Nhà văn Mạc Can - từ dưới nước nhảy lên bờ một cơn… “ngộ” chữ!

GD&TĐ - Mạc Can là diễn viên xiếc, ảo thuật, hài sân khấu từ thuở lên 8. Sau 1975, ông tiếp tục làm diễn viên, nhưng có thêm đất diễn là ngành điện ảnh. Ngỡ ông đi trọn nghề diễn cho đến hết đời, nhưng vào cuối những năm 1990 đến nay, ông bất ngờ chuyển sang viết văn và mau chóng nổi danh.

Nhà văn Mạc Can
Nhà văn Mạc Can

Gánh hát tuổi thơ

Mạc Can được mẹ sinh trên một… chiếc xuồng giữa đêm trên dòng sông Bảo Định (Mỹ Tho - Tiền Giang) vào năm 1945. Thuở ấy gia đình ông là một gánh hát đi lưu diễn khắp nơi ở đồng bằng Nam Bộ, lấy sông nước làm nhà.

Lên 8 tuổi, Mạc Can đã phụ cha trong các tiết mục xiếc, ảo thuật với khuôn mặt bôi trát những phẩm màu xanh xanh đỏ đỏ và cái bụng to hở rún lộ ngoài áo trông ngộ nghĩnh, tức cười.

Trò biểu diễn thường xuyên của họ là trò phóng dao (dao được phóng cắm xung quanh một người đứng trước một tấm ván - người đứng thường là cô em gái của Mạc Can).

Sau này, viết tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, ông kể thêm: “Màn đó ám ảnh lâu đứa em gái tôi. Với những lưỡi dao to bản, lại biểu diễn trong những cái rạp hát trống trơ chẳng khác gì mấy cái lều giữa đồng ruộng, gió mạnh có thể làm lệch hướng dao, dù chỉ một ly, rất nguy hiểm.

Ở tuổi em gái tôi bấy giờ, đáng lý nó được chơi trò búp bê, cột võng đưa em, nấu ăn hay nói chuyện với những bông hoa thì lại phải luôn chăm chú ngước nhìn những lưỡi dao bay về phía mình.

Lúc đầu, còn nhỏ quá, nó bình thản, nhưng sau, nó biết sợ thật sự. Đêm đêm, sau khi diễn xong, nó thường ngồi một chỗ khuất, ôm mặt khóc. Hiểu vậy nhưng chúng tôi vẫn cứ làm, vì không làm lấy gì ăn. Cho đến nay em gái tôi cũng chỉ sống độc thân, lặng lẽ”.

Thủa ấy, với bản tính hồn nhiên, vô tư, rất nhiều lần Mạc Can làm cho cha phải… tức tối vì bị “bể mánh” trong các sô diễn.

Số là ở sân khấu bình dân, những khán giả nhỏ tuổi thường leo tuốt lên chỗ diễn ngồi xem. Có đứa khoái Mạc Can, đập tay vào vai ông, nói: “Ê! Mai đi tắm sông, đá banh với tụi tao nha mày!”. Mạc Can lo trả lời quên mất mình đang diễn nên đưa cả con vịt mà cha ông bí mật dùng làm vật ảo thuật lộ liễu trước mặt khán giả, làm rộ lên những tiếng cười trong khi “nhà ảo thuật lừng danh” Lê Văn Quý (tên thật của cha ông) thì đỏ mặt tía tai!

Mạc Can thuở nhỏ (bìa phải) cùng anh trai và em gái trong màn xiếc phóng dao.
Mạc Can thuở nhỏ (bìa phải) cùng anh trai và em gái trong màn xiếc phóng dao. 

Học chữ song song với đọc sách

Do cứ đi lưu diễn, Mạc Can hầu như không có dịp làm quen với sách vở, trường học. Nhưng nếu gánh hát tình cờ dừng lại ở một nơi nào đó có trường học, điều đầu tiên ông làm là chạy đến đó để được gặp, chơi đùa với những đứa nhỏ đồng lứa, cất tiếng đánh vần ê a theo bọn chúng, dù ông không hề biết mặt chữ.

Có một mùa mưa kéo dài, gánh hát ế ẩm phải lên bờ. Suốt ngày đi loanh quanh, Mạc Can tình cờ làm quen với một ông họa sĩ nhà có nhiều sách. Ông họa sĩ kêu Mạc Can tới phụ vẽ, bù lại ông sẽ dạy chữ cho. Cách dạy cũng lạ, ngày đầu tiên, sẵn tay ông vớ ngay một cuốn truyện dày cui trên kệ - cuốn Don Quichotte và chiếc cối xay gió - mở ra dạy.

Mạc Can được học chữ ngay trên các từ ngữ của cuốn sách, học tới đâu hiểu nghĩa từng câu tới đó. Hết Don Quichotte thì đến Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris, Những người khốn khổ, Chuông gọi hồn ai

Chính cách học chữ “đặc dị” này vô hình trung khiến Mạc Can như rơi vào một sự sửng sốt, khám phá ra một thế giới kỳ lạ, biến ảo của chữ nghĩa.

Như cách diễn tả của ông sau này, nó như một cú hích, đẩy ông từ bóng tối bấy lâu ra một vùng ánh sáng chói lòa, để từ đó ông như bị “ngộ” chữ, đi đường thấy những mảnh giấy báo gói xôi, gói bánh mì, cũng nhặt lên dò đọc từng chữ.

Một thời gian sau, gia đình ông định cư luôn ở Sài Gòn. Ngoài giờ diễn, Mạc Can hay ra các cửa hàng sách cũ tìm cách “đọc cọp”.

Thấy vậy, một ông chủ cửa hàng kêu: “Mày tới phụ bán, tao cho đọc thoải mái”. Ông đồng ý ngay. Cơn mê chữ càng được hích đẩy, ông đọc say sưa.

Ông kể: “Dạo đó, ngoài việc đọc sách, tôi thấy cuộc sống chẳng có gì thú vị cả. Đọc nhiều đến nỗi người tôi ốm nhom ốm nhách, chẳng thiết ăn uống hay làm việc kiếm tiền.

Và tôi cũng thích “viết” nữa. Giống như có một sự xúi giục vô hình, nhiều lúc ngồi uống nước, tôi chấm ngón tay vào ly và viết những chữ gì đó lên bàn. Và cả những lúc ngồi không, tôi cũng huơ tay vào không khí để viết, viết và viết, không phải là chữ nữa mà là những ý tưởng, câu văn nào đó - từa tựa như những gì có trong những cuốn sách tôi đã đọc”.

Cơn mê chữ kỳ lạ kia đã khiến ông chẳng những biết đọc, biết viết lại có một “vốn sống” khá phong phú từ nội dung của những cuốn truyện mà không ít trong số đó là những kiệt tác văn học.

Đến độ sau này là nhà văn, ông có thái độ gần như sùng kính với chữ nghĩa. Ông tâm sự: Do sống một mình buồn hiu nên tôi thường chơi với chữ, xem nó như là bạn của mình.

Khi đang viết, nếu phải bỏ chữ này chữ kia, tôi không bỏ hẳn mà dời nó sang ngoài lề và xin phép hẳn hoi, nghĩa là nói ra lời với nó, đại để như: “Xin phép cháu chữ, chú dời cháu ra chỗ khác vì để vô đây không hợp, không xứng đáng với vị trí cháu, chừng nào có chỗ hợp hơn, hay hơn, chú lại đưa vào”.

Điều đó giải thích được tại sao mặc dù mới viết một, hai cuốn sách đầu tay, văn chương của Mạc Can đã thuyết phục được người đọc và ông mau chóng nổi danh như một “nhà văn trẻ” tài năng từ những năm 2000.

Có nằm mơ tôi cũng không tin nổi mình có ngày được nói chuyện trong các trường đại học, trước hàng ngàn sinh viên cùng các giáo sư, tiến sĩ.

Tôi nói với họ, Mạc Can trong đời chưa bao giờ được đến trường. Lúc nhỏ, khi gánh hát đến các làng, Mạc Can nghe tiếng trống trường thì chạy tới đứng ngoài cửa sổ, nhìn các bạn cùng lứa học bài và cất tiếng ê a theo. Đó là cách học của Mạc Can.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.