Có thể thấy, bên cạnh những vở diễn có nhiều thử nghiệm về diễn xuất, đạo diễn… thì vẫn còn đó những vở diễn chưa tránh được cũ mòn.
Những thử nghiệm thú vị
Bốn Huy chương Vàng mà Ban tổ chức trao cho 4 vở diễn thì có đến 3 vở thuộc các đơn vị nghệ thuật Việt Nam là: “Thân phận nàng Kiều” (Nhà hát Múa rối Việt Nam), “Sự sống” (Nhà hát Kịch Việt Nam) và “Cậu Vanya”; chỉ có một vở diễn của nước ngoài - “Bpolar” (Đoàn Ayit - Israel). Kết quả này là xứng đáng khi cả 4 vở diễn đều có được những thử nghiệm thú vị.
Vở diễn “Thân phận nàng Kiều” (đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, tác giả: NSƯT Lê Chức, Nguyễn Hiếu) đã chinh phục Ban giám khảo cũng như khán giả với một cách xây dựng hình tượng nàng Kiều qua ngôn ngữ của loại hình múa rối cạn khá độc đáo, nhuần nhuyễn và đầy cảm xúc.
Thực ra, ở những suất diễn ra mắt ban đầu, vở diễn này đã gây xôn xao dư luận. Khán giả thì bày tỏ niềm thích thú khi lần đầu được thấy một nàng Kiều của múa rối cũng đầy nức nở trong cái nỗi đoạn trường “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…”.
Giới chuyên môn thì nể phục tài năng của đạo diễn khi chọn cách kể chuyện đầy thông minh về nàng Kiều - một nhân vật đã quá đỗi quen thuộc, được nhiều loại hình nghệ thuật như: Chèo, kịch nói, cải lương, hình thể khai thác…
Cùng với đó, người đạo diễn này khéo léo đưa những lý giải, quan niệm rất thời sự mà hợp lý vào mỗi tình huống vở diễn. Vì thế, khán giả đã không bị… xem lại những gì đã quá quen mà được đắm chìm trong những khám phá mới lạ, với một nàng Kiều, gã bán tơ, Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Thúc Sinh, Từ Hải… của nghệ thuật rối cạn chẳng hề giống ai.
Với những thử nghiệm đầy sáng tạo đó, vở rối cạn này đã không chỉ xuất sắc giành Huy chương Vàng vở diễn, mà còn giành hai Huy chương Vàng diễn xuất cùng giải Đạo diễn xuất sắc và Họa sĩ tạo hình xuất sắc.
Xem vở diễn “Sự sống” của Nhà hát Kịch Việt Nam tại liên hoan, mỗi khán giả không khỏi ngậm ngùi nhớ cố đạo diễn, NSND Anh Tú. Đây là vở diễn cuối cùng NSND Anh Tú thực hiện mà không kịp đón đứa con tinh thần của mình…
Ở “Sự sống”, đạo diễn, NSND Anh Tú và đạo diễn Hiroyuky Muneshige - người Nhật Bản đã có sự kết hợp đầy ăn ý bằng một lối kể chuyện rất khác lạ: Một vai diễn không đóng đinh vào một diễn viên mà thuộc về tất cả các diễn viên trên sân khấu. Cứ thế, các nghệ sĩ truyền vai cho nhau một cách tự nhiên, ngọt ngào.
Chính vì thế, từ một câu đơn giản, không nút thắt, chỉ có 3 nhân vật cùng một sân khấu tối giản, thế nhưng “Sự sống” vẫn đủ sức lôi cuốn người xem, thậm chí còn chạm đến trái tim khán giả những xúc động rưng rưng…
Mới Tây nhưng cũ ta
Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 dù đã kéo khán giả đến rạp khá đông trong tất cả các suất diễn bằng những vở diễn có những thử nghiệm độc đáo nhưng cũng có những vở diễn khiến khán giả ngáp ngắn, ngáp dài vì sự cũ mòn, buồn tẻ.
Chẳng hạn, ở buổi biểu diễn vở chèo “Câu Kiều ru một đời người” (tác giả: NSƯT Bùi Vũ Minh, đạo diễn: NSND Lê Hùng) của Nhà hát Chèo Quân đội, khán giả đã “ngủ gật” trước cách kể chuyện ê a, cũ kỹ, đơn điệu cùng việc lồng ghép thân phận nàng Kiều… xưa với thân phận người phụ nữ hôm nay khá…“sượng”.
Thêm nữa, cách tạo hình cây đàn trên sân khấu không chỉ thô, cứng mà còn kém duyên…
Hay như khán giả đã không khỏi thất vọng khi xem bản dựng mới của kịch bản “Dưới cát là nước” của tác giả Nguyễn Quang Vinh của Nhà hát Thế giới trẻ - Trường Đại học Sân khấu TPHCM vừa không có gì mới mẻ vừa thiếu logic đến nực cười. Với những vở như “Mơ rồng”, “Ngàn năm mây trắng”, “Nhật thực”… những tưởng có thử nghiệm song thực ra không hẳn vậy.
Bởi lẽ, cách sử dụng tối đa kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hay kết hợp giữa rối cạn và rối nước trong “Mơ rồng”; cách ứng diễn - một người cùng lúc diễn ba, bốn vai trong “Nhật thực”; cách phối trộn các loại hình nghệ thuật: Cải lương, chèo trong “Ngàn năm mây trắng”… không gây được ấn tượng vì quá khiên cưỡng hoặc lạm dụng, thậm chí cách diễn ứng biến thì các cụ ngày trước diễn rất nhuần nhuyễn rồi.
Có một điều thú vị là trong khi các vở diễn đó bị các nhà nghiên cứu lý luận phê bình chê cũ thì các nghệ sĩ nước ngoài lại tỏ ra thích thú. Điển hình như vở cải lương “Nhật thực”, trong khi PGS.TS Phạm Duy Khuê kêu rằng, cách diễn còn thiếu logic, một màu thì nghệ sĩ đến từ Hy Lạp chia sẻ, bà rất thích những câu hát cũng như cách diễn viên hóa thân thành nhân vật ngay trên sân khấu...