Lời tự thú từ “Bức tranh”

GD&TĐ - “Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn để tự suy nghĩ về chính mình”.

Tác giả Nguyễn Minh Châu.
Tác giả Nguyễn Minh Châu.

Đó là “lời đề nghị rụt rè” của một người họa sĩ - nhân vật chính trong truyện ngắn “Bức tranh”, mang theo thông điệp có tính triết lí sâu sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

“Bức tranh” là truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu được rút từ tập “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” (1983). Toàn bộ câu chuyện xoay quanh sự sóng đôi của hai bức tranh: Một bức tranh họa sĩ vẽ chân dung chiến sĩ thồ tranh giữa đường hành quân bom đạn ngập gầm trời và một bức chân dung tự họa trong hành trình tự vấn lương tâm của chính họa sĩ.

Hai bức tranh xuất hiện trong diễn biến cốt truyện, soi vào nhau, chiếu rọi sự giằng xé trong thế giới tinh thần của nhân vật. Có thể xem truyện ngắn “Bức tranh” là lời tự thú, lời tự vấn mang tính triết lí sâu sắc.

1.

Nhân vật chính trong truyện ngắn “Bức tranh” của Nguyễn Minh Châu là một họa sĩ giàu đam mê và thành danh. Anh từng “công tác ở một chiến trường cực kì xa xôi, giáp biên giới miền Tây Nam Bộ”. Số tranh và kí họa của họa sĩ vẽ trong mấy năm “đã chất lên đầy một cái sạp lớn giữa rừng căn cứ”.

Trên đường trở ra Bắc, họa sĩ có thêm một bức chân dung người chiến sĩ thồ tranh. “Cái bức ảnh truyền thần” đó về sau đã “nghiễm nhiên trở thành một tác phẩm hội họa nổi tiếng không những trong nước mà cả ở nước ngoài”. Vượt lên trên quy luật đào thải của thời gian “bức ảnh truyền thần của người thợ vẽ” như “một cái đinh của sự nghiệp sáng tác mà người họa sĩ theo đuổi trong suốt những năm chiến tranh”, “ngoài cả dự định” của anh ta.

Đằng sau bức tranh là câu chuyện với nhiều tình tiết bất ngờ được chính “tôi” - họa sĩ, tác giả của bức tranh, thuật lại. Câu chuyện sau bức tranh trở thành “những lời tự thú” của họa sĩ “cho một người thứ hai” - một người thợ cắt tóc, chính là người chiến sĩ anh ta đã gặp trong hoàn cảnh chiến tranh, ở rừng.

Vào một buổi trưa, khi họa sĩ “đang ngồi vẩn vơ ghi mấy cái dáng hòn đá, thân cây trước lán nghỉ của mình”, một người chiến sĩ “nước da xam xám và cặp môi thâm sì đang leo mấy bậc dốc từ lán dưới đi lên”. Sau khi ngồi xuống xem vẽ, người chiến sĩ “tha thiết thỉnh cầu” họa sĩ vẽ cho anh một bức chân dung. Nhưng họa sĩ đã từ chối. Người chiến sĩ tỏ vẻ phật ý, nhưng rồi “lẳng lặng”, “chậm rãi” đi xuống dưới những cái bậc dốc.

Đến sáng hôm sau, chính người chiến sĩ ấy lại làm nhiệm vụ thồ tranh cho họa sĩ. Đường đi đầy những dốc, suối. Quá trưa, đoàn người phải trèo qua một quả núi, lúc đầu chỉ thấy “lác đác có những hòn đá tai mèo”, sau đó “những vỉa đá tai mèo mỗi lúc một dày”, và “khi quả núi đổ sang sườn dốc bên kia thì chỉ có rặt đá tai mèo đen kịt”.

Đoàn người “gập lưng lại” leo dốc, rồi lại “thở dốc ra cả bằng mũi, bằng tai, năm ngón tay bịt chặt lấy chỏm đầu từng hòn đá mà lần xuống”. Sau bãi đá tai mèo lại đến khúc suối rộng đến năm trăm thước, họa sĩ “dần dần bị tụt lại sau”, rồi “tự nhiên bị sỉa xuống một hẻm đá ngầm dưới nước chới với”.

Người chiến sĩ thồ tranh “vội vã quay lộn lại”, đỡ họa sĩ và động viên: “Đồng chí cố gắng lên - Tôi dìu đồng chí đi nhanh qua bên kia suối sẽ nghỉ. Nếu thằng L19 đến chúng mình cứ ngồi xuống. Nó chẳng thấy già cả đâu”. Qua được suối, người chiến sĩ lấy dầu con hổ bóp chân cho họa sĩ. Anh ta vừa thồ đống tranh sau lưng to và nặng gấp đôi một cái ba lô bình thường của khách đi đường, vừa mang thêm chiếc ba lô của người họa sĩ trước ngực. Đến đêm, anh chiến sĩ mắc võng cho họa sĩ nằm rồi “ôm súng gác bên cạnh”.

Nghĩ về việc “từ chối khéo léo bằng cái mặt lạnh lùng” lời thỉnh cầu của anh chiến sĩ về việc vẽ chân dung, đến ngày hôm sau lại lên đường cùng anh ta, họa sĩ cảm thấy “phiền”, thấy “khó xử”. Và rồi đến đêm, anh không ngủ được, dậy nói lời ăn năn: “Tôi xin lỗi đồng chí về cái việc hôm qua…” và anh còn hứa: “Đến mai, thế nào tôi cũng phải vẽ đồng chí, một bức thật đẹp!”.

Trong sự gần gũi, thân tình, người chiến sĩ trần tình về việc muốn có một bức ảnh: “Vừa rồi, tôi gặp cậu tân binh ở ngoài mới bổ sung vào. Mới biết, không hiểu sao gia đình tôi ngoài Bắc lại nghe tin tôi hi sinh. Thư từ ở đây gửi về ngoài ấy mất một năm. Mấy năm nay tôi định gửi về nhà một cái ảnh theo cái điều ao ước của mẹ tôi từ lâu, mà không chụp ở đâu được”.

Như chớp được thời cơ để giải tỏa sự ăn năn, họa sĩ “ngắt lời” chiến sĩ với vẻ nhiệt thành “sốt sắng”: “Vậy thì tôi sẽ vẽ đồng chí một bức thật giống. Tôi sẽ trực tiếp mang theo ra. Đồng chí hãy viết một lá thư nữa và ghi địa chỉ gia đình cho tôi. Tôi sẽ trực tiếp mang thư và ảnh đồng chí tới tận nhà…”. Họa sĩ ngay lập tức kiếm củi nhen lửa “vẽ ngay” nhưng chiến sĩ ngăn lại…

Sáng sớm hôm sau, một bức chân dung chiến sĩ thồ tranh đã được hoàn thành - “chỉ trong khoảng nửa tiếng đồng hồ”. Hai người chia tay nhau. Chiến sĩ tiếp tục mang đồ đạc cho một cán bộ cao cao trong một đoàn khách đi vào trạm của anh, còn họa sĩ thì theo đoàn lên đường chặng tiếp theo, mang theo bức chân dung và địa chỉ mà người chiến sĩ vừa “kịp ghi”.

Chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi của bom đạn, một bức tranh được ra đời. Bức tranh ấy “trở thành tác phẩm hội họa nổi tiếng”. Nó là hiện thân của nghệ thuật, là sự nảy nở của cái đẹp trên nền của sự khốc liệt chiến tranh. Nó là kết tinh của nỗi niềm gia đình, quê hương sâu nặng, của tình mẫu tử thiêng liêng.

Bằng ngôn ngữ chân thực, với sự tài tình trong cách tạo tình huống truyện hấp dẫn, nhà văn Nguyễn Minh Châu vừa vẽ ra trước mắt người đọc đường nét của bức tranh, vừa gợi lên sự xúc động về câu chuyện của nhân vật trong bức tranh. Bức tranh ở đây trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo, có giá trị trong thiên truyện ngắn này.  

Truyện ngắn “Bức tranh”.

Truyện ngắn “Bức tranh”.

2.

Câu chuyện mà người họa sĩ đang kể không chỉ gắn với bức chân dung người chiến sĩ thồ tranh, nó còn được kể tiếp bằng bức tranh tự họa - “một bức tranh sơn dầu” được họa sĩ “cặm cụi để hết tâm sức” vào đó “đã không biết bao nhiêu tháng nay”.

Chiếm gần trọn bức tranh là “một cái mặt người rất lớn”, “những luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng xuống một nửa cái đầu tóc tốt rợp như khu rừng đen bí ẩn và một nửa mái tóc đã cắt thoạt trông như một phần bộ óc màu xám vừa bị mổ phanh ra”.

Phần bên dưới khuôn mặt “như vẫn đang được dấu kín dưới một cái mặt nạ: Cái cằm hai bêp mép bị phủ kín bởi bọt xà phòng”, “chỉ trông thấy một vệt lờ mờ màu đen nổi bồng bềnh trên đám bọt xà phòng phồng to”.

Theo họa sĩ, đó chính là đường nét trong bức tranh mà họa sĩ muốn dùng ngọn bút vẽ để tự tìm hiểu, tự phán xét. Bức tranh chính là “khuôn mặt mình”, “khuôn mặt bên trong của chính mình” - “cái khuôn mặt ngồi trên chiếc ghế mộc, đối mặt với người thợ cắt tóc” - chính là người chiến sĩ thồ tranh cho họa sĩ năm xưa ở chiến trường, người mà họa sĩ còn mắc nợ một lời hứa.

Sau tám năm, họa sĩ gặp lại người lính thồ tranh trong cái quán cắt tóc ở cuối một bức tường dài. Họa sĩ “có cảm tình ngay” khi bước vào quán bởi anh nhìn thấy bức kí họa chân dung người chiến sĩ thồ tranh được “dán ngay trên bức tường, phía trên tấm gương soi”.

Thợ cắt tóc là một anh thanh niên trạc ngoài ba mươi, nước da mai mái. Anh mặc chiếc sơ mi bằng vải phin trắng ngã màu cháo lòng và chiếc quần bộ đội cũ vá một vài miếng. Trong quán còn có một bà cụ già bị lòa. Đó là mẹ của người thợ cắt tóc.

Khi nhận ra người thanh niên làm nghề cắt tóc đó chính là người chiến sĩ thồ tranh năm xưa, cảm xúc đầu tiên của họa sĩ: “Ôi chao, lúc ấy, tôi chỉ muốn có một cái mặt nạ, hoặc bé xíu lại như một hạt đậu, trên cái ghế cắt tóc” vì cảm giác “phạm tội”, vì cảm giác “có những thứ gợi lên một câu chuyện chẳng hay ho gì, tưởng đã quên hẳn cái chuyện đó thì bây giờ cái đồ vật lại từ xó xỉnh, bụi bặm, từ trong xó tối từ từ bò ra, cái vật vô tri lại thủ thỉ nói chuyện với anh, khiển trách anh, lên án anh”.

Lời hứa đưa tấm ảnh đến cho gia đình anh, cách đây tám năm đã không được thực hiện. Lời hứa “đinh ninh”, “hùng hồn”, “thực tâm”, đã bị lãng quên “chỉ sau một tuần lễ” - ngay sau khi họa sĩ vừa thiết lập được với “cái xã hội hậu phương chung quanh những mối quan hệ mới”. Đó cũng là lúc “cái không khí chiến tranh tự nhiên nhạt nhòa đi, cái mối nhiệt tâm… vơi bớt đi”.

Đúng lúc đó, bức kí họa “được bạn bè sành sỏi nhất trong nghề đánh giá thật cao”, họa sĩ “liền lờ quên cái người mẹ đang ôm ấp mối đau khổ vì ngộ nhận con trai đã hi sinh, đang ở ngay trong thành phố”, anh cho đóng gói bức kí họa, đem đi dự triển lãm ở nước ngoài, và cũng “không kịp nghĩ đến” việc tới thăm bà mẹ ấy nữa. Họa sĩ đâu có ngờ rằng, chỉ vì chút “lờ quên” ấy mà người mẹ trở thành “một người lòa”.

Giây phút “chớp lóe lên” khi nhận ra anh thợ cắt tóc chính là người chiến sĩ thồ tranh tám năm về trước, những cơn bão tố trong lòng họa sĩ nổi lên.

Hàng loạt câu hỏi tự vấn xuất hiện trong lời độc thoại của nhân vật: “Tôi biết nói thế nào để các bạn có thể cảm thụ được cái cảm giác phạm tội của tôi lúc ấy nhỉ?/Tại sao ngày ấy tôi đã không đưa tấm ảnh đến cho gia đình anh?/Tại sao tôi không giữ lời hứa?/Mà tôi vẫn còn nhớ, tôi đã hứa với anh và cả tôi nữa, đinh ninh và hùng hồn lắm và cũng thực tâm lắm chứ?...

Họa sĩ đang tự vấn mình, tự vấn lương tâm. Bức tranh sơn dầu tự họa đan xen những mảng màu sáng - tối, lớp bọt xà phòng phồng to trở thành mặt nạ để dấu đi bộ mặt thật mà họa sĩ là người rõ hơn cả. Đối diện với người chiến sĩ thồ tranh lúc này, họa sĩ muốn chạy trốn.

Nhưng khi phải “ngồi ngửa mặt lên chiếc ghế”, khi “không thể nhìn đâu khác cặp mắt anh”, khi biết “mình không còn chỗ trú nấp” trong đầu họa sĩ tưởng tượng ra cuộc tranh biện với những lời buộc tội gay gắt:  “- Đồ dối trá, mày hãy nhìn coi, bà mẹ tao khóc đã lòa cả hai mắt kia.

Bây giờ thì tấm hình tao đã được trưng trên các tạp chí hội họa của khắp các nước. Người ta đã trân trọng ghi tên mày bên dưới bên cạnh mấy chữ: Chân dung chiến sĩ giải phóng. Thật là danh tiếng quá!”… “- A ha! Vì mục đích phục vụ số đông của người nghệ sĩ cho nên anh quên tôi đi hả… Có quyền lừa dối hả? Thôi, anh bước khỏi mắt tôi đi. Anh cút đi!”…

Cuộc tranh biện chỉ là trong tưởng tượng của họa sĩ chứ thực tế người thợ cắt tóc “vẫn làm như không hề bao giờ quen biết” họa sĩ. Khi họa sĩ ra về, người thợ cắt tóc vẫn chào anh “một cách thân mật, nhã nhặn”.

Sau nhiều lần đi qua quán cắt tóc của người chiến sĩ - cả khi quán đã chuyển đến địa điểm mới, sau những dằn vặt, đấu tranh với lương tâm, họa sĩ đã “quyết định phải chường cái mặt mình ra, chứ không được lẩn tránh”, không cho phép mình “chạy trốn” thêm nữa.

Gặp lại “vẻ mặt và cử chỉ từ tốn, điềm đạm, ân cần của người thợ cắt tóc đứng đắn và yêu nghề”, họa sĩ “cố trấn tĩnh” để khỏi run lập cập. Khi “từng mảng tóc trên đầu rớt xuống” họa sĩ có cảm giác như “đang ngồi cho người thợ giải phẫu não mà không đánh thuốc mê”, có cảm giác trong người “đang sống lẫn lộn người tốt, kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỉ”. Một cuộc tra vấn trong tưởng tượng lại diễn ra. Ở đó, người chiến sĩ vẫn hiện lên với vẻ bao dung, rộng lượng.

Họa sĩ xem những lần cắt tóc, những lần đối diện với người chiến sĩ là cơ hội để “nhìn kĩ cái mặt mình”. Bởi vì, trước con người “lẳng lặng sống như vậy” luôn làm cho “người chung quanh tự phán xét lấy công việc đã làm”.

Câu chuyện về bức tranh tự họa là hành trình đấu tranh nội tâm giữa cái cao thượng và cái thấp hèn, giữa trái tim thức tỉnh và tâm hồn thờ ơ của người lính thời bình.

Chiến tranh kết thúc, người lính khoác ba lô trở về mang theo một phần đời trong khói  lửa bom đạn. Họ không thể không suy nghĩ, trăn trở về những mất mát trong chiến tranh, trong đó có khi chỉ là sự day dứt về một lời hứa. Đó cũng có thể xem là lời bình chú cho bức tranh trong thế giới nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Thông qua thế giới nội tâm của nhân vật họa sĩ, nhà văn muốn nhắn nhủ: “Mỗi con người hãy cảnh tỉnh với chính mình. Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lẫn để suy nghĩ về chính mình”.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, văn học Việt Nam có xu hướng hướng nội, đi vào hành trình tìm kiếm bên trong, quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường, đi sâu khám phá con người trong những mối quan hệ đa dạng và phức tạp, thể hiện  con người ở nhiều phương diện của đời sống, kể cả đời sống tâm linh.

Nguyễn Minh Châu là cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới, thuộc trong số những người  mở đường tinh anh và tài năng, truyện ngắn “Bức tranh” nói riêng và sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau năm 1980 nói chung đã thể hiện rõ sự chuyển biến của Văn học Việt Nam sau 1975.

Với sự thành công trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, với lời văn bình dị, sâu sắc, mang tính triết lí, với giọng kể lúc trầm lắng, lúc gấp gáp, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã dẫn người đọc vào thế giới nghệ thuật của truyện ngắn “Bức tranh” một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, để lại nhiều dư ba.

Kết cấu truyện được lồng vào hai bức tranh: Bức tranh người chiến sĩ thồ tranh và bức tranh tự họa của họa sĩ. Bức tranh tự họa lại được đặt trong lối kết cấu đầu cuối tương ứng, nổi bật với đôi mắt mở khắc khoải, bồn chồn, đầy nghiêm khắc đang nhìn vào nội tâm. Mỗi bức tranh mang một thông điệp nghệ thuật của nhà văn. Truyện ngắn “Bức tranh”, có thể xem “là điểm đánh dấu rất đáng kể cho một hướng tìm tòi” (Lại Nguyên Ân) của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.