháy vé”, được khán giả đánh giá cao.

Phiên bản Việt nhiều đột phá, sáng tạo

Dựa trên bối cảnh toàn thế giới đang vật lộn đấu tranh với sự khủng hoảng của đại dịch Covid-19, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã quyết định cho ra mắt vở nhạc kịch (Musical) “Những người khốn khổ” để đề cao tình đoàn kết, tính nhân văn và niềm tin vào tương lai của người dân trên toàn thế giới.

Nội dung nhạc kịch “Những người khốn khổ” phiên bản Việt vẫn bám sát nguyên gốc kịch bản với phần mở đầu, hai màn và hồi kết nhưng có nhiều đột phá, sáng tạo trong dàn dựng.

“Làm mới một tác phẩm kinh điển và thổi vào đó hơi thở của cuộc sống đương đại sẽ vấp phải khá nhiều khó khăn. “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam là câu chuyện về một giấc mơ tan vỡ, của tình yêu không được đáp trả, niềm đam mê, sự hy sinh và chuộc tội.

Điều chúng tôi tâm huyết và quyết tâm dựng thành công vở nhạc kịch này là kể một câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển. Từ đó, ranh giới về không gian và thời gian, ranh giới về sắc tộc và văn hoá đều bị xóa nhòa, chỉ còn lại một điều duy nhất, đó là tình người” -  NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) nhấn mạnh.

Với sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, sự sáng tạo của ê-kíp sản xuất trẻ, “Những người khốn khổ” của VNOB được thể hiện một cách độc đáo, mới lạ, đặc biệt từng bước đưa nghệ thuật trình diễn Musical lên sân khấu Việt.

“Ê-kíp đạo diễn, biên đạo đều là những trí thức trẻ, có tài năng và nhiệt huyết, tràn đầy tinh thần cống hiến. Họ đã từng được đào tạo từ những nền nghệ thuật tiêu biểu trên thế giới. Đó là Giám đốc Âm nhạc, Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, biên đạo múa Linh An đã học chuyên ngành vũ đạo Broadway tại Mỹ, đạo diễn trẻ Triều Dương bay từ Anh về, trước khi đặt chân vào nhà hát đã phải chấp nhận cách ly 14 ngày…

Phục trang của vở diễn do ê-kíp thiết kế Ellie Vũ và Huyengin Poesy thực hiện. Lực lượng diễn viên cũng được quốc tế hóa, có 35 diễn viên và người nước ngoài trong Dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices hoặc đang sinh sống tại Việt Nam tham gia vào dự án nhạc kịch này”, bà Nguyễn Tuyết Hoa, phụ trách truyền thông của VNOB cho biết.

Các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch trên sàn tập “Những người khốn khổ”.
Các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch trên sàn tập “Những người khốn khổ”.

Giấc mơ thành hiện thực

Nói về những trở ngại, đạo diễn Nguyễn Triều Dương phân tích: “Điều khó nhất khi thực hiện vở nhạc kịch này ở Việt Nam là kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu.

Các nghệ sĩ Việt Nam có thể hát Opera rất tốt. Nhưng họ không được học chuyên sâu về kỹ năng trình diễn. Vì vậy, các diễn viên đã phải nỗ lực rất nhiều và làm việc liên tục để khắc phục điểm yếu của mình. Toàn bộ ê-kíp của nhà hát đều phải phấn đấu cho ra một sản phẩm nghệ thuật có chất lượng”.

Để chuẩn bị cho 4 đêm công diễn,  ê-kíp đã chuẩn bị và tập luyện suốt 6 tháng qua. Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam không Việt hóa tác phẩm về cả âm nhạc, trang phục hay tên nhân vật, cốt lõi câu chuyện.

Để mang đến cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn mẫu mực của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát phần diễn và cả tổng thể sân khấu, “Những người khốn khổ” được trình diễn bằng tiếng Anh để giữ được linh hồn của tác phẩm kinh điển. Nhưng để người xem có thể cảm nhận được mạch câu chuyện, những thăng trầm của nhân vật trong tác phẩm, được sống cùng các nhân vật và có thể nhìn thấy chính mình thì khi nghệ sĩ biểu diễn đều có phần phụ đề tiếng Việt được chiếu để khán giả nắm bắt được nội dung.

Âm nhạc của “Những người khốn khổ” được thể hiện trực tiếp với sự trình diễn của dàn nhạc giao hưởng của nhà hát. Sau vở ballet “Hồ thiên nga” và giờ là “Những người khốn khổ”,  ước mơ mang nghệ thuật hàn lâm của thế giới về cho công chúng Việt thưởng thức đã và đang được VNOB  hiện thực hóa thành công.

Giọng ca dày dặn của Nguyễn Thu Quỳnh (trong vai nhân vật Fantine) đã đem nỗi da diết của những lời hát “tôi ấp ủ một giấc mơ” tràn vào trái tim khán giả. Giấc mơ ấp ủ của cô gái nghèo vừa  ngọt ngào mà cũng quá đỗi mong manh. Thế Tùng Lâm, Trịnh Thanh Bình đã thể hiện tốt một Jean Valjean bằng chất giọng rền ấm, Nguyễn Huy Đức, Nguyễn Mạnh Đức lại làm nên Javert đáng sợ với vang gằn, hăm dọa. Các diễn viên nhí Chúc Anh, Ngọc Linh thì có giọng hát trong trẻo, thánh thót khi vào vai Cosette.

Không gian sân khấu của “Những người khốn khổ” được tối giản về những hình khối nhưng với hiệu ứng sáng tạo trong dàn cảnh, sử dụng ánh sáng, các tông màu chuyển đổi tinh tế qua trang phục, đạo cụ, những bố cục khác nhau… đã tạo chiều sâu và làm nên hiệu ứng hình ảnh đẹp, độc đáo cho vở nhạc kịch.

Sau khi xem, Holly LindQuist Thomas một khán giả người nước ngoài chia sẻ cảm xúc: “Tôi thấy vở nhạc kịch này rất tuyệt vời. Tôi đã từng xem vở nhạc kịch này ở Mỹ, tôi thấy phiên bản này rất tốt. Đội ngũ nghệ sĩ Việt Nam thực hiện rất chuyên nghiệp, giọng hát của các diễn viên rất vang và sáng. Họ làm tôi rất bất ngờ”.

“Tôi cũng như những người yêu mến và quan tâm đến nhạc kịch đã nhận ra những giai điệu và ca từ quen thuộc của vở kịch kinh điển “Những người khốn khổ”. Các nhạc công trong dàn nhạc và các diễn viên đã cố gắng hết sức để làm tròn vai diễn của mình và thực sự họ đã thành công khi mang âm nhạc hàn lâm của thế giới đến cho khán giả Việt, giúp khán giả cảm nhận và xúc động”, anh Việt Phong, một khán giả vui vẻ nhận xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ