Trong khi đồng bào cả nước cố gắng dìu dắt nhau vượt qua đại dịch Covid-19 thì chúng ta thực sự đau lòng với những khoe mẽ vô cảm của những kẻ có “ông ngoại”, có “chú em” nên được tiêm vắc-xin “xịn”.
Đó có lẽ là câu chuyện khoe quan hệ vô cảm gây buốt lòng và đau xót nhất thời gian qua. Giữa lúc cả xã hội phải đương đầu với dịch bệnh, lo âu hiện rõ trên từng khuôn mặt; Nhà nước cũng như ngành y tế phải huy động tất cả nguồn lực và nhân lực vào cuộc chiến để giữ gìn mạng sống con người. Thì những màn khoe mẽ được tiêm vắc-xin “xịn” cũng được bung ra như loài nấm độc.
“Ông ngoại” vốn là từ rất thân thương trìu mến, bỗng dưng trở thành nỗi ám ảnh lẫn tủi thân với những người có “ông ngoại”. Chúng ta cũng có ông ngoại nhưng tại sao chưa được tiêm vắc-xin? Ông ngoại liệu có đủ quan hệ để tìm cho con cháu loại vắc-xin “xịn” không?
Sau đó là đến từ “chú em”: “Tối qua chú em gọi điện đầu tuần em tổ chức tiêm vắc-xin cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của tập đoàn, mời anh tham gia. Có hai loại Pfizer & Moderna, anh thích loại nào thì tiêm loại đó... bọn em sẽ lo loại vắc-xin tốt tiêm cho anh và người thân không hạn chế số lượng…”.
Dòng chia sẻ trên mạng xã hội của một người đàn ông được cho là rất vai vế, nhiều quan hệ có tài khoản Facebook G.X.N này tiếp sau cô hoa khôi “dựa cơ ông ngoại” khiến lòng chính trực của biết bao người bị xúc phạm.
Trong khi lượng vắc-xin chưa đủ, rất nhiều người dù không nói ra nhưng tự dặn lòng chưa đăng ký tiêm để nhường phần cho người khác. Những suy nghĩ bao dung, những hành động cao cả là biểu hiện cho tinh thần chính trực và lối sống văn minh đã tiếp thêm sức mạnh cho xã hội vượt qua gian khó.
Ấy thế nhưng không phải ai cũng biết nghĩ, biết sống vì cộng đồng. Họ khoe mẽ vô cảm, bất nhẫn với sức khoẻ và sự sống còn của đồng loại. Thật ra, họ là những kẻ đáng thương nhất – bởi họ biết bản thân không có một chút giá trị gì – họ phải “khoác” lên mình “ông ngoại, chú em” để người khác tưởng rằng, họ vẫn có giá trị.
Văn hoá sống trong mọi thời đại không nằm ngoài chân lý bình đẳng – bác ái. Nhường cơm sẻ áo, làm việc thiện nguyện, động viên nhau vượt qua khó khăn đã biểu hiện rất rõ cho lòng bác ái của người Việt trong cách ứng xử văn hoá. Còn sự bình đẳng – Nhà nước chăm sóc y tế miễn phí, đảm bảo sự công bằng để tất cả mọi người đều được tiếp cận vắc-xin.
Vắc-xin “ông ngoại, chú em” thực sự gây phẫn nộ khi phá vỡ các nguyên tắc cơ bản. Vốn văn hoá yếu kém cùng cách sống bất nhẫn đã khiến những kẻ vô cảm khoe mẽ những việc xấu mình làm ra với đồng loại.
Dù gì thì mọi việc cũng đã qua, nhưng hi vọng vắc-xin “ông ngoại, chú em” sẽ có tác dụng ngăn ngừa thói sống vô cảm, khoe mẽ bất nhân đang ẩn hiện đâu đó trong xã hội.
Và tất cả chúng ta hi vọng, vô cảm sẽ không phải là văn hoá – bởi nó là thứ đi ngược lại văn hoá nói riêng và thuần phong mỹ tục nói chung.