Nguyễn Thế Kỷ - Tài năng phát sáng qua cánh cửa hẹp

GD&TĐ - Người đời trân quý những cái lớn ở người đàn ông: Đầu to, mắt to, bụng to, tai to, miệng to... thì Nguyễn Thế Kỷ hội đủ. Nhân tướng học bảo đó là người sang trọng, tôn nghiêm, có địa vị xã hội!...

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ (trái) và tác giả.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ (trái) và tác giả.

Thế nhưng tôi vẫn đinh ninh: Soi xét trọng thị, gì thì gì cứ phải lấy kết quả công việc mà cân đo, đong đếm. Cho nên, tôi thấy Nguyễn Thế Kỷ còn “thịnh” hơn thế!

Nguyễn Thế Kỷ gánh vác chức vị lớn dần theo tuổi tác: Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nghệ An năm 34 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An; Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Nghệ An kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An; Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn; Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương;

Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương (sau khi sáp nhập Ban Tư tưởng - Văn hóa và Ban Khoa giáo); Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đến Đại hội XII của Đảng là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) kiêm Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương; tham gia Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam các khóa VIII, IX, X... Về học hàm học vị, ông là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngữ văn và Báo chí.

Công việc “ngập đầu, ngập cổ”, ấy vậy mà ông vẫn viết “như điên”, cứ như sống ở đời là phải như thế.

Tài viết thì hiện diện đủ các thể loại: Nào là các bài báo, tác phẩm lý luận về báo chí; thơ, kịch bản sân khấu, tiểu thuyết, tiểu luận, lý luận phê bình văn học nghệ thuật...

Đề tài ông viết rất rộng, từ quan đến dân, từ dân đến vua chúa thuở nảo thuở nào; từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đến các nhà cách mạng tiền bối Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Linh...; Cái xa xưa trong lĩnh vực nghệ thuật như “Mai Hắc Đế”, “Thầy Ba Đợi” đến huyền thoại “Nàng Tô Thị”, “Chợ tình Khau Vai”; Rồi sự kiện hôm qua, hôm nay ngồn ngộn chất sống... cuốn hút người đọc, người xem, người nghe nao nao nỗi nhớ, niềm thương.

Nhớ. Ngày mới “nhập vai” Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Nguyễn Thế Kỷ mở đà cho công việc thông tin đại chúng quốc gia bằng sự phối hợp giữa VOV với Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học tổ chức Hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Kết quả truyền đi thông điệp chắc đinh: Những người làm báo và truyền thông đa phương tiện cần mãi mãi học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để báo chí thực hiện tốt nhất sứ mệnh phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân...

Còn nhớ, tháng 8/2018, giới hâm mộ thể thao cả nước đã vỡ òa niềm sung sướng, hạnh phúc khi ông đã rất dũng cảm, trách nhiệm và quyết đoán đứng ra đàm phán với đối tác nước ngoài để Đài Tiếng nói Việt Nam mua bản quyền, quay hình, thu thanh và tường thuật trực tiếp Đại hội Thể thao châu Á 2018 (ASIAD 2018) tổ chức tại Indonesia.

Năm 2019, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục mua bản quyền, tổ chức sản xuất, phát sóng cả phát thanh và truyền hình các trận đấu Vòng loại bảng K - Giải bóng đá Vô địch U23 châu Á 2020 có sự tham dự của Đội tuyển U23 Việt Nam.

Chưa dừng lại, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục đàm phán để là đơn vị phát sóng chính thức các trận đấu giải King’s Cup 2019 tổ chức ở Thái Lan. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có được quyền sản xuất, phát sóng các trận đấu của đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu trong khuôn khổ vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á.

Nguyễn Thế Kỷ và Ban lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài VTC - một thành viên trực thuộc, không coi việc mua bản quyền là cơ hội chỉ để kinh doanh mà quan trọng hơn, là để phục vụ người xem cả nước và cả kiều bào ta ở nước ngoài... Còn tôi (kẻ viết bài này) thực sự ngưỡng mộ cái tâm, cái tầm của Đài, của ông!

* * *

Cảnh trong vở “Chợ tình Khau Vai”.

Cảnh trong vở “Chợ tình Khau Vai”.

Ngày đẹp trời. Nghỉ trưa, kiếm cớ bên nhau, tôi đai lại câu hỏi cũ mèm:

- Việc như thế, ông viết vào lúc nào mà “sản phẩm” ào ạt như thế?  Nguyễn Thế Kỷ lộ vẻ đắn đo, nụ cười ngập trong ánh mắt:

- Cùng trong nghề, lạ chi nữa. Không yêu, không say thì mơi đâu ra cảm xúc để viết? Tôi xen lời:

- Điều này thì khỏi bàn. Không rung động tận tâm can thì làm sao ông để tôi nhớ thơ ông trong các tập: “Trở lại triền sông”, “Nhớ thương ở lại”: “...Biển dẫu yên mà lòng ta lại động/Lắng tin xa những cơn bão chập chờn/Bỗng hiển hiện trang sử thời mở cõi/Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn/... Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió/Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa/Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc/Áp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa”! (Thao thức Trường Sa - Viết đêm 28/4/2012 khi đang ở Trường Sa).

Tôi nhấn thêm, Thao thức Trường Sa do Lê Đức Hùng phổ nhạc, hay đến nỗi thành lời ca cửa miệng của nhiều người mỗi khi nhắc đến Trường Sa!... Tôi vẫn nói, nói như được dịp để mở lời: Yêu thương và cảm xúc ở ông đã tạo nên “Nhớ thương ở lại”.

Ông viết cho ông và hơn thế là cho các con, các cháu nội, ngoại của ông phải mãi mãi một lòng một dạ tri ân tổ tông, ông bà, bố mẹ... cho dù năm tháng qua đi, nhưng nhớ thương thì còn mãi: “...Chắp tay, lạy giữa đất trời/Công cha nghĩa mẹ đời đời khắc ghi/Theo con đường lớn cha đi/Nước ra biển lớn, mưa thì về non/Lắng trong cọng cỏ, hạt cơm/Có hồn cha mẹ thảo thơm muôn đời” (Về lại triền sông” - NXB Văn học 2017)...

Nhưng, điều tôi hỏi và muốn ông thổ lộ, là:

- Ông viết vào lúc nào, khi công việc đối nội, đối ngoại ngày ngày “ngập đầu, ngập cổ”? Kỷ vẫn không bắt nhời. Tôi vạch vẽ, ông viết về “Báo chí, truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn” cũng như “Lý luận Văn hóa, Văn nghệ Việt Nam - Nền tảng và phát triển Tập I & II” là đương nhiên rồi.

Rất sát, rất sâu... Đấu tranh trực diện, quyết liệt với những quan điểm sai trái, thù địch, với những tệ nạn nhức nhối xã hội... Định giải pháp thực hiện cùng những kiến nghị sát thực ở cấp lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý... là hợp lẽ. Đó là công việc của ông, trọng trách và cương vực của ông.

Đọc ông tôi dễ thấu hiểu, thấu cảm!... Còn việc 5 - 7 năm lại đây ông cho ra đời tới chục tập sách đầy đặn, đẹp đẽ, trong đó có tới 7 - 8 kịch bản sân khấu như: Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Hừng Đông, Thầy Ba Đợi, Hoa lửa Truông Bồn, Huyền thoại Gò Rồng Ấp, Ngàn năm mây trắng... được dàn dựng kỹ lưỡng và công diễn sôi động khắp mọi miền đất nước thì không dễ ai có được. Vậy thì ông làm nên bằng cách nào?

Bắt chuyện. Nguyễn Thế Kỷ nhắc lại điều ông từng giãi bày với đồng nghiệp: Viết thì phải có “vốn liếng”. Viết bằng “vốn” của mình có được chứ không phải cái vay mượn! Không có “vốn” thì say cũng chỉ là mơ, thậm chí lơ tơ mơ!

Được thể, Kỷ sôi nổi kể nguồn cơn bước vào cái đận viết kịch bản sân khấu “Chuyện tình Khau Vai”, sau đó mấy năm thì ra mắt tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai”.

Câu chuyện về mối tình say đắm, đớn đau, khắc khoải không hồi kết của nàng Út, con tộc trưởng người dân tộc Giáy với chàng Ba người dân tộc Nùng.

Họ không thực sự trở thành chồng vợ nhưng tình yêu của họ là cao đẹp và bất tử. Họ để lại một mỹ tục bắt đầu từ lời thề nguyện hơn cả dao chém đá là hễ còn sống, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải đến với nhau vào độ cuối xuân đầu hạ (27/3 âm lịch) ở chợ Khau Vai...

“Ai có tìm về ai không/Tháng Ba Khau Vai hò hẹn/Chợ tình chẳng mua, chẳng bán/Vẹn nguyên lối cũ gót xưa/Vẹn nguyên chín đợi mười chờ/Vẹn nguyên tình đầu dang dở/Gom nhặt cả điều lầm lỡ/Thành men kỷ niệm chiều nay...” (Góc nhỏ Khau Vai). Đây là duyên cớ sinh ra “Chợ tình Khau Vai” ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Mối tình không thành đôi nhưng mãi được nuôi dưỡng với đồng bào dân tộc, mãi cuốn hút với nhiều người dưới xuôi, đến nỗi: “Chợ tình xa mấy cũng đi/ Rơm khô tự cháy trước khi lửa kề” (Gia Ninh). Tiểu thuyết cuốn hút người đọc bởi lớp lang kết cấu, chương mục dẫn dắt; tính cách nhân vật độc đáo, chi tiết đắc địa giàu sức tưởng tượng.

Và hơn thế, tác giả viết bằng con tim tuôn trào cảm xúc, bằng gan ruột của lòng tự tin, ngồn ngộn tư liệu mà ông đã rất dày công tìm kiếm, khai thác tận gốc rễ, ngọn nguồn đồng bào dân tộc Giáy và Nùng lãnh phận Hà Giang. Nhờ đó mà cảm xúc tuôn trào, sáng tạo nên tác phẩm ngồn ngộn sức sống của tiểu thuyết...

Đây cũng là cái cách ông nghiên cứu, tìm tòi, ngẫm suy từ nguồn tài liệu có được để xử lý, sắp đặt, loại bỏ cái không cần thiết theo cái cách của ông để sáng tạo nên vở kịch thơ về huyền thoại nàng Tô Thị chờ chồng trở về sau chiến trận với nhiều chi tiết mới.

Những nhân vật chính là Tô Thị, Trần Khôi (chồng Tô Thị), Trương Lỗ (kết anh em với Trần Khôi) số phận, tính cách của nhân vật được điển hình hóa đậm nét. Người đọc, người xem kịch thơ với tiêu đề “Ngàn năm mây trắng” có cảm giác như tác giả thực sự hóa thân mãnh liệt vào nhân vật nên lột tả cá tính rất riêng của nhân vật.

Đặc biệt, tác giả đã thể hiện khi tinh tế, khi trực diện để phơi bày mưu mô dơ bẩn chỉ nhằm xâm chiếm bờ cõi của nước ta của ngoại bang (qua nhân vật Trương Lỗ). Khiến huyền thoại nàng Tô Thị không chỉ bi thương, vô vọng mong chờ; thay vào đó là nỗi căm hờn, là sự cảnh giác cao độ muôn năm với kẻ thù muôn thuở!...

Tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai”.

Tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai”.

Đọc, nghe, xem các ấn phẩm, các tác phẩm của Nguyễn Thế Kỷ, tôi nhận ra ông là cây viết hội đủ những phẩm chất rất chuyên sâu của nghề báo. Đó là tinh tường trong khám phá, phát hiện vấn đề của cái đã qua; nhận chân cái mới nảy sinh có tính quy luật.

Để rồi tìm cách tiếp nhận thông tin, tích lũy thông tin; ngẫm suy xử lý thông tin cho hợp lẽ đời; để định ra thể loại, phương tiện và thời điểm loan tin. Không những thế, ông còn có cái sắc sảo, cẩn trọng, tinh tường của nhà khoa học.

Cho nên, viết kịch bản về nhà trí thức cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu, sau chuyển thành tiểu thuyết cùng tên “Hừng Đông”, thì Nguyễn Thế Kỷ đều rất kỳ công khai thác, tìm hiểu kỹ càng để tái hiện đậm nét cuộc đời hy sinh, chiến đấu vì lý tưởng cách mạng của một trí thức yêu nước...

Tương tự, trước khi sáng tạo kịch bản “Mai Hắc Đế”, ông đã dày công nghiên cứu, sưu tầm rất nhiều tài liệu; tham gia phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, như: “Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu”, và “1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu và anh hùng Mai Thúc Loan”. Nhờ đó, kịch bản đã khắc họa đậm nét hình tượng nhân vật Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) như là nguyên mẫu.

Nhiều điểm sai, thậm chí sai cả quan điểm, nhận định về bản chất cuộc khởi nghĩa là tự giác chứ không phải tự phát như sách sử từng ghi... đã được ông khẳng định lại... Phẩm chất ấy, tính cách ấy của nhà báo, nhà văn, nhà khoa học Nguyễn Thế Kỷ rất rõ, rất đậm khi ông tiếp nhận thông tin để sáng tạo ra vở kịch nói “Thầy Ba Đợi” và vở “Huyền thoại gò Rồng Ấp”... Rất giàu cảm xúc, chan chứa tình với nhân vật. Cũng bởi ông là nhà văn, một nhà lãnh đạo sâu sát, đa tài!...

Miên man chuyện nghề... khi giờ làm việc buổi chiều sắp tới, ông mới chốt lại:

- Thời khắc giao thoa ngày với ngày (từ 22 giờ đêm hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau) là lúc tôi ngồi vào bàn viết, liên tục gõ bàn phím. Có khi gõ cả tuần vào khung giờ như thế. Nhưng triệu phú thời gian quý hóa nhất với tôi là hai ngày nghỉ cuối tuần! Vẫn chất giọng hóm hỉnh, cái nhìn tinh nghịch, ông bảo:

- Viết vào lúc đó. Khoảng lặng của không gian thiên hạ ngủ thì mình thức. Hầu hết các trang bản thảo đều bùng lên từ cảm xúc của con tim và len ra từ các cánh cửa hẹp như thế!

Tôi lại đăm đắm nhìn ông, lời thầm thì ẩn sâu trong ý nghĩ: “Thì là vậy. Bởi ông là nhà lãnh đạo. Một cây viết tài năng. Phát sáng qua cánh cửa hẹp mà mãi sáng và lan tỏa. Đó mới chính là cái To, cái Lớn nhất của Nguyễn Thế Kỷ”!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.