Nhà văn Đoàn Giỏi – người con của Đất rừng phương Nam

GD&TĐ - Dù không có nhiều tác phẩm, nhưng với cuốn Đất rừng phương Nam lừng danh có nội dung khai thác, khám phá phong phú, hấp dẫn về mảnh đất Nam Bộ được đưa vào chương trình Ngữ văn trung học, Đoàn Giỏi đã tạo cho mình một chỗ đứng độc đáo trong làng văn.

Nhà văn Đoàn Giỏi
Nhà văn Đoàn Giỏi

Rời chính trị làm văn học

Đoàn Giỏi sinh năm 1925 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Cha ông là một địa chủ trí thức yêu nước, làm chủ hàng trăm héc ta ruộng vườn cò bay thẳng cánh, sau Cách mạng tháng Tám, đã hiến toàn bộ tài sản cho chính quyền Cách mạng. Trụ sở UBND huyện Châu Thành ngày nay là một trong những căn biệt thự của gia đình ông.

Thuở nhỏ, Đoàn Giỏi học ở Trường Trung học Mỹ Tho. Sau lớn theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Cứ tưởng cuộc đời ông sẽ gắn liền với cây cọ, nhưng năm 1943, Đoàn Giỏi viết thử một truyện ngắn đầu tay được nhà văn Hồ Biểu Chánh chọn đăng trên tờ Nam kỳ tuần báo, từ đó ông có ý sẽ dấn thân vào con đường chữ nghĩa.

 Năm 1947, Đoàn Giỏi làm Trưởng Công an huyện Châu Thành. Năm 1948, giữ chức Phó Ty Tuyên truyền tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) kiêm luôn chủ bút tờ báo Tiền Phong của Mặt trận Việt Minh Mỹ Tho. Năm 1950, ông chuyển sang làm Phó Ty Công an tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang).

Nhưng do đam mê văn học một cách kỳ lạ, Đoàn Giỏi không theo chính trị lâu, năm 1951, ông xin chuyển về công tác ở Hội Văn nghệ Nam bộ. Đến năm 1954, tập kết ra Bắc, ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi là Hội Văn nghệ VN. Sau 1975, ông thường xuyên vào Nam ra Bắc, sinh sống ở hai nơi, dành hầu hết thời gian để đi thực tế và sáng tác.

Nhắc đến Đoàn Giỏi là phải nhắc đến cuốn truyện bất hủ Đất rừng phương Nam, tái bản hàng chục lần, từng được dịch ra nhiều thứ tiếng và chuyển thể thành phim. Khi ông sang Liên Xô, đến thăm nhà văn lớn Polevoi, trẻ con Nga bên hàng xóm đã chạy qua tụ tập để biết mặt ông, xin chữ ký. Sinh thời, nhà thơ Tế Hanh đã nói với nhiều nhà văn quốc tế rằng Đất rừng Phương Nam là truyện Robinson của Việt Nam, vì nó cũng có những trang vàng huyền thoại và hấp dẫn không kém.

Hồn hậu, khí khái, hào phóng

Nhà văn Anh Đức còn nhớ như in ngày ông 14 tuổi gặp chàng thanh niên Đoàn Giỏi hơn ông chục tuổi: “Tôi từ một trường trung học kháng chiến ra, về công tác tại Ty Thông tin tỉnh Rạch Giá, vừa lúc anh Đoàn Giỏi từ Mỹ Tho về lãnh chức Phó trưởng Ty. Anh đã có vóc dáng đậm đạp, cái ống píp luôn phì phèo trên miệng”.

Tuy ngoại hình ra vẻ là một tay chơi (mà ông cũng từng chơi nhiều thật) nhưng Đoàn Giỏi có một tâm hồn mềm mỏng, thuần hậu mà khí khái. Thời ông làm Trưởng Công an huyện Châu Thành năm 1947, có lần người ta bắt giữ một người khả nghi là Việt gian. Mặc dù người ấy một mực kêu oan, nhưng Đoàn Giỏi vẫn cho bắt vì thấy ăn mặc bảnh bao, tướng dạng trí thức, “chỉ có theo thực dân mới được vậy”.

Sau mới biết đó là luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang đi công tác bí mật, ông đã cúi đầu hối lỗi, đích thân mời luật sư ra vùng kháng chiến theo lệnh của cấp trên. Sau này, khi ông Nguyễn Hữu Thọ ra nhận trọng trách tại Hà Nội, bạn bè khuyên Đoàn Giỏi nên đến chào thăm ông, nhưng Đoàn Giỏi nói: “Bây giờ bác Ba là lãnh tụ, là nghị trưởng (ý nói là Chủ tịch Quốc hội), nếu mình đến thì thiên hạ sẽ nói mình “thấy sang bắt quàng làm họ”.

Nhưng rồi chính “bác Ba” Thọ mới là người mở lời mời nhà văn trước nên ông rất lấy làm cảm kích. Từ đó ông đến chơi nhà vị luật sư nổi tiếng luôn. Lúc ông nằm ở Bệnh viện Thống Nhất năm 1989, vợ ông không lấy được vé máy bay, bèn gọi điện cho “bác Ba”, bác đã cho người giải quyết, còn gửi thuốc men, tiền lộ phí để bà chăm sóc chồng.

 Kho tư liệu sống thiên nhiên Nam Bộ

Nhà văn Anh Đức từng khâm phục nhận xét về nhà văn Đoàn Giỏi: “Thật tôi chưa từng thấy ở nước ta có một nhà văn nào như anh, say mê yêu mến thiên nhiên động vật, đến độ có cả một kho tư liệu ghi chép tỉ mỉ, đủ sức để viết dài dài loại truyện này. Có lúc hàng giờ anh say mê kể cho tôi nghe về đời sống của loài cọp, loài sấu, loài tê giác và loài cá. Có một lần, tôi tỏ ý hoài nghi về cái chi tiết anh viết trong tập Chuyện lạ về cá, trong đó anh tả một máy bay Đồng minh bị Nhật bắn cháy, viên phi công nhảy dù rơi xuống vùng biển Hải Phòng thì cá mập ở dưới biển giăng ra đón viên phi công tợ hình như những nan hoa xe đạp. Thấy vậy, anh vung tay, la lên: “Mày không tin hả? Tao bảo đảm trăm phần trăm đúng y như tao viết. Mày ngồi đợi đó, để tao đi lấy tài liệu cho mày coi!”.

Năm 1989, lúc biết mình mình bị bệnh hiểm nghèo, Đoàn Giỏi không tỏ ra để ý đến cái chết mà chỉ nói với người bạn đưa ông vào bệnh viện: “Không dè mau quá. Tao vô đó tranh thủ viết rồi có chết luôn ở trỏng cũng được! Không biết mày thì sao chớ trong đời tao, lẽ ra tao phải viết được nhiều hơn, ngặt mình ham mê nhiều thứ quá, đôi khi sa đà nên phân tán, uổng quá! Bây giờ có tuổi rồi, tao thấy tiếc, nhưng mà được cái giờ đây tao thấy tánh mình cũng trầm tĩnh hơn, ổn định hơn. Bây giờ tao tránh cãi vã, đã tới hồi chạy nước rút, không hơi đâu ở đó mà cãi...”.

Tiếc thay, dù ông có muốn chạy nước rút cũng không còn kịp. Năm ngày sau khi vào bệnh viện, căn bệnh xơ gan đã kéo ông đi vào cõi vĩnh hằng, để lại tác phẩm dang dở Núi cả mây ngàn.

Núi cả mây ngàn, trang giấy dở dang tình đất nước

Rừng đêm xào xạc, trái tim dào dạt nghĩa quê hương

(Câu đối viếng tang nhà văn Đoàn Giỏi của nhà thơ BẢO ĐỊNH GIANG)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ