Cải lương minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ

GD&TĐ - Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa công diễn đến khán giả Thủ đô vở cải lương “Bên ánh sao Khuê” tại rạp Kim Mã, Hà Nội. Có lẽ, đây là vở cải lương đầu tiên trực tiếp lên tiếng minh oan cho bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ - thiếp yêu của quan Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi.

“Bên ánh sao Khuê” là vở cải lương đã thẳng thắn cất tiếng nói minh oan cho bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Ảnh: Bình Thanh.
“Bên ánh sao Khuê” là vở cải lương đã thẳng thắn cất tiếng nói minh oan cho bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Ảnh: Bình Thanh.

Mới từ góc nhìn

Hẳn rằng, khi nghe tên của vở diễn – “Bên ánh sao Khuê” (tác giả: Nguyễn Văn Thịnh, chuyển thể cải lương: NSƯT Ngọc Chi, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Mạnh Hùng, NSƯT Trọng Bình, Thùy Dung, Hoa Mai, Hồng Gấm...) – nhiều người đã có thể nghĩ ngay, đoán ngay vở cải lương này sẽ tiếp tục kể về Nguyễn Trãi – một bậc danh nhân văn hóa với tài năng và đức độ luôn gắn liền với hình ảnh “sao Khuê”.

Chính vì có thể nghĩ ngay, đoán ngay như thế nên có lẽ có người sẽ cho rằng, đấy có thể là một bài ca về tài năng thi phú của Ức Trai hay có thể là một bài ca về một vị quân sư tài giỏi, dốc lòng, dốc sức giúp vua Lê Lợi kháng Minh thắng lợi.

Đúng là, “Bên ánh sao Khuê” vẫn tiếp tục kể câu chuyện kể về án oan Lệ Chi viên nên đương nhiên vẫn sẽ có những Nguyễn Trãi - Thị Lộ - vua Lê Thái Tông - Thần phi Nguyễn Thị Anh... Thế nhưng, thay vì lấy Nguyễn Trãi làm nhân vật trung tâm, vở diễn lại có những góc nhìn đầy mới mẻ khi xoáy sâu vào nhân vật Nguyễn Thị Lộ.

Đấy là một Nguyễn Thị Lộ văn hay, chữ tốt, luôn vấn vít tình nghĩa mặn nồng bên Nguyễn Trãi cùng kỷ niệm thuở “trăng tròn lẻ”.

Bằng giọng ca ngọt và mùi của NSƯT Trọng Hùng trong vai Nguyễn Trãi và nghệ sĩ tài năng Thùy Dung trong vai Nguyễn Thị Lộ, khán giả luôn đắm say trong những lời tình tứ: “Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,/ Cớ chi ông hỏi hết hay còn?/ Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có, hỏi chi con!” khi Thị Lộ họa lại những câu thơ ghẹo của bậc tài văn chương Nguyễn Trãi: Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?/ Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?/ Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?/ Đã có chồng chưa, được mấy con?

Đấy là bà Lễ nghi học sĩ sắc nước hương trời, vì trọng trách dạy dỗ cung nhân nơi cung cấm về lễ nghi mà đành lòng sống xa chồng. Quãng thời gian ấy, bà đã gặp phải biết bao tai ương nhưng luôn giữ trọn lòng son.

Và, xót xa thay mà cũng cao thượng thay khi biết mình không thể mang đến cho chồng niềm vui làm cha, bà đã sẵn sàng cậy nhờ người tì thiếp thân cận - Phạm Thị Mẫn thay mình nâng khăn sửa túi cho chồng...

Mạnh dạn “lật lại”

Vở diễn được mở ra với sắc đỏ ối. Sắc màu ấy đem đến cho khán giả sự liên tưởng về màu máu của gia tộc Nguyễn Trãi khi phải gánh chịu nỗi oan chu di tam tộc từ vụ án Lệ Chi viên.

Và rồi, từ nỗi đau nhuộm sắc đỏ trong suốt hơn 550 năm của vụ án oan vẫn khiến người đời nay rơi lệ đã được đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai khéo léo “lật lại” trong “Bên ánh sao Khuê”.

Đạo diễn đã bám sát vào những cứ liệu lịch sử: Phải chứng kiến cảnh triều đình “nồi da xáo thịt”, khai quốc công thần Nguyễn Trãi đành cáo lão từ quan về Côn Sơn ở ẩn.

Trong hoàn cảnh đó, bà Nguyễn Thị Lộ cũng đành nén nỗi buồn thương xa chồng để ở lại nơi cung cấm làm tròn bổn phận của vị quan Lễ nghi học sĩ. Tiếp đó là cái chết bất thường của vua Lê Thái Thông ở Lệ Chi viên mà bà Nguyễn Thị Lộ là người theo hầu khi đó...

Đây là những cứ liệu lịch sử đã được nhiều vở diễn như “Yêu là thoát tội”, “Oan khuất một thời”, “Vằng vặc sao Khuê”... khai thác, song mới dừng ở góc độ bi thương, ai oán và vẫn bỏ ngỏ những câu hỏi về nỗi oan khuất thấu trời xanh từ mấy trăm năm.

Với “Bên ánh sao Khuê” thì dường như câu trả lời đã được tìm thấy trong từng lớp lang mà vở diễn tái hiện lại các cứ liệu lịch sử một cách có chủ đích.

Đạo diễn đã khai thác chuyện bà Nguyễn Thị Lộ nén lòng thương nhớ ở lại nơi cung cấm không chỉ để tiếp tục công việc của một vị quan Lễ nghi học sĩ mà còn để làm sáng tỏ tấm lòng trung trinh của bà với Nguyễn Trãi, với đất nước.

Trong cuộc gặp gỡ đêm trăng với vua Lê Thái Tông, bà đã không chỉ sẵn sàng lấy cái chết để bảo toàn tiết hạnh của mình mà còn tài trí trực tiếp thực hiện một sứ mạng cao cả: Kết nối mối tơ duyên giữa nàng Ngô Thị Ngọc Giao và vua Lê Thái Tông. Rồi sau đó, cũng chính bà đã khôn khéo cùng chồng chở che cho nàng Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao hạ sinh bậc thánh nhân cho dân tộc - vua Lê Thánh Tông...

Thêm nữa, đạo diễn còn dành hẳn một phân cảnh tái hiện bà Nguyễn Thị Lộ khi xa giá vua Lê Thái Tông hồi cung và dừng ở Lệ Chi viên. Câu chuyện mà bấy lâu sử sách vẫn để lại biết bao mối hồ nghi thì ở “Bên ánh sao Khuê” lại thật sáng tỏ.

Trước nhân cách của bà Lễ nghi học sĩ, vua Lê Thái Tông đã nhận ra những hồ đồ tuổi trẻ của mình để rồi cúi đầu tạ lỗi: “Đêm nay, có trời cao chứng giám, ta xin được tạ lỗi cùng bà Lễ nghi...”.

Có lẽ, đây là phân cảnh ngắn nhất của vở diễn nhưng lại đem đến cho khán giả biết bao cảm xúc trước mối oan hàng trăm của bà Nguyễn Thị Lộ lần đầu được minh oan từ “Bên ánh sao Khuê”.

“Tôi đã bất ngờ khi xem vở cải lương “Bên ánh sao Khuê”. Cũng vì ban đầu tôi nghĩ đây là dịp để tôi được xem lại câu chuyện đầy nước mắt của Nguyễn Trãi và người thiếp yêu - Nguyễn Thị Lộ trong vụ án Lệ Chi viên.

Thế nhưng không chỉ có thế mà “Bên ánh sao Khuê” còn đem đến cho khán giả hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, đặc biệt là phân cảnh tự vua Lê Thái Tông tạ lỗi với bà” – Bà Thúy Hải (Cầu Giấy) nói trong niềm cảm động.

““Bên ánh sao Khuê” là nén tâm nhang chúng tôi thành kính dâng lên anh linh hai cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Với góc nhìn của mình để lý giải về vụ án oan Lệ Chi viên của mấy trăm năm trước, chúng tôi rất vui khi chạm được đến trái tim khán giả cùng những niềm đồng cảm với người xưa...”.
                                                 Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ