Gian nan nghề xiếc

GD&TĐ - Mới đây, sự ra đi liên tiếp của hai nghệ sĩ xiếc quốc tế nổi tiếng khi đang biểu diễn đã làm bàng hoàng công chúng quốc tế và các nghệ sĩ xiếc Việt Nam. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của nghề xiếc, chế độ bảo hiểm cho diễn viên xiếc và đầu tư trang thiết bị luyện tập cho diễn viên xiếc.

Gian nan nghề xiếc

Trông người lại ngẫm đến ta

Thông tin về việc nghệ sĩ xiếc đu dây Yann Arnaud (38 tuổi) của đoàn xiếc danh tiếng Cirque du Soleil (Canada) gặp tai nạn bi kịch, khiến nam nghệ sĩ tử vong ngay sau cú ngã từ trên cao, trong lúc đang biểu diễn khiến dư luận chưa hết bàng hoàng, thì tiếp đó, nghệ sĩ xiếc người Nga Anton Martynov (33 tuổi) ngã từ độ cao 6m đã bị tổn thương tủy sống và chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu.

Trông người lại ngẫm đến ta. Nghệ sĩ xiếc luôn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với khán giả, nhưng đã theo nghiệp xiếc là phải đối mặt với hiểm nguy và rủi ro. Trong lịch sử nghệ thuật xiếc nước ta, từng có không ít nghệ sĩ gặp những tai nạn cả khi tập luyện cũng như khi diễn. Điển hình như trường hợp của nghệ sĩ Lê Hương (Đoàn Xiếc TPHCM) biểu diễn tiết mục nhào lộn; chị không may bị quật văng gãy xương vai phải bỏ nghề vĩnh viễn.

Hai anh em nghệ sĩ Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp đoạt nhiều Huy chương Vàng ở các Liên hoan Xiếc ở VN cũng như Liên hoan Xiếc quốc tế. 8 năm để hoàn thành tiết mục “Sức mạnh đôi tay”, họ cũng bao lần trong lúc tập luyện đã trượt ngã, đầu va đập mạnh vào bàn cứng khiến xương cổ gần như dồn lại, rút vào trong. Với nghệ sĩ xiếc, cái giá để đổi lại những phút giây vinh quang trên sàn diễn dường như quá đắt. Việc xảy ra những chấn thương với nghệ thuật xiếc là việc không thể tránh khỏi.

Đặc cách cho những nghề đặc biệt

Nghệ sĩ Nguyễn Đình Trường, Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, các nghệ sĩ xiếc thường xuyên đối mặt với nguy cơ tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Chấn thương khi tập, diễn là chuyện hết sức bình thường của các nghệ sĩ xiếc. Bởi thế nên một khi đã chọn nghề này làm nghề chính thì phải chấp nhận hy sinh. Tai nạn thì nhiều vô kể nhưng cái nguy hiểm nhất vẫn là té từ trên cao xuống. Họ sống hết mình vì đam mê, vì miếng cơm manh áo và chấp nhận dù tuổi nghề hay tuổi đời có ngắn lại...

Nghệ sĩ Trương Mạnh Cường, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, với xiếc thú, những tai nạn nghề nghiệp kiểu như ngựa đá, gấu vô tình tạt tay vào khi đang đứng cạnh là chuyện không hiếm. Với các con thú, dù đã được huấn luyện thành thục hay chưa thì thú tính vẫn luôn còn. Có khi, chỉ cần những thay đổi nhỏ từ môi trường tác động cũng khiến chúng giật mình, cảm nhận sự khác lạ dẫn đến phản ứng theo bản năng. Nếu không phản ứng nhanh nhạy, diễn viên, phụ diễn rất dễ bị thương.

Nhiều khi, người diễn bị thương trên sân khấu vẫn cố gắng hoàn thành tiết mục mới lui vào hậu trường chữa trị vết thương. Chỉ những tình huống đặc biệt như diễn viên ngất xỉu, vết thương nặng, rỉ máu, khán giả mới phát hiện được, còn hầu hết các tai nạn, thường chỉ con mắt của người trong nghề mới nhận biết rõ.

Tần suất tai nạn xảy ra với xiếc trên thế giới và Việt Nam cũng là sự cảnh báo đối với những nhà quản lý ngành cần quan tâm nhiều hơn đến chế độ cho nghề xiếc; đầu tư trang thiết bị luyện tập cho học sinh và cả diễn viên xiếc. Đã tới lúc ngành xiếc cần một sự đầu tư đồng bộ về toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất cũng như cần có những chính sách, chế độ phù hợp với đặc thù riêng đối với lực lượng làm xiếc.

Mặt khác, Nhà nước cần nghiên cứu để có những chế độ lương bổng đặc cách cho những nghề đặc biệt nguy hiểm như xiếc, nếu không sẽ khó có ai có thể gắn bó với nghiệp xiếc khi mà sự sống, tai nạn luôn kề cận.

Theo một nghiên cứu về tần suất tai nạn lao động trong một năm, thì mức độ tai nạn lao động của các nghệ sĩ xiếc gấp hơn 20 lần so với những lao động trong các ngành công nghiệp sản xuất thông thường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ