Họa sĩ Phạm An Hải: Vẽ là tự thoại

GD&TĐ - Họa sĩ Phạm An Hải nổi tiếng với nhiều bức tranh trừu tượng. Anh nằm trong tốp 20 họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật Việt Nam. Sử dụng bảng màu điêu luyện, Phạm An Hải đưa người xem bước vào một không gian của sáng tạo, tưởng tượng giữa hình khối, sắc màu.

Bức tranh “Mùa thu vàng” (acrylic trên toan, khổ 200x100cm) của Phạm An Hải đoạt giải Nhì cuộc thi tranh trừu tượng đương đại quốc tế năm 2015.
Bức tranh “Mùa thu vàng” (acrylic trên toan, khổ 200x100cm) của Phạm An Hải đoạt giải Nhì cuộc thi tranh trừu tượng đương đại quốc tế năm 2015.

Quyết định khó khăn

Họa sĩ Phạm An Hải sinh năm 1967 tại Hà Nội, tốt nghiệp ĐH và cao học tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 1995 và năm 2005. Phạm An Hải có tranh trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Malaysia và nhiều nhà sưu tập quốc tế.

Anh là một trong 19 họa sĩ được chọn tham gia trong “Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật” do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) tổ chức, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 6 - 15/8/2020.

Ngôi nhà của họa sĩ Phạm An Hải nhìn trông ra cầu Nhật Tân (Hà Nội) được thiết kế rất hiện đại, tiện nghi. Phạm An Hải cho biết, do nhu cầu công việc nên  bất cứ họa sĩ nào cũng đều ao ước có một xưởng vẽ rộng và thoáng đãng.

Để có được điều này - anh tiết lộ - mình đã phải tích lũy hơn 10 năm mới có thể mua được mảnh đất rộng và xây nên căn nhà này. Sau đó, anh đã dành hơn một năm nghỉ vẽ để chăm chút hoàn thiện các công năng sử dụng của ngôi nhà.

Nhà - với Phạm An Hải, vừa là chỗ làm việc vừa phải đạt yêu cầu nghỉ ngơi tiện lợi cho các thành viên trong gia đình. Anh thiết kế nhà ở kiêm luôn xưởng vẽ. Việc thiết kế một ngôi nhà “2 trong 1” giúp anh thực hiện được những cảm xúc chợt đến rất thuận lợi và không bị cảm giác gò bó như trước kia khi phải đi thuê xưởng vẽ.

Là người được đào tạo khá “đủ món”, nhưng họa sĩ Phạm An Hải lựa chọn vẽ tranh theo trường phái trừu tượng. Anh mất tới 11 năm để xác lập cho mình một lối đi. Trên con đường sáng tạo đó nhiều khi rất vất vả.

Khởi đầu mới ra trường, Phạm An Hải làm họa sĩ trình bày báo. Nhưng sau đó anh đã đưa ra quyết định khó khăn lúc bấy giờ là rời bỏ công việc họa sĩ thiết kế có thu nhập ít nhưng ổn định để chuyên tâm cho hội họa.

“Đó là quyết định khó khăn, vì rời bỏ vị trí công việc là đồng nghĩa không có tiền sinh sống. Nhưng vì yêu nghề nên phải liều mình để thoát khỏi sự làm việc rập khuôn, gò bó về giờ giấc. Quyết tâm theo đuổi đến cùng thì dù rất vất vả và khó khăn tôi vẫn chấp nhận. Bây giờ thì tôi thấy may thoát ra sớm…” - họa sĩ Phạm An Hải tâm sự.

Vậy là từ năm 1996, anh bắt đầu làm nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 1997 anh bị một tai nạn khiến một bên mắt bị hỏng, tưởng chừng phải bỏ nghề. Vượt qua nỗi đau và mất mát, anh tìm sự giải tỏa ưu phiền nhờ hội họa và tiếp tục làm việc đến nay.

Với họa sĩ Phạm An Hải, vẽ là một quá trình trải nghiệm thật đặc biệt. Ở đó anh có thể vừa học, vừa chơi, vừa rèn luyện. Đó là một công việc lao động giúp anh tạo dựng tên tuổi, kiếm tiền, và cũng giúp anh hưởng thụ cuộc sống.

Nhưng trong hành trình sáng tạo, có đủ chông gai, khắc nghiệt, người họa sĩ không phải lúc nào cũng tìm được những cảm xúc sáng tạo thăng hoa.

Cũng có những giai đoạn, những thời điểm họa sĩ cảm thấy bế tắc. Anh cũng thừa nhận, việc vẽ rất hay gặp bế tắc nhưng mỗi khi vượt qua được ta sẽ trưởng thành hơn, kinh nghiệm hơn. Họa sĩ Phạm An Hải thường giải quyết bế tắc một cách trực diện khi nào xong mới thôi.

Bên cạnh đam mê vẽ, họa sĩ Phạm An Hải là người rất mê âm nhạc. Nhà anh có những bộ dàn âm thanh hiện đại, đắt tiền. Theo họa sĩ, anh nghe nhạc gần như suốt thời gian ở xưởng vẽ.

“Âm nhạc với tôi giống như người bạn nói chuyện gì đó mình nghe hoặc không cho vui vậy thôi, vì hầu như, khi vẽ tôi tự đối thoại với mình”- họa sĩ Phạm An Hải giải thích.

Anh thường vẽ trong các buổi chiều, và tiếp tục vẽ từ sau 21 giờ đến 2, 3 giờ sáng. Là một trong số những họa sĩ Việt Nam có tranh xuất hiện ở nhiều quốc gia, họa sĩ Phạm An Hải bảo, anh là người có cơ may làm việc với vài gallery lớn từ rất sớm và đó là cơ duyên họ chọn mình chứ mình đâu biết gì khi hơn 20 năm trước.

Theo anh, khó khăn với họa sĩ Việt Nam hiện nay là rất khó để tiếp cận các gallery uy tín hoặc các nhà sưu tập lớn nên việc bán các tác phẩm được giá cao là rất khó.

Họa sĩ Phạm An Hải.
Họa sĩ Phạm An Hải.

Nỗ lực vì một thị trường mỹ thuật lành mạnh

Một trong những vấn đề lớn thu hút giới mỹ thuật và người yêu hội họa, là mối quan tâm của nhiều người trong thời gian gần đây là thị trường mỹ thuật ở Việt Nam.

Trò chuyện với họa sĩ Phạm An Hải, anh cởi mở nhận xét rằng: “Mấy năm qua, thị trường mỹ thuật có nhiều tín hiệu vui. Rõ ràng người Việt đã mua nhiều hơn trước kia... Thị hiếu nghệ thuật của dân mình ngày càng tốt và kinh tế phát triển thì nhu cầu thưởng thức tranh sẽ càng ngày càng cao”.

Tuy nhiên, trong thị trường ấy cũng có những rủi ro nhất định. Điều ấy khó tránh bởi ngay cả những thị trường mỹ thuật lớn trên thế giới vẫn đầy rẫy những rủi ro như nạn tranh giả, tranh nhái…

Họa sĩ Phạm An Hải cho rằng, nếu các họa sĩ nâng cao được sự tự trọng thì thị trường sẽ giảm thiểu được những rủi ro. Để thị trường mỹ thuật trở nên sôi động hơn, chất lượng hơn, thì thị trường thứ cấp cần phát triển, nghĩa là cần thiết có nhiều hơn giao dịch của các nhà sưu tập, các nhà đầu tư.

Trong quan sát của anh, các nhà sưu tập của Việt Nam còn rất ít, hiện nay có thể nói họ chưa tác động được gì đến sự sáng tác, sáng tạo của các nghệ sĩ. Còn việc đưa ra quan niệm tranh nghệ thuật, tranh thị trường là không đúng, có sự “lẫn lộn về nhận thức”.

“Tranh thì sẽ có hai loại nghệ thuật và phi nghệ thuật. Thị trường nghệ thuật thì có cấp thấp và cấp cao” - họa sĩ Phạm An Hải nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, việc xuất hiện các sàn đấu giá tranh, tượng và các tác phẩm nghệ thuật trong thời gian qua giúp công chúng có thể sở hữu một bức tranh mình yêu thích một cách khá sòng phẳng, theo kiểu thuận mua vừa bán, giúp họ đỡ bị “tù mù” về giá tranh.

Tuy nhiên, theo họa sĩ Phạm An Hải, những sàn đấu giá nghệ thuật còn quá mới mẻ và cần thời gian để phát triển. Bởi thực tế, thời gian qua các nhà đấu giá nghệ thuật cũng có mặt trái.

Ví dụ sẽ có tranh, tượng giả, tranh chép nhái trà trộn trọng các phiên đấu giá. Điều đó đòi hỏi các chuyên gia thẩm định ở các nhà đấu giá phải hoạt động công tâm, có đủ trình độ để xác định đúng giá trị các vật phẩm đưa ra đấu giá. Cần có cả chế tài quy định những quyền hạn và trách nhiệm của các nhà đấu giá…

Không chỉ tập trung sáng tạo nghệ thuật cho riêng mình, họa sĩ Phạm An Hải còn có ý thức để cộng động mỹ thuật Việt Nam phát triển hơn, minh bạch hơn.

Anh đã cùng các họa sĩ khác lập ra Viet Art Now. Viet Art Now ra đời 2016, là sự nâng cấp về mặt chuyên môn với trang Viet Art Space mà anh thành lập trước đó 2 năm (trang này giúp xã hội hoá nghệ thuật), còn Viet Art Now cố gắng xây dựng sân chơi chuyên nghiệp hơn.

Sau 4 năm, đến nay Viet Art Now có khoảng trên 10 ngàn thành viên. Các hoạt động đã tổ chức gồm có đấu giá, triển lãm “Toả” 2 tại VCCA (Vincom), triển lãm VAN 2019 tại Chọn và hoạt động online thường xuyên, các chương trình tranh Tết…

Họa sĩ Phạm An Hải từng được giải Nhì tranh đương đại thế giới tại Mỹ năm 2015, được Sotheby tôn vinh là một trong 20 họa sĩ trừu tượng của Đông Nam Á trong vòng 100 năm, được tổ chức EASS của Ý đánh giá là những nghệ sĩ tốt của thế giới năm 2016 trong cuốn sách “The best Modern and Contemporary Artists 2016”…  Anh có tranh được sưu tập trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (2 bức), Bảo tàng Mỹ thuật Huế (1 bức), Bảo tàng SAM Singapore (1 bức), Bảo tàng Quốc gia Malaysia Petronas (2 bức)…
“Tôi thấy tự hào khi được công nhận những cố gắng lao động nghệ thuật và rất hạnh phúc khi những thành quả sáng tạo cá nhân được ghi nhận” - họa sĩ Phạm An Hải tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ