Người họa sĩ 30 năm thầm lặng "mài" ký ức vào tranh truyền thống

GD&TĐ - Là một giảng viên mỹ thuật truyền cảm hứng cho các họa sĩ tương lai, Trịnh Tuân miệt mài đêm ngày bên những bức họa khổ lớn để ghi tạc vào đó những ký ức của nửa vòng hoa giáp.

Họa sĩ Trịnh Tuân sáng tác tranh sơn mài tại gác riêng trên phố Lý Quốc Sư.
Họa sĩ Trịnh Tuân sáng tác tranh sơn mài tại gác riêng trên phố Lý Quốc Sư.

“Những ký ức thầm lặng” là triển lãm cá nhân, mở cửa vào ngày 4/12 tại Art Space - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Yết Kiêu - Hà Nội). Với 30 bức tranh khổ lớn ẩn giấu những ký ức trong chặng đường suốt 30 năm Trịnh Tuân theo nghiệp sơn mài.

Người kết nối Đông - Tây

Nhắc tới Trịnh Tuân, người yêu nhạc bất giác nhớ tới nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cái vẻ nhìn nghiêng nhang nhác giống nhạc sĩ họ Trịnh làm nhiều người nhầm lẫn Trịnh Tuân là nhạc sĩ. Nhưng cũng không nhầm khi ai đó biết Trịnh Tuân là người rất đa tài, nhạy cảm với âm nhạc và suýt trở thành một ca sĩ.

Trước khi đến với hội họa, Trịnh Tuân định sẽ gắn bó với âm nhạc. “Năm 1976, hồi 15 tuổi, tôi đi qua Nhà hát Lớn và thấy có công diễn vở nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, thế là tôi mua vé vào xem. Tôi đã bị thuyết phục và bắt đầu mê âm nhạc cổ điển và các giọng ca opera. Sau đó, tôi quyết định theo học kỹ thuật hát opera. Tôi may mắn nhận được sự truyền giáo của NSND Quý Dương trong vòng 5 năm”.

Từ tình yêu âm nhạc, họa sĩ Trịnh Tuân đã “phổ” không ít bản năng mê tông nhạc êm ả, tình tứ nơi phố phường Hà Nội cận đương đại ngày trước và ồn ã ngày nay để “lặn” vào trong chất sơn mài của chính mình trong suốt ba chục năm ròng.

Không chỉ đam mê vẽ, Trịnh Tuân còn tham gia nhiều họat động sôi nổi kết nối nghệ thuật Việt Nam với thế giới, và giới nghệ sĩ gọi ông là người kết nối nghệ thuật Đông - Tây. Năm 2019, ông làm giám tuyển cho “Triển lãm giao lưu mỹ thuật đương đại Việt Nam – Hàn Quốc” và “Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á”.

Trịnh Tuân cũng là người đồng sáng lập Asia Art Link (AAL) nổi tiếng trong giới hội họa. AAL được thành lập từ năm 2005, đến nay nhóm đã trở thành một tổ chức cộng đồng, tổ chức nhiều triển lãm, workshop quốc tế tại Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latinh.

Năm 2016, Hanoi Art Connecting được tổ chức bởi nhóm nghệ sĩ quốc tế AAL và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, trở thành sự kiện nghệ thuật quốc tế thường niên.

Đến nay đã 4 lần được tổ chức, thu hút đến 80 nghệ sĩ Việt Nam và 60 nghệ sĩ quốc tế đến từ 24 quốc gia tham dự. Sự kiện từng được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là 1 trong 10 sự kiện quốc gia về Mỹ thuật và Triển lãm.

Cảnh thanh bình, lặng lẽ luôn là ký ức đẹp trong tranh Trịnh Tuân.
Cảnh thanh bình, lặng lẽ luôn là ký ức đẹp trong tranh Trịnh Tuân.

Tạo hình ký ức trong tranh sơn mài

Giờ đây, trên căn gác sáng tác của cặp vợ chồng họa sĩ Trịnh Tuân – Công Kim Hoa trên phố Lý Quốc Sư – được ví như gác nghệ thuật. Gác sáng tác đầy nắng – gió - cây xanh và tình yêu với Hà Nội phô bày trên những bức sơn mài với đường nét khoẻ khoắn ẩn chứa những thanh lịch của con người Hà Nội.

Khác với những bức tranh thuần trừu tượng của Công Kim Hoa, hình ảnh con người vẫn hiện hữu trong các tác phẩm của Trịnh Tuân. Có một sự đối lập kỳ dị giữa những hình người khỏa thân, tóc xoăn, da ngăm đen trong những góc phố quen thuộc của Hà Nội.

Bên cạnh các biểu tượng mang đầy tính lịch sử và văn hóa như Tháp Rùa và Nhà thờ Lớn, sự sơ khai và nguyên thủy trường tồn mạnh mẽ.

Suốt 30 năm gắn bó với sơn mài, Trịnh Tuân được coi là người có đóng góp đặc biệt vào chủ đề Hà Nội trong hội họa Việt Nam đương đại. Năm 2007, trong triển lãm “Giấc mơ Hà Nội” (cùng với hai họa sĩ Malaysia và Philippines), Trịnh Tuân đã giới thiệu loạt tranh 11 bức vẽ về Hà Nội gây được sự chú ý đặc biệt đối với giới phê bình cũng như công chúng yêu tranh.

Người ta thấy một trường phái sơn mài lạ lẫm, cách tân nhưng vẫn mang màu truyền thống. Trịnh Tuân nói rằng, bản thân chịu những tác động của bậc thầy Gustav Klimt đối với ngôn ngữ tạo hình sơn mài: “Tôi có nhiều đồng cảm với Gustav Klimt. Tranh của Klimt có không gian và tinh thần của hòa sắc sơn mài truyền thống Việt Nam. Có thể tinh thần của Klimt ngấm dần vào tranh của tôi”.

Theo Trịnh Tuân, chính ngành học thiết kế – design đã giúp ông có được những khác biệt trong ngôn ngữ tạo hình và tìm thấy những đồng cảm với tranh Klimt: “Tranh của Klimt sử dụng rất nhiều chi tiết décor – trang trí. Chính vì điều ấy mà tôi nhận thấy có sự gần gũi giữa tác phẩm của Klimt với nghệ thuật phương Đông và đặc biệt với tranh sơn mài Việt”.

Trong cảm nhận của Trịnh Tuân, hòa sắc trong tranh của Klimt rất gần với hòa sắc và bảng màu của tranh sơn mài. Màu vàng của Klimt giống như màu vàng lá trong khi màu đỏ gợi nhiều đến màu đỏ của son trai trong tranh sơn mài. Với các tác phẩm sơn mài mang âm hưởng décor và ngôn ngữ tạo hình hiện đại, Trịnh Tuân đã đem lại sự tươi mới cho tranh sơn mài truyền thống.

“Những ký ức thầm lặng” được đánh giá là cực kỳ công phu, tỉ mẩn. Tranh ẩn hiện dòng ký ức đã qua về phố phường, con người và tình yêu. Như Trịnh Tuân chia sẻ, ông thích nhất Hà Nội trong kí ức tuổi thơ. Ở đó có bình yên, cho dù là thời chiến. Hình ảnh cầu Long Biên sau mỗi trận bom oach tạc hiện lên với những trò vui đùa của con trẻ.

“Thỉnh thoảng, tôi vẫn cùng bạn bè đi bộ trên cầu hay đi xuống bãi giữa sông Hồng chơi, chụp ảnh và đôi khi chỉ để ngẫm nghĩ một điều gì đó buâng quơ, đã qua từ rất lâu rồi”, họa sĩ Trịnh Tuân cho biết.

“Tôi thực sự buồn khi chứng kiến Hà Nội thay đổi ngày càng xấu đi. Hà Nội bây giờ không có mấy thời khắc yên ả, con người cũng đã thay đổi nhiều. Hà Nội cần phải được thay đổi nhưng đó là điều không thể. Tôi muốn gợi nhớ lại những ký ức thầm lặng và đẹp đẽ ấy vào dòng tranh sơn mài truyền thống” - Họa sĩ Trịnh Tuân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ