“Bước qua 10 thập kỷ” cùng họa sĩ Linh Chi

GD&TĐ - Triển lãm của cố họa sĩ Linh Chi với hàng trăm tác phẩm độc đáo, được gia đình và các nhà sưu tầm tổ chức trưng bày nhân 100 năm ngày sinh của ông.

Cố họa sĩ Linh Chi (Nguyễn Tài Lương).
Cố họa sĩ Linh Chi (Nguyễn Tài Lương).

Họa sĩ Linh Chi tên thật là Nguyễn Tài Lương, sinh năm 1921 tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Năm 23 tuổi, ông đã có triển lãm đầu tay gồm 43 bức tranh sơn dầu và bột màu tại Nhà Thông tin Tràng Tiền (Hà Nội). Sau này, công chúng còn được biết đến Linh Chi qua một số triển lãm tranh sơn dầu, lụa, bột màu... 

Gần 100 họa phẩm tiêu biểu của cố họa sĩ Linh Chi được trưng bày.
Gần 100 họa phẩm tiêu biểu của cố họa sĩ Linh Chi được trưng bày.

Thế hệ họa sĩ kháng chiến

“Bước qua 10 thập kỷ” được ra mắt công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang thu hút công chúng yêu nghệ thuật thưởng thức những họa phẩm rất giá trị.

Không chỉ vậy, nhiều người còn muốn tường tận những nét vẽ của một hoạ sĩ đã “đóng đinh” tên tuổi vào nền mỹ thuật từ những năm 50 của thế kỷ trước.

Bà Nguyễn Thị Đan Phượng, con gái của cố họa sĩ Linh Chi cho biết, những bức tranh được lựa chọn lần này đều là những tác phẩm tiêu biểu trong các giai đoạn sáng tác của ông. Từ những bức phác thảo và ký họa thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đến những tác phẩm họa sĩ vẽ xuyên suốt từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến cuối đời.

Năm 1938, chàng thiếu niên Nguyễn Tài Lương ra Hà Nội học. Năm 1942 đậu bằng Diplôme và tiếp tục học Tú tài ở Trường Thăng Long. Do đam mê hội họa, Linh Chi có mơ ước thi vào Trường Ecole des Beaux Arts de l’Indochine. Tuy nhiên, lúc này Nhật đã vào Đông Dương, các trường do người Pháp quản lý tạm thời đóng cửa.

Với vốn kiến thức về hội họa được tích lũy qua bài giảng của các thầy, họa sĩ Linh Chi tiếp tục vác giá vẽ đi điền dã tại nhiều vùng quê và miền núi thuộc các tỉnh Hòa bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang…

Ông thuộc lớp họa sĩ thế hệ thứ hai trưởng thành trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, tốt nghiệp khóa họa sĩ kháng chiến Trường Mỹ thuật Việt Nam và là học trò của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, Linh Chi vẽ nhiều đề tài như phụ nữ và áo dài, sơn nữ, phong cảnh nông thôn, miền núi trên các chất liệu sở trường lụa, bột màu và khắc gỗ. Trong đó lụa là chất liệu ông vẽ nhiều nhất và để lại dấu ấn riêng.

Họa sĩ Linh Chi vẽ rất nhiều bức tranh sơn nữ cũng như đề tài về miền núi, đặc biệt là dân tộc Thái, Mường và Dao đỏ với những phục trang đặc trưng của họ. Qua tranh là tư duy “miêu tả cuộc sống thuần khiết” với cái tươi mới và tự nhiên trong cách cảm thụ cuộc sống vùng núi.

Dù nhiều họa phẩm ra đời trong thời kỳ kháng chiến gian khổ ác liệt, nhưng xem tranh của Linh Chi lại có cảm nhận rất khác. Sự bình yên, lạc quan trong một đời sống rất đỗi bình dị, thân thương qua những hình ảnh người bà, người mẹ và em nhỏ.

Tác phẩm “Cô Mai” của Linh Chi - Bột mầu, 27x52 cm, vẽ năm 1958.

Tác phẩm “Cô Mai” của Linh Chi - Bột mầu, 27x52 cm, vẽ năm 1958.
 

Độc đáo tranh lụa Linh Chi

“Linh Chi đặt cái tình của mình, tấm lòng của mình vào nét, buồn vui, yêu thương, nhớ nhung, đều lộ ra ở nét. Nét thanh nét đậm, nét buông nét thoáng, nét chạy ra khỏi mảng làm cho hình động hơn, đôi khi nhấn nhá bằng những nét thô chắc khỏe. Tất cả các nét đều là đi một nét kiểu thư pháp Á đông”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương nhận định.

Một điểm nữa không thể không nói đến trong tranh lụa của Linh Chi, đó là cách nhấn nhá, chấm phá điểm thêm phấn màu vào lụa. Hòa âm phấn mầu và lụa, cũng là trò chuyện của hai người bạn - thủ thỉ nhỏ nhẹ nhưng đủ hiểu nhau. Phối ghép được chất ướt của lụa với khô của phấn vốn chẳng dễ gì nhưng ông đã cân bằng và hài hòa để tạo ra được rung động thẩm mỹ nơi người xem.

Tranh phong cảnh của Linh Chi là một thiên nhiên hoàn toàn khác về bố cục và màu sắc, có giá trị biểu cảm trong tính muôn vẻ. Người ta yêu tranh của ông không chỉ vì cảnh trí nên thơ mà bởi sự hòa hợp dáng hình và màu sắc. Đặc biệt, trong tranh chân dung, sự thống nhất cảm xúc và cách chọn lọc đối tượng mẫu bao giờ cũng trong trẻo, lạc quan, khẳng định sự sống.

Hoạ sĩ Linh Chi đặc biệt thích đề tài thiếu nữ với áo dài. Xem tranh của ông sẽ thấy lại được không khí Hà Nội một thời, mộc mạc, giản dị, an lành, duy mỹ và thiện tâm. Thời chiến tranh nghèo khó nhưng vẫn toát lên sự thanh bình, an bình, hào hoa sang trọng.

Người bạn thân của cố nghệ sĩ, hoạ sĩ Mai Long nói rằng, giá trị nhân văn trong tranh Linh Chi chính là sự kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa thái độ ứng xử trước hiện thực và lý tưởng nghệ thuật. Ông nhìn thấy cái mà ông muốn và theo cách mà ông thích nên tranh có phong cách riêng. Tranh của ông luôn gần gũi nhất với con người, những gì con người nhìn thấy và có thể cảm thụ được. Hơn nữa, sức sáng tạo của Linh Chi rất bền bỉ, vẽ như là hơi thở.

Các nhà sưu tầm thực hiện tổ chức triển lãm “Bước qua 10 thập kỷ” nói rằng, nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng của họa sĩ Linh Chi đang được trưng bày tại các bảo tàng trong và ngoài nước. Trong đó có Bảo tàng các dân tộc Phương Đông ở Moscow (Nga), Bảo tàng châu Á và Thái Bình Dương ở Ba Lan, và có mặt trong nhiều sưu tập cá nhân ở Pháp, Ý, Hà Lan, Thụy sĩ, Thụy Điển, Tiệp Khắc, Mỹ, Nhật Bản…

“Lụa chỉ là một chất liệu để Linh Chi vẽ, bày cảm xúc. Ông không quá nương vào cái loang nhòe của lụa mà bất kể họa sĩ nào vẽ lụa cũng khai thác. Ông vẫn diễn khối bằng đậm nhạt nhưng chỉ gợi chứ không vờn tỉa. Cho nên tranh lụa của ông có nhiều mảng phẳng. Đặc biệt là nét, Linh Chi tạo hình chỉ là một nửa, phần còn lại chính là biểu cảm. Ông đặt hết cái tìnhcủa mìnhnên buồn vui, yêu thương, nhớ nhung đều lộ ra ở nét” - Họa sĩ Lê Thiết Cương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.