Bí ẩn cột rồng đá khổng lồ trên núi Dạm

GD&TĐ -Trong gần 5 thập kỷ, nhiều nhà khoa học đã đau đầu giải mã ý nghĩa cột rồng đá trên núi chùa Dạm (Bắc Ninh). Nhưng cho đến nay sự tồn tại của cột rồng đá vẫn là một bí ẩn, dù đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Nền chùa Dạm trong thời gian khai quật đã phát hiện nhiều di vật thời Lý.
Nền chùa Dạm trong thời gian khai quật đã phát hiện nhiều di vật thời Lý.

Từng có một thời gian, nhiều nhà nghiên cứu phong thuỷ ở nước ta đưa ra giả thuyết về cột rồng đá nặng trên 50 tấn trên núi chùa Dạm là vật trấn yểm của Cao Biền.

Giả thuyết khác lại cho đó là vật thiêng của văn hoá Champa. Càng đi sâu lý giải, thì đồn đoán càng được mở rộng với những lý giải càng phong phú.

Tín ngưỡng phồn thực

Chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm, còn gọi là núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, nay thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh.

Chùa Dạm được biết đến như một đại danh lam thời Lý, một ngôi chùa có 99 gian bề thế với tổng diện tích khoảng 8.400m2. Tuy nhiên, khi thực dân Pháp đô hộ nước ta thì ngôi thiền tự này bị đốt sạch. Thậm chí, lính Pháp còn đánh phá cả phần mái che của cột đá nhưng không dám phá cột đá ấy đi.

Câu chuyện cứ thế chìm vào quên lãng. Chùa Dạm sau bao nhiêu năm cũng trở thành phế tích sau lớp đất đá. Mãi đến những năm 1977, cột rồng đá chùa Dạm mới được tiếp tục nghiên cứu.

Một trong những giả thuyết cho rằng, đây là cột đá trấn yểm của Cao Biền. Người dân địa phương tin rằng, vùng đất Nam Sơn quanh núi Dạm vốn là đất phát vương, lại có địa thế đẹp tựa rồng cuộn hổ ngồi. Cao Biền vì sợ nước Nam sẽ sinh nhân kiệt nên sai người dùng cột đá ấy trấn yểm triệt tiêu huyệt khí.

Tuy nhiên, số đông các nhà khoa học bác bỏ giả thuyết ấy và cho rằng, cột đá là một công trình kiến trúc chứ không liên quan đến thuyết trấn yểm.

PGS Chu Quang Trứ, trong chuyên luận “Sáng giá chùa xưa” vào những năm 1980 đã viết: “Cột biểu vươn cao giữa các khu đất tròn bè đã gợi hình cặp Linga - Yoni với triết lý âm - dương theo tín ngưỡng phồn thực, được hòa vào tư tưởng Phật giáo.

Đằng sau cột biểu, cuối cấp nền này có một giếng nước dân địa phương kể vào ngày hội mồng Tám tháng Chín, bóng cột dài dần và xoay đến giờ thiêng sẽ chạm vào miệng giếng, truyền sinh lực vũ trụ cho cuộc sống vĩnh hằng mà mọi người luôn mong đợi”.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù đã được Phật hóa nhưng cột đá vẫn còn lưu lại các tư tưởng cổ truyền. Ở nhiều nơi vẫn nhận đó là hình “lanh – ga” và kèm theo đó là quan niệm vũ trụ - trời tròn đất vuông.

Trụ đỡ chùa một cột

Bí ẩn cột rồng đá khổng lồ trên núi Dạm ảnh 1

PGS Trần Lâm Biền cũng cho rằng, “hiện tượng Phật hóa linga” với các kiểu “Bụt đực, Bụt cái” trong ngôi chùa của người Mường. Cũng như các “linga hoàng gia tượng trưng cho uy quyền tuyệt đối của vua” tại Campuchia là những cứ liệu bổ sung quan trọng để suy cho cùng, cột chùa Dạm là một hình ảnh của linga. Đó là một hiện vật cụ thể của sự trở về cội nguồn Đông Nam Á. Minh chứng về ý thức giải Hoa dưới triều Lý.

Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường cũng coi đây là một linga, hơn nữa linga này còn chạm nổi hình rồng (một biểu tượng cho nhà vua), là một thứ mukhalinga. Nếu như mukhalinga của các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ (như Champa, Phù Nam…) thường chạm chân dung nhà vua và các anh hùng thì việc chạm khắc hình rồng - biểu tượng quân vương của Nho giáo nên linga chùa Dạm là biểu hiện cho sự giao thoa văn hóa Việt - Hán.

Nhà nghiên cứu nhấn mạnh, cái mukhalinga này phải quan trọng đến mức nào thì Thái hậu Ỷ Lan mới cho dựng ở chùa Đại Lãm và sau đó vua Lý Nhân Tông đến thăm chùa, mở đại yến và cho xây dựng các tháp Phật.

Giả thuyết này nhanh chóng bị bác bỏ vì các lỗ vuông có trên cột rồng đá lại nảy sinh ra một giả thuyết khác. TS Lê Đình Phụng, Viện khảo cổ cho rằng: “Cột đá gần giống với trụ đỡ của một kiến trúc nào đó mà chúng ta có thể liên hệ với chùa Một Cột. Bởi vua Lý Thánh Tông đã xây chùa Một Cột sau giấc mơ hoa sen, và người con của ông là vua Lý Nhân Tông cũng có thể dựng một ngôi chùa theo phiên bản trên núi Dạm”.

Giả thuyết có vẻ hợp lý nhưng câu hỏi đặt ra là “ngôi chùa phiên bản” ấy đâu? Một cột đá không thể chứng minh là cột trụ của ngôi chùa mà vua Lý Nhân Tông muốn xây dựng.

Đào kênh kéo đá lên núi

Toàn cảnh cột đá Cao Biền.
Toàn cảnh cột đá Cao Biền.

Ông Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh bày tỏ, rất nhiều giả thuyết khác nhau nhằm chứng minh về cột đá nhưng không thoả đáng. Vậy, cứ tạm thời dẹp sang một bên câu hỏi việc cột đá là gì mà hãy chú ý tới việc cột đá do ai làm và làm thế nào để có thể đưa lên đỉnh núi Dạm?

Theo quan sát cũng như ước lượng của các nhà nghiên cứu, thì cột rồng đá ngự trên núi Dạm nặng trên 50 tấn. Khối hộp vuông phía dưới cột có tiết diện 1,4m và 1,6m. Phần tròn phía trên thu nhỏ hơn một chút và có đường kính gần 1,3m.

Điểm gây chú ý nhất là phần tròn và cũng là của toàn bộ cột đá này chính là tác phẩm điêu khắc rồng đá theo phong cách thời Lý. Thời Trần, Lê sau này điêu khắc rồng mang tính cách điệu cao hơn nhưng thời Lý hình rồng rất chi tiết, tỉ mỉ.

Đôi rồng với vuốt 5 móng sắc nhọn, bờm thành búi, thân giống rắn quấn chặt cột đá, đuôi ngoắc vào nhau, miệng ngậm ngọc, đầu vươn cao tạo thành cặp lưỡng long chầu nguyệt.

Bia Hậu Lê ghi lại lịch sử chùa Dạm.
Bia Hậu Lê ghi lại lịch sử chùa Dạm.

Phía trên cột đá có tổng 6 lỗ hình chữ nhật và một số lỗ nhỏ không xác định. Chính những lỗ hình chữ nhật này đã khiến các nhà khoa học tin rằng, đó là các dầm chịu lực để xây dựng chùa một cột.

Ông Nga đặt câu hỏi, hàng ngàn năm trước với công cụ thô sơ thì làm cách nào để người ta đưa cột đá nặng 50 tấn lên tới đỉnh núi Dạm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo là người Bắc Ninh, có nhiều năm nghiên cứu về cột rồng đá cho rằng: “Chỉ cần xem hoa văn hoạ tiết thì cũng đủ biết cột đá này không phải do thợ miền Bắc làm. Điều chắc chắn mà tôi dám khẳng định là cột đá này do các tù nhân người Chiêm Thành làm ra”.

Theo ông Bảo, loại đá làm cột này không có trong vùng Bắc Ninh, mà phổ biến ở vùng Hải Dương và Quảng Ninh. Người xưa đã vận chuyển cột đá theo đường sông Hồng, rồi đào ngòi Con Tên đến tận chân núi để kéo khối đá lên. Sau đó, họ mở một con đường dẫn lên núi mà độ dốc ở mức tối thiểu.

Những khúc gỗ làm dầm chịu lực phải là loại gỗ lim hoặc cứng tương đương. Số người thực hiện vận chuyển khối đá này phải lên đến cả nghìn người cùng voi kéo.

Kè đá hàng nghìn năm bên sườn núi chùa Dạm.
Kè đá hàng nghìn năm bên sườn núi chùa Dạm.

Cho đến nay, cột rồng đá khổng lồ trên núi Dạm dù chưa đi đến kết luận cuối cùng nhưng đã được nhà nước công nhận là bảo vật Quốc gia. Trải qua bao mưa nắng thăng trầm và cả những cuộc chiến tàn khốc, những hoa văn tinh xảo của cột đá vẫn nguyên vẹn xứng đáng là một kỳ quan vùng Kinh Bắc xưa.

Không chỉ Phật tử đến chùa Dạm lễ Phật, mà rất nhiều nhà nghiên cứu cũng như du khách gần xa tìm về để tận mắt thấy cột rồng đá khổng lồ uy nghi này. Bỏ qua tất cả các giả thuyết chưa có đáp án rõ ràng, người dân tin rằng cột đá là biểu tượng kiến trúc và quyền lực của nhà Lý – quê hương của vị vua khai sáng triều đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ