Mật mã văn hóa Việt trong Photo Hanoi ‘21

GD&TĐ - Gần 30 nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ thị giác, người làm sáng tạo trong và ngoài nước hội tụ trong Photo Hanoi ‘21. Các nghệ sĩ chung nỗi niềm tìm lại cội nguồn căn tính Việt bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Mê Kông - Chuyện đôi bờ (Lâm Đức Hiền).
Mê Kông - Chuyện đôi bờ (Lâm Đức Hiền).

Photo Hanoi ‘21 do Viện Pháp tại Hà Nội - L"Espace khởi xướng nhằm kết nối công chúng với những khía cạnh đa dạng của nhiếp ảnh. Các nghệ sĩ kể những câu chuyện, thể hiện những góc nhìn và cách tiếp cận phong phú về cuộc sống con người trong đời sống văn hóa Việt Nam.

Đời sống qua lăng kính

Mặc dù triển lãm đến khoảng giữa tháng 6 mới kết thúc, nhưng Photo Hanoi ‘21 thu hút sự chú ý đặc biệt của giới nhiếp ảnh và công chúng muốn tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này. Triển lãm không chỉ mang đến cho công chúng hình ảnh một Việt Nam sống động qua góc nhìn độc đáo. Qua đó, nghệ sĩ chỉ ra ranh giới bị phá vỡ giữa hiện thực sống và nhiếp ảnh hiện đại.

Với chủ đề mở, phiên bản đầu tiên giới thiệu tác phẩm nhiếp ảnh sử dụng phương tiện thủ công và kỹ thuật số, dẫn dắt những câu chuyện từ Việt Nam, Pháp và xa hơn nữa.

Trong chuỗi văn hóa Photo Hanoi ‘21 có đến 6 triển lãm: Mê Kông - Chuyện đôi bờ (Lâm Đức Hiền), Khoảnh khắc bí mật của maiko - Philippe Marinig, Đã tới lúc thắp sáng lại những vì sao - Punk Dragon, Khuôn dạng và Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu, Tinh hoa ẩm thực Pháp tại Viện Pháp tại Hà Nội - L"Espace.

Xuất phát từ niềm tin rằng nhiếp ảnh dành cho tất cả mọi người, các hoạt động giáo dục hướng đến khán giả thuộc mọi lứa tuổi, giới tính và trình độ chuyên môn. Những hoạt động nổi bật được gắn kèm khi ghé thăm làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, thảo luận tìm đầu ra cho tác phẩm nhiếp ảnh…

Nhiều tác giả xuất hiện trong chuỗi triển lãm Photo Hanoi ‘21 cho thấy một thứ nhiếp ảnh nằm giữa ranh giới nghệ thuật và tài liệu, đồng thời có nhiều thứ nhiếp ảnh rất mới cả về ý tưởng lẫn nghệ thuật.

Không phải những bức ảnh chụp hiện thực thông thường, loạt ảnh của Prune Phi “tái chế” các bức ảnh, đưa vào các biểu tượng, kiểu chữ được sử dụng trên thời trang và máy móc, đặt song song với các đồ trang trí được tìm thấy trong Phật giáo, kiến trúc và điêu khắc cổ Việt Nam.

Cũng “tái chế” những bức ảnh một lần nữa để kể một câu chuyện khác mà tác giả muốn, loạt tác phẩm của Punk Dragon trong triển lãm “Đã tới lúc thắp sáng lại những vì sao” đã nhào nặn hiện thực từ những sự kiện rời rạc. Từ đó, nghệ sĩ tóm gọn lại trong những tác phẩm ảnh 3 chiều sống động.

Thêm yêu văn hóa Việt

Ông Thierry Vergon - Giám đốc L"Espace cho biết, những hoạt động trưng bày và giáo dục nhằm bộc lộ tài năng, kỹ thuật điêu luyện và tầm nhìn độc đáo đã chuyển hóa hành động ghi chép đơn thuần thành tác phẩm chuyên chở ý tưởng. Photo Hanoi ‘21 nhắc chúng ta có một tác giả đứng sau mỗi tấm ảnh, đúng như nhiếp ảnh gia Willy Ronis nói: “Máy ảnh nhìn, con mắt thấy”.

Nổi bật trong chuỗi Photo Hanoi ‘21 là triển lãm “Mê Kông - Chuyện đôi bờ” của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền giới thiệu đến người xem kết quả của hành trình xuyên qua 4.200 cây số dọc sông Mê Kông. Từ hạ nguồn nhiệt đới tấp nập, tràn trề sự sống tại Đồng bằng sông Cửu Long đến thượng nguồn Tây Tạng nơi tuyết trắng phủ quanh năm.

Chuyến lữ hành xuyên lục địa này mang ý nghĩa đặc biệt với ông - nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt sinh ra và lớn lên bên bờ sông Mê Kông tại Lào, còn được âu yếm gọi tên là dòng sông mẹ.

Trong chuỗi ký sự bằng hình ảnh, ký ức cá nhân hòa quyện cùng tập thể của những con người sống bên sông và dựa vào sông. Ở đây, dòng Mê Kông vừa là ranh giới, vừa là mối liên kết giữa những mảnh đất, những nền văn hóa và những phận người.

Công chúng thấy bóng dáng người đàn ông tha hương đau đáu tìm về cội rễ nơi dòng sông mẹ. Đó chính là nỗi niềm tha hương không thể che giấu của tác giả, một nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt sinh ra và lớn lên bên bờ sông Mê Kông.

Bên cạnh Lâm Đức Hiền, loạt triển lãm còn có sự góp mặt của vài nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế mang dòng máu Việt khác cùng khao khát nỗi niềm muốn tìm lại căn tính Việt, cội rễ Việt.

“Khuôn dạng” của Prune Phi (người Pháp gốc Việt) là một ví dụ. Nghệ sĩ thị giác với 1/4 dòng máu Việt, với tên triển lãm đã nêu quan điểm hình thể với cơ chế di truyền dòng dõi, dòng tộc cũng như làm nổi bật tính truyền thống của căn tính văn hóa.

“Khuôn dạng” được giám tuyển bởi nghệ sĩ tài danh Mai Nguyên Anh. Triển lãm cho thấy đa dạng các cách tiếp cận chất liệu nhiếp ảnh như một phương tiện hữu hiệu trong thực hành nghệ thuật thị giác, gợi mở rất nhiều suy tư cho người xem cả phần nhìn thấy và phần không nhìn thấy.

Chùm ảnh gia đình của Mỹ Liên chụp tác giả, mẹ và bà ngoại của cô đặt giữa những đồ vật gợi nhắc những níu giữ văn hóa cội rễ của ba người phụ nữ đang sống trong một nền văn hóa khác.

Còn Yến Dương lại cho công chúng nhìn vào bên trong căn phòng của một cô gái cách ly tại nhà giữa thời Covid-19. Hình ảnh bình hoa tàn lụi, một chậu rửa bát đầy vỏ hoa quả lại vô tình khơi gợi thêm nhiều câu chuyện về đời sống cá nhân của người dân giữa đại dịch.

Có thể nói, Photo Hanoi ‘21 không chỉ là một cuộc trò chuyện bằng nhiếp ảnh. Hơn thế nữa, đó còn là một cuộc ghi chép chân thực qua lăng kính của những nghệ sĩ khao khát trở về nguồn cội.

Tất cả từ niềm yêu mến nền văn hóa Việt, họ muốn bóc tách căn tính văn hóa trong mỗi cá nhân để thấu rõ mật mã văn hóa dân tộc, trong bối cảnh con người xa cách nhau vì đại dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.