Điện Biên: Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội

GD&TĐ - Điện Biên có 18/19 cộng đồng dân tộc thiểu số với những đặc trưng riêng về phong tục, tập quán, văn hóa.

Mỗi ngày phụ nữ dân tộc Thái bản Che Căn luôn miệt mài bên khung dệt.
Mỗi ngày phụ nữ dân tộc Thái bản Che Căn luôn miệt mài bên khung dệt.

Đó là thế mạnh đặc thù mà địa phương này đang quan tâm đầu tư, bảo tồn. Qua đó, quảng bá thương hiệu du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cây nhà, lá vườn...

Trở lại bản Che Căn ở xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ vào một ngày cuối thu, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng bởi bức tranh về cuộc sống mới của bà con dân tộc Thái đen ở nơi này. Khác rất nhiều so với 5 năm trước, bên con đường bê tông vào bản hoa đua sắc thắm, hoa nở bốn mùa.

Dưới sàn nhà, từng tốp các bà, các chị cười nói vui vẻ. Người dệt vải, người tỉ mẩn trang trí áo cóm, khăn piêu. Thấy tôi chăm chú nhìn tấm biển “homestay Mường Phăng” được trang trí đơn giản nhưng khá bản sắc treo trang trọng trước lối vào nhà văn hóa cộng đồng bản, bà Lò Thị Chung, Trưởng ban nữ công bản Che Căn vui vẻ cho biết: “Để duy trì nguồn quỹ bản ổn định mà không gia đình nào phải đóng góp, chị em lại có thêm thu nhập, từ năm 2019 bản đã thống nhất giao ban nữ công quản lý nhà văn hóa.

Với trách nhiệm được giao, tôi đã mời chị em trong bản tham gia theo các nhóm tổ: Ẩm thực, thêu dệt, văn nghệ, phục vụ lưu trú tại nhà cộng đồng”.

Khi khách đến tham quan hoặc ở lại, thành viên các nhóm tổ sẽ theo phân công, ai vào việc đó từ khâu đón khách, đưa khách tham quan bản làng, trải nghiệm việc thường ngày cùng dân bản như là thả lưới đánh cá, chăn trâu, gặt lúa ngày mùa.

“Khi khách ở lại, chúng tôi sẽ mời khách thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng dân tộc Thái đen. Những món này đều được từ chế biến từ nguyên liệu có nguồn gốc... Che Căn. Như thế, đơn giản nhưng cũng gần gũi, vì chúng tôi muốn mỗi du khách về đây đều cảm nhận tình cảm mộc mạc, chân thành của người Thái ở bản Che Căn”, bà Chung nói thêm.

Cứ như thế, từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, nhà văn hóa cộng đồng bản Che Căn đã đón hàng trăm đoàn khách ở khắp các tỉnh, thành. Lúc chưa có dịch bệnh Covid, có nhiều đoàn khách nước ngoài đến ở cả tuần mà khi rời đi họ còn tiếc nuối...

Tuy nguồn thu chưa nhiều nhưng với mỗi người dân bản Che Căn được tham gia tổ, nhóm, được tiếp đón du khách về bản Che Căn thì bà con đều vui lắm vì họ luôn quan niệm rằng: “Khách về bản cũng như con ong, con chim về bản, đem về tiếng hát, hoa thơm...”!

Bảo tồn các giá trị truyền thống...

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Điện Biên cho biết: Che Căn là bản Thái cổ được đầu tư bảo tồn từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, giai đoạn 2009 - 2013.

Trong nguồn kinh phí giao 10,3 tỷ đồng thực hiện bảo tồn bản Che Căn, Sở VH,TT&DL Điện Biên đã làm mới một nhà văn hóa cộng đồng theo đúng kiểu nhà truyền thống của người Thái đen với sân lễ hội.

Nguồn kinh phí trên còn thực hiện bảo tồn 10 nhà truyền thống. Ngoài ra còn phục dựng bảo tồn các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, đan lát, nghề rèn, đúc; nghề mộc, chế tác nhạc cụ truyền thống, bảo tồn trang phục và hoa văn cổ...

Theo Sở VH,TT&DL Điện Biên, ngoài giá trị về tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái đen đang có nguy cơ mai một, đồng hóa thì kết quả bảo tồn bản Thái cổ Che Căn còn cho thấy hiệu quả khác biệt về kinh tế. Đời sống người dân cũng vì thế mà được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, cả bản có 109 gia đình thì chỉ 2 gia đình còn khó khăn.

Từ việc quan tâm bảo tồn, phục dựng các nghề truyền thống, người dân bản Che Căn đã hiểu thêm công lao mà bao thế hệ cha ông họ đã dày công sáng tạo. “Làm nghề, giữ nghề và sống nhờ nghề, rồi đây người dân bản Che Căn sẽ có đời sống khá hơn nhờ nghề truyền thống trong xã hội hiện đại” - ông Quàng Văn Sơn, Trưởng bản Che Căn tự hào nói.

Thành công với mô hình bảo tồn bản Thái cổ Che Căn, mới đây Sở VH,TT&DL Điện Biên đã đề xuất với UBND tỉnh Điện Biên những ý tưởng mới. Đó là việc tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí bảo tồn 3 bản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, gồm: Bản truyền thống dân tộc Lào ở huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông; bản truyền thống của dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa và bản truyền thống dân tộc Hà Nhì ở huyện biên giới Mường Nhé. Mục tiêu bảo tồn từ nay cho đến năm 2025.

Cùng với đó, Sở này cũng đề xuất hỗ trợ xây dựng 5 bản tiêu biểu thuộc các dân tộc: Thái (huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ); Mông ở huyện Tủa Chùa; Khơ Mú tại huyện Tuần Giáo và Hà Nhì ở huyện Mường Nhé.

Ngoài nguồn kinh phí đầu tư từ tỉnh, Sở VH,TT&DL Điện Biên đã đề nghị các huyện, thị xã phải chủ động lựa chọn hỗ trợ các bản tiêu biểu, chủ động dành nguồn kinh phí hỗ trợ tập huấn, đào tạo nghề cho người dân các bản văn hóa.

Hướng tới khu vực biên giới...

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định: Việc bảo tồn bản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Điện Biên là hết sức cần thiết, ý nghĩa để giữ gìn bản sắc văn hóa riêng từng dân tộc.

Theo ông Lê Thành Đô, đã rất nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, Điện Biên luôn xác định: Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng, toàn diện  về chính trị, kinh tế. Bởi vậy, xuyên suốt trong Nghị quyết đại hội lần thứ XIII, XIV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đều đặt mục tiêu: Bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch.

Tiến tới là mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Thực hiện mục tiêu này, từ nay đến năm 2025, Điện Biên dự kiến sẽ bố trí trên 116 tỷ đồng để bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc. Trong đó, chú trọng địa bàn các dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới.

Ngoài nội dung bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, hỗ trợ bản văn hóa tiêu biểu, tỉnh Điện Biên còn giao cho ngành văn hóa, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố phải tiếp tục khảo sát, nghiên cứu lựa chọn bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc Cống, Si La.

Ưu tiên những dân tộc chưa có di sản văn hóa được bảo tồn, như: Tày, Nùng, Phù Lá, Sán Chỉ. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú...

Một nhân tố quan trọng quyết định thành công nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở Điện Biên, chính là nguồn nhân lực. Đó là nguồn nhân lực tại mỗi thôn, bản bởi không ai khác mà chính người dân là chủ thể xuyên suốt quá trình bảo tồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.