40 năm thi phẩm “Dấu chân phía trước”: Vang mãi bài ca về Bác

GD&TĐ - Đã 40 năm trôi qua, thi phẩm và bài hát cùng tên “Dấu chân phía trước” đi vào lòng công chúng, trở thành một trong những tác phẩm viết về Bác Hồ hay nhất.

Nhà thơ Hồ Thi Ca (phải) và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong một chuyến công tác quay phim về bài hát “Dấu chân phía trước”.
Nhà thơ Hồ Thi Ca (phải) và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong một chuyến công tác quay phim về bài hát “Dấu chân phía trước”.

Đặc biệt là dịp kỷ niệm ngày Bác rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911), những lời ca trầm hùng của bài hát lại vang lên trên mọi ngả đường Tổ quốc.

Tâm trạng của thế hệ chưa một lần gặp Bác

Nói về hoàn cảnh sáng tác, nhà thơ Hồ Thi Ca cho biết bài thơ “Dấu chân phía trước” được ông viết vào tháng 5/1981 nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi từ cảng Nhà Rồng.

“Trong bài thơ, tôi cố gắng ghi lại tâm trạng thực của mình, là người thuộc thế hệ “chưa một lần gặp Bác”. Vì tôi sinh 1958 mà sự kiện “ra đi tìm đường cứu nước” của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành xảy ra từ năm 1911 – tức 47 năm trước khi tôi ra đời - nên tôi đã viết: Khi tôi còn là hạt bụi/ Người đã lên tàu đi xa… Chỉ vài ngày sau khi tôi sáng tác thì bài thơ “Dấu chân phía trước” được đăng trên báo Văn Nghệ TPHCM.

Một khoảng thời gian ngắn sau đó tôi tình cờ được nghe bản hợp xướng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc bài thơ này và cũng giữ tựa đề “Dấu chân phía trước”. Nhạc sĩ đã chọn câu thơ “Khi tôi còn là hạt bụi/ Người đã lên tàu đi xa” để mở đầu bài hát một cách ấn tượng”, nhà thơ Hồ Thi Ca chia sẻ.

Theo nhà thơ Hồ Thi Ca, năm 1981 là lúc ông vừa tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Đó là những năm tháng thật nhiều khó khăn. Trong những ngày tháng chờ phân công công tác ông đã nghĩ về năm 1911 “anh Văn Ba” đã đến Sài Gòn và dấu chân Người đã in những bước lịch sử trên Bến Nhà Rồng và Người bước lên tàu đi xa khi mới 21 tuổi.

Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn chỉ có niềm tin mới giúp con người đứng vững. Và niềm tin ấy tác giả “Dấu chân phía trước” tìm đã thấy ở người trai trẻ 21 tuổi trên Bến Nhà Rồng.

“Viết về Hồ Chí Minh vô cùng khó, vì rất nhiều thơ nhạc đã viết về Người. Tôi nghĩ mình phải viết rất thật tâm trạng của mình, cũng là tâm trạng của thế hệ chưa từng một lần được gặp Bác và điều mà tôi “thấy” rõ nhất là dấu chân trăn trở của Người:

“Dấu chân của dáng đứng lâu

Nặng hai vai là Tổ quốc

Chắc Người rưng rưng nước mắt

Trái tim căm giận bừng bừng”

Bài thơ “Dấu chân phía trước” lần lượt hình thành một cách tự nhiên, không cố gắng tư duy, không dụng từ dụng ngôn, tôi muốn tất cả từ ngữ nói về Người đều thật giản dị, dễ hiểu ngay cả ở những câu thơ nói về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người: Bác đã làm người đi trước/ Khai rừng phá núi tay không…”, nhà thơ Hồ Thi Ca bồi hồi nhớ lại.

Mối duyên thơ  -  nhạc từ chủ đề Bác Hồ

Một điều khá thú vị, năm 1981, khi bài thơ ra đời và được phổ nhạc thì nhà thơ Hồ Thi Ca và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chưa hề quen biết nhau. Sau khi nhạc phẩm “Dấu chân phía trước” ra đời thì giữa hai người trở nên gắn kết, thân thiết.

Năm 1981, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn bắt gặp bài thơ “Dấu chân phía trước” của nhà thơ Hồ Thi Ca và ông đã chọn những ý tâm đắc để phổ thành bài hát cùng tên.

Nói về cảm giác khi lần đầu nghe bài hát phổ nhạc từ thơ mình, nhà thơ Hồ Thi Ca cho biết thời điểm NS Phạm Minh Tuấn phổ nhạc cho ca khúc “Dấu chân phía trước” thì giữa ông và nhạc sĩ chưa hề biết nhau.

So với bài thơ “Dấu chân phía trước”, có 2 khổ thơ được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sử dụng nguyên vẹn khi đưa vào nhạc phẩm là: “Dấu chân không nhẹ như mây/Dấu chân không êm không ấm/Dấu chân không là dấu nắng/Mười ngón trăn trở bấm sâu;… Dấu chân của dáng đứng lâu/Nặng hai vai là Tổ quốc/Chắc Người rưng rưng nước mắt/Trái tim căm giận bừng bừng”.

Trong một chương trình trước đây trên Đài Truyền hình TPHCM (HTV), MC Anh Thư  nói về bài thơ “Dấu chân phía trước” trong một cuộc phỏng vấn nhà thơ Hồ Thi Ca và NS Phạm Minh Tuấn, như sau: “Có thể khẳng định bài thơ đã rất thành công bởi ba lẽ: Đây là một tác phẩm văn học hay về đề tài Bác Hồ; Xây dựng được một hình tượng nghệ thuật, một cụm từ văn học “Dấu chân phía trước”; Được phổ nhạc thành một ca khúc tuyệt vời…”.

Về sự hợp tác thơ - nhạc hiếm có này, nhà thơ Hồ Thi Ca thông tin thêm: “Anh Phạm Minh Tuấn luôn chăm chút cho tác phẩm của mình. Khoảng năm 1982, khi tôi công tác tại Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, tôi được nhạc sĩ Tăng Minh Thành (lúc đó là biên tập viên âm nhạc, của đài - nay đã qua đời) cho biết ông vừa thu thanh một ca khúc mới của Phạm Minh Tuấn phổ thơ tôi.

Đó cũng là lần đầu tôi được nghe “Dấu chân phía trước”, qua giọng ca Tuấn Phong. Sau khi ca khúc này được UBND TPHCM trao Giải đặc biệt trong một cuộc thi vào năm 1985, anh Phạm Minh Tuấn gặp tôi đề nghị cùng bỏ hết tiền giải thưởng dàn dựng, phối âm phối khí lại cho bài hát.

Thời gian sau, tôi được nghe một “Dấu chân phía trước” mới toanh dưới hình thức hợp xướng thật hùng vĩ mà Cao Minh là giọng lĩnh xướng… Từ đó, “Dấu chân phía trước” tìm được chỗ đứng trong tim người nghe”.

“Thú thật, cho đến thời điểm phổ nhạc bài thơ “Dấu chân phía trước”, tôi và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chưa hề quen biết nhau. 40 năm qua nhờ sự kết nối của bài hát chúng tôi trở nên thân thiết, có nhiều chuyến đi cùng nhau để quay phim, phỏng vấn về tác phẩm chung này. Tôi rất cảm ơn anh - người nhạc sĩ đã chắp thêm đôi cánh âm nhạc cho lời thơ của tôi bay cao bay xa…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.