Đọc tiểu thuyết “Tơ vò” – Thêm tin yêu cuộc đời

GD&TĐ - Đó là cảm nhận sau khi gấp lại trang cuối cùng cuốn tiểu thuyết 11 chương và 341 trang của nhà báo Vũ Xuân Bân , tôi cũng thích bút danh Xuân Vũ của anh để định danh trong dòng chảy văn xuôi tiểu thuyết như muốn nhắn gửi thông điệp : “Ngay cả mùa Xuân vẫn có thể có bão đấy!”

 Đọc tiểu thuyết “Tơ vò” – Thêm tin yêu cuộc đời

Đọc Tơ Vò tôi chợt nghĩ nhà báo Vũ Xuân Bân đã phá vỡ một định kiến lâu nay cho rằng làm báo nhiều sẽ khó viết văn hay, mà ngược lại chính nhờ làm báo đã cho người viết văn có những trải nghiệm nhìn ra cái gì là bản chất của sự vật hiện tượng. Để qua đó xây dựng những nhân vật điển hình thành hình tượng điển hình trong những hoàn cảnh điển hình của một giai đoạn thời hiện đại. Đây là một đặc trưng của tiểu thuyết thế sự như Tơ Vò khi nhập thế vào việc đại sự xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Tôi không hoàn toàn đồng ý với anh Trần Mạnh Thường khi anh cho rằng Tơ Vò “ Phản ánh sinh động mặt trái xã hội Việt Nam thời cơ chế thị trường diễn ra quyết liệt …Cơ chế thị trường thể hiện hai mặt đối lập  biện chứng cùng trên một dòng chảy” trong lời giới thiệu
Kinh tế thị trường là một tồn tại khách quan tất yếu của lịch sử không thể không xảy ra mà con người, các thể chế chính trị phải thích ứng để tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay

Cơ chế thị trường hoàn toàn không có lỗi và tác giả cũng không nhằm cắt nghĩa sự tác động của cơ chế thị trường vào những diễn biến chính sự của một địa phương trong tiểu thuyết đầu tay của mình

Đây chính là câu chuyện về tham vọng quyền lực của một “bộ phận không nhỏ”dẫn đến sự tha hóa nhân cách, lối sống suy đồi, đánh mất lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân

Hiện thực mà Tơ Vò phản ánh chính là quá trình tha hóa, tự diễn biến, tự chuyển hóa, là lực cản sự phát triển, là nạn “nội xâm” đe dọa sự tồn vong của chế độ ngay chính trong lòng hệ thống chính trị .

Các nhân vật trong Tơ Vò như  Trần Bố (chủ tịch, bí thư tỉnh ủy)Thạch Phí, Ngọc Hồn (chủ tịch tỉnh), Trương Tồn, Nguyễn Chút (Phó bí thư thường trực), Hoàng Trương Cù, Hà Hóa, Tư Túc (phó chủ tịch) Cần Kéo (trưởng ban tổ chức), Phụng Tiên (giám đốc thực thi pháp luật) … hay Cấn Văn Đại  chưa bao giờ là những người cộng sản đúng với nghĩa của từ này dù là sinh trưởng trong những gia đình có truyền thống có bố là bí thư tỉnh ủy như Trương Tồn, bị lôi kéo hậu thuẫn của các nhóm lợi ích, nhóm “anh em ngoài xã hội” nên đã có những suy nghĩ lệch lạc, phát ngôn theo kiểu một xã hội đen mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền, bằng rất nhiều tiền… Thủ đoạn ngay từ khi còn trẻ như Thạch Phí lấy bố vợ là trưởng ban tổ chức tỉnh ủy nhằm có đường tiến thân là chính, lấy vợ là phụ, lấy mẹ vợ hơn 80 tuổi làm vỏ bọc xin giao hàng chục ha đất làm trang trại rồi chuyển nhượng.

Sa đọa tha hóa như Cần Kéo đưa cả cô bán ốc luộc về làm việc cơ quan để tiện bề gian díu, gây khó dễ cho cấp dưới để kiếm chác quà biếu tham nhũng vặt như Nguyễn Chút, tìm mọi cách có con ngoài luồng như Hoàng Trương Cù, lấn chiếm đất công như Hà Hóa, liên kết tranh giành quyền lực như Tư Túc, lợi dụng chức quyền trong hoạt động tư pháp như Phụng Tiên lập án gán tội cho đồng chí đẩy họ vào vòng lao lý để giúp Trương Tồn loại đối thủ chính trị trước kỳ đại hội, tạo điều kiện cho Cát Ly trùm tội phạm trốn chạy ra nước ngoài, thu gom chứng cứ giúp Trương Tồn kiện tụng đồng chí. Thu vén cá nhân để cả nhà tham gia chấp chính trong bộ máy Đảng, chính quyền như Cấn Văn Đại  … lôi kéo cả những cán bộ cách mạng lão thành vào cuộc kiện tụng tranh giành quyền lực.

Tất cả những hành vi của các nhân vật trong Tơ Vò đều xa lạ với phẩm chất của người cộng sản thì một khi có quyền lực họ sẽ tha hóa đến tận cùng có thể mà không hề liên quan đến kinh tế thị trường.
Các nhân vật khác như Phạm Vấn (thiếu trình độ năng lực, bản lĩnh của người đứng đầu) bóng dáng Trịnh Quỳ trong việc lách luật cho thấy những kẽ hở của pháp luật bị lợi dụng để nuốt đất đẩy dân vào con đường bần cùng hóa…

Bối cảnh trời tối sầm, mây đen vần vũ ..sấm chớp nhoang nhoáng làm quán cá Hân Hoan bên hồ Thiên Đường rung lên bần bật nhưng Trương Tồn vẫn say sưa bàn mưu tính kế với “nhóm lợi ích” là các chủ doanh nghiệp “sân sau” góp vốn đầu cơ chính trị để mưu cầu đục khoét các dự án trong tương lai… đã lột tả phần nào một thực tế buồn trước mỗi kỳ đại hội ở các địa phương như Ngô Quyên, Hoàng Thùy – Những cán bộ trẻ có năng lực được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã trở thành nạn nhân chính trị của những tham vọng quyền lực từ Trương Tồn

Bằng nghệ thuật đồng hiện kết hợp với kết cấu chương hồi, Tơ Vò đã giúp cho người đọc có cái nhìn mạch lạc về quá trình tha hóa của các nhân vật do tự diễn biến, tự chuyển hóa trong tư tưởng và hành động chủ quan của họ mà không hề có yếu tố khách quan.
Tư duy của người làm sử, cách tiếp cận xử lý thông tin của người làm báo đã giúp cho tác giả khi viết tiểu thuyết đã nhận diện, phác họa chân dung những tham quan thời nay dưới nhiều hình thức: Tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính trị, tha hóa nhân cách lối sống… để phân biệt với những người tốt như Ngô Quyên, Hoàng Thùy

Tơ Vò cũng đã chỉ ra cho người đọc một cái nhìn lạc quan tươi sáng khi tại đại hội Đảng những thành phần như Tư Túc , Trương Tồn đã bị loại khỏi những chiếc ghế mà họ mơ ước chiếm đoạt quyền lực, Cấn Văn Đại buộc phải về hưu trước tuổi… nhưng vẫn còn đó một Trương Tồn vẫn chưa yên phận vẫn tìm cách chống phá, một Ngô Quyên vẫn chưa thể được minh oan, một bộ máy người nhà người thân của Cấn Văn Đại , Ngọc Hồn , Phạm Vấn vẫn được cài cắm ….

Từ những diễn biến của bộ máy chính trị ở một địa phương cấp tỉnh trong khoảng thời gian 20 năm nhà báo Vũ Xuân Bân đã thu thập, tìm hiểu và chuyển hóa thành các nhân vật của tiểu thuyết Tơ Vò.

Đọc Tơ Vò tôi tin bạn đọc sẽ cảm nhận được hình như mình đã gặp ở đâu đó trong cuộc đời này hoặc là đang manh nha, hoặc là đã lộ nguyên hình trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội bằng các chiêu trò bẩn thỉu nhằm hạ bệ các đối thủ chính trị là đồng chí đồng đội của nhau.

Tuy chưa thật lãng mạn như bản chất vốn có của loại hình tiểu thuyết (romantic), còn thiếu sự trữ tình trong từng chương, từng trang viết nhưng biết làm sao được khi tác giả Tơ Vò phải khắc họa rõ nét những mẫu người “nguy hiểm”cho xã hội, đe dọa sự tồn vong của chế độ thì cũng khó lòng đòi hỏi tác giả dành cho các nhân vật này sự yêu thương trân trọng.

Đọc Tơ Vò người đọc có cảm giác tác giả Xuân Vũ còn “nương nhẹ” với các nhân vật mặc dù sự xấu xa, sự tha hóa về lý tưởng, sự suy đồi về đạo đức lối sống của các nhân vật còn rất “khiêm tốn” với những nguyên mẫu trong thực tế, có lẽ vì tác giả không muốn người đọc bị ám thị về đội ngũ cán bộ hiện nay chăng?

Hy vọng trong các tác phẩm tiếp theo, tác giả Xuân Vũ sẽ vượt qua chính mình khi vốn liếng của anh dường như đã gửi trọn cho Tơ Vò, nhưng người đọc vẫn có quyền đặt hy vọng mong đợi ở anh.

                                                                   Chủ nhật 23-9-2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ