“Bóng mài” và những phận người trong đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Một triển lãm khá lặng lẽ của họa sĩ Trần Lâm Bình mang tên “Bóng mài”, lột tả thế giới qua những chân dung đầy trầm tư và ám ảnh trước dịch bệnh Covid-19.

Họa sĩ Trần Lâm Bình – giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Huế.
Họa sĩ Trần Lâm Bình – giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Huế.

Sáng tạo trong thời gian dịch bệnh hoành hành, triển lãm trong lúc Covid-19 đang bùng phát ở nhiều địa phương. Bởi vậy, “Bóng mài” của Trần Lâm Bình không có lễ khai mạc, tất cả lặng lẽ như chính những bức họa anh vẽ.

Suy tư trước đại dịch

Với 25 bức sơn mài khổ lớn, có những tác phẩm dài tới 11m chiếm trọn cả một bức tường phòng triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trần Lâm Bình đem đến một “Bóng mài” đúng nghĩa, cả về chất liệu lẫn những ám ảnh mà đại dịch Covid-19 đem lại.

Loạt tranh với nhiều chủ đề, từ những chân dung đầy thân phận qua bút pháp hiện thực, cho tới chân dung tự họa qua lối vẽ trừu tượng, và đặc biệt là những ám ảnh về một thế giới đang oằn mình với dịch Covid-19.

Trong bức “Tình thời Covid” là những cuộn giấy vệ sinh giăng mắc, những nụ hôn qua chiếc khẩu trang, những khuôn mặt ưu tư của các lãnh đạo như Donald Trump, hay Tập Cận Bình. Những con người kín mít khẩu trang, lặng lẽ với một khoảng cách an toàn mang tính sinh học làm cho thế giới càng trầm tư hơn.

Trong nghịch cảnh, người ta vẫn hôn nhau qua lớp khẩu trang, cố gắng cảm nhận tình yêu thương. Nhưng đâu đó trong bức sơn mài, người xem có cảm giác bị đè nặng bởi những con virus đang phá huỷ thế giới, giết chết tình yêu, ngăn cản đoàn tụ và làm cho chúng ta xa nhau hơn.

Thế nhưng, giữa dịch bệnh không làm tất cả phải ái ngại, che đậy đi những ngượng ngùng, suy tư. “Những cô gái múa” theo trường phái lập thể mà Trần Lâm Bình thể hiện, biểu trưng nét đẹp của người phụ nữ - cái đẹp cả thân hình và tâm hồn phụ nữ. Tất cả bay lên (hay lộn ngược), như ánh sáng hy vọng cho thế giới trước nghịch cảnh đang phải đối mặt.

Điều đặc biệt, Trần Lâm Bình đưa lối tạo hình PopArt vốn là phong cách anh theo đuổi bấy lâu vào sơn mài, khiến những tác phẩm trong triển lãm “Bóng mài” hiện ra lạ lẫm, gồ ghề, gai góc, giăng mắc.

Ngắm 25 bức sơn mài của Trần Lâm Bình, người xem dễ rơi vào tình trạng vô thức. Họ thấy những thứ hữu hình và đa sắc màu bị nén lại, phát ra ánh sáng lung linh. Ở đó, màu sắc bỗng sần sùi như những khúc rình rập trong các bản hợp âm.

Mỗi phận người xù xì như rễ cây, rơm rạ mà chẳng ai được mịn màng như “làn da” bóng bẩy của trái cây ngọt lành.

“Bóng mài” còn những con số, con chữ trong tranh – là câu chuyện lịch sử của nhân loại trong bệnh dịch. Kết hợp kỹ thuật sơn mài truyền thống với các nguyên liệu chì, thiếc, trứng, vàng, bạc, Trần Lâm Bình còn đưa các chất liệu mới đầy sáng tạo vào trong 25 tác phẩm của mình.

25 bức sơn mài thể hiện các góc cạnh khác nhau về đại dịch Covid-19.

 25 bức sơn mài thể hiện các góc cạnh khác nhau về đại dịch Covid-19.

“Chia lửa” yêu thương

Họa sĩ Trần Lâm Bình sinh năm 1982, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế. Năm 2019, Trần Lâm Bình là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất tham gia triển lãm Florence Biennale tại Ý cùng hơn 700 nghệ sĩ quốc tế, nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh danh họa Leonardo da Vinci.

Trần Lâm Bình từng gây chú ý với triển lãm cá nhân mang tên “Đóng” tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội năm 2010. Trong triển lãm này, họa sĩ trẻ đến từ cố đô Huế đã dùng những cánh cửa, vật dụng cũ làm chất liệu chính cho các tác phẩm sắp đặt.

Trong mười khuôn cửa đóng, nơi mỗi cánh cửa gợi lại một câu chuyện vui buồn, tác giả không chỉ kể lại chuyện cũ mà còn lồng ghép những câu chuyện của hôm nay và cả những bức xúc về giao thông, tệ nạn xã hội...

Trần Lâm Bình còn là họa sĩ nổi tiếng khi dành suốt 5 năm để sáng tạo 500 chân dung Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đặc biệt, trong bộ 44 chân dung các đời Tổng thống Mỹ được họa sĩ chọn vẽ theo phong cách PopArt - nghệ thuật đại chúng - một phong cách nghệ thuật ra đời từ thời đại công nghiệp những năm 1950 và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong xã hội Mỹ.

Đáng chú ý, trong bộ tranh này, tất cả các Tổng thống Mỹ đều được họa sĩ cho mặc áo dài truyền thống của Việt Nam và trên tay đều cầm một cuốn sách và bông hồng.

Trần Lâm Bình giải thích việc để các Tổng thống Mỹ mặc áo dài bởi anh muốn “sự giao thoa văn hóa Việt - Mỹ”. Bông hồng tượng trưng cho tình yêu, hòa bình, hạnh phúc, thịnh vượng. Cuốn sách Kinh thánh, với ý nghĩa rằng con người dù sống trong xã hội phát triển tới đâu thì vẫn cần phải có niềm tin.

Một người bạn của Trần Lâm Bình nói với anh: “Thèm tiền có thể dễ dàng cướp đi khát khao sáng tạo nghệ thuật của một người”. Trần Lâm Bình không phải không thèm tiền, nhưng anh biết dùng tiền vào đúng mục đích.

Anh từng thực hiện dự án “99 và 99+”, vẽ 99 bức chân dung cho người Việt Nam. Các tác phẩm sau khi hoàn thành được tập hợp triển lãm và sau đó gửi tặng lại cho nhân vật.

Với dự án 99+, Trần Lâm Bình vẽ một tác phẩm khổ lớn dài 29m, cao 3m. Anh “trộn” chân dung người Việt với người nước ngoài, thể hiện sự kết nối, hòa hợp và yêu thương. Với tác phẩm này, Trần Lâm Bình bán đấu giá làm từ thiện hỗ trợ trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam.

Trần Lâm Bình muốn dùng khát khao nghệ thuật để thực hiện “chia lửa” yêu thương. Nhiều bức tranh của anh được bán đấu giá để hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật và trẻ bị viêm não.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ