Người vẽ “con trâu xanh” trên tờ tiền 100 đồng

GD&TĐ - Để con trâu thật trên tờ tiền sống động, thanh thoát và có thần... họa sĩ thay vì ngồi ở xưởng vẽ, đã chạy ra cánh đồng làng Láng (Hà Nội) để tận thấy một con trâu đang gặm cỏ.

Mặt trước và mặt sau tờ tiền 100 đồng. Ảnh tư liệu.
Mặt trước và mặt sau tờ tiền 100 đồng. Ảnh tư liệu.

Tinh xảo trâu Việt

Năm 2018, tại Hà Nội từng diễn ra một triển lãm mang tên “Hội hoạ Nguyễn Huyến”. Đó là một triển lãm đặc biệt mang tính “bái vọng” vì không có mặt tác giả, bởi hoạ sĩ đã qua đời từ năm 1994.

Nhiều người đặt câu hỏi Nguyễn Huyến là ai, bởi ngay cả với giới hội họa chuyên nghiệp nhiều người cũng không thực sự tường tận về Nguyễn Huyến. Họa sĩ Nguyễn Huyến tên đầy đủ là Nguyễn Đức Huyến sinh năm 1915 tại làng Tư Thế, xã Trí Quả (Thuận Thành - Bắc Ninh).

Ông từng học 2 năm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (trong khoảng 1932 - 1936). Năm 1937, ông nhận bằng danh dự về hội họa tại triển lãm của Hội An Nam khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ (SADEAI).

Nguyễn Huyến từng có các triển lãm tranh vào những năm 1939, 1941, 1942 tại Pháp. Có ít nhất 259 nhà sưu tầm cá nhân trong nước và quốc tế sưu tập các sáng tác trong suốt 50 năm hoạt động nghệ thuật của ông.

Tên tuổi Nguyễn Huyến gắn liền với tờ tiền 100 đồng “con trâu xanh”. Đó là vào năm 1946, ông là một trong hai mươi họa sĩ gồm cả những tên tuổi nổi tiếng như: Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Lê Phả, Nguyễn Văn Khanh… tham gia vẽ giấy bạc cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hồi đó, Nguyễn Huyến cùng với KTS Lương Văn Tuất - cán bộ ở Sở Địa đồ Đào Văn Trung thời bấy giờ được giao vẽ tờ tiền 100 đồng, trong đó Nguyễn Huyến vẽ mặt sau là hình “con trâu xanh” (mang ý nghĩa con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông).

Một số họa sĩ từng biết Nguyễn Huyến cho hay, vì muốn con trâu thật sống động, thanh thoát và có thần nên thay vì ngồi ở xưởng vẽ, ông quyết định chạy ra cánh đồng làng Láng (Hà Nội) để tận thấy một con trâu đang gặm cỏ.

Sau này, chính hoạ sĩ Nguyễn Huyến kể lại chuyện này: “Trâu - con vật quen thuộc này tôi đã nhiều lần thể hiện rõ trên những bức tranh quê. Nhưng lần này vẽ giấy bạc không thể phóng tác được mà phải vẽ tỉ mỉ.

Nghĩ vậy, tôi về làng Láng (ngoại thành Hà Nội), ra đồng quan sát một con trâu ở thế đang gặm cỏ trên bờ ruộng. Ruộng làng Láng hồi đó khô nẻ chân chim, vì mấy tuần qua trời chỉ có nắng, không mưa. Thấy tôi mặc quần áo trắng, lại theo dõi sát nó, có lẽ con trâu tưởng Tây nên trợn trừng đôi mắt và dừng lại không gặm cỏ nữa…”.

Sự tinh xảo của hình ảnh con trâu trong tờ tiền 100 đồng đến nay vẫn còn gây xúc động với người yêu nghệ thuật. Giới sưu tầm tiền cổ nói rằng, lấy kính lúp soi kỹ có thể thấy những vòng xoáy lông trâu hiện rõ ở đầu và mình trâu rất sống động.

Đến nay, tờ 100 đồng vẫn giữ kỉ lục là đồng tiền giấy có kích thước lớn nhất và nếu quy đổi ra VNĐ bây giờ thì 100 đồng “con trâu xanh” bằng khoảng 33 triệu đồng.

Phong cách sáng tác tờ tiền cũng rất khác biệt với các mẫu xuất hiện trước và sau. Tờ bạc được thiết kế với phong cách vừa mang âm hưởng của giấy bạc Đông Dương ở các thiết kế trang trí, các dải hoa văn xung quanh cũng như các cụm số nhưng điểm khác biệt rất lớn tờ bạc giống như bức tranh hội hoạ đầy sinh động. 

Hoạ sĩ Nguyễn Huyến – một trong các hoạ sĩ tham gia vẽ tiền 100 đồng “con trâu xanh”. Ảnh tư liệu.
Hoạ sĩ Nguyễn Huyến – một trong các hoạ sĩ tham gia vẽ tiền 100 đồng “con trâu xanh”. Ảnh tư liệu.

“Phát sốt” với tiền in hình trâu

Từ trước Tết Tân Sửu, giới sưu tầm tiền cổ ra sức săn tìm những đồng tiền giấy in hình trâu. Trên các trang mạng xã hội, không khí giao lưu, mua bán tiền cổ cũng khá sôi động.

Tuy nhiên, số nhiều nhà sưu tầm chỉ có thể tìm được tiền ngoại quốc hoặc tờ 100 đồng vẽ hình Dinh Độc Lập và hai con trâu trên cánh đồng nước của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

Riêng về tờ 100 đồng “con trâu xanh” mà hoạ sĩ Nguyễn Huyến vẽ rất hiếm có. Một nhà sưu tầm có tiếng thuộc Hội cổ vật Thiên Trường (Nam Định) cho biết, phải rất kỳ công và bỏ ra số tiền tương đối lớn mới có thể sở hữu đồng tiền quý hiếm này.

Hơn 100 năm nay, trâu và tiền gắn liền với nhau. Từ đợt phát hành đầu tiên 1891, trên tiền giấy Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine), các hoạ sĩ đã đưa 5 mẫu hình tượng trâu vào đồng tiền. Đồng tiền có hình tượng trâu xuất hiện cuối cùng là mẫu 100 đồng phát hành năm 1985, khi mà trâu và máy cày cùng xuất hiện trên cánh đồng. Sau này, không còn trâu nữa, máy cày cũng chỉ còn trên tờ 200 đồng.

Ngoài tiền Việt Nam, giới sưu tầm cũng săn tìm tiền nước ngoài như hình ảnh trâu Lào, trâu Thong Kham của Thái Lan, tiền hình trâu Myanmar và Nepal.

Giới sưu tầm cho rằng, không chỉ vì lý do năm con trâu sưu tầm tiền hình trâu mà trâu và tiền về bản chất luôn đi liền với nhau. Chẳng thế mà thị trường chứng khoán toàn thế giới thường lấy hình tượng bò mộng để thể hiện sức mạnh tăng trưởng.

Một lý do đặc biệt nữa khiến giới sưu tầm muốn sở hữu những đồng tiền in hình ảnh con trâu vì đó là hình tượng khá đặc biệt trong văn hoá Việt Nam. Trâu không nằm trong mô típ trang trí truyền thống, không thuộc dòng tứ linh hay cá chép (hoá rồng), nhưng con trâu vẫn là hình tượng được đánh giá “đầu cơ nghiệp”. Đồng thời, trâu còn biểu tượng cho sức mạnh và tính cách chịu thương chịu khó làm lụng, chăm lo cuộc sống.    

Xem xét về màu sắc của tờ bạc, mẫu này có màu nâu - vàng - xanh. Hình tượng người thể hiện màu nâu như tượng trưng cho người nông dân, hình tượng trâu màu xanh. Hoạ sĩ Nguyễn Huyến giải thích: “Vẽ trâu màu xanh là để đảm bảo hài hoà về màu sắc nhưng cũng nhận thấy màu xanh là màu dễ kiếm nhất thời bấy giờ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ