Văn hóa Việt có gì trên hành trình 4.0?

GD&TĐ - Sự suy đồi, sự vô cảm… đang bủa vây đời sống chúng ta, mà người lạc quan nhất cũng phải băn khoăn. Phải chăng, đã đến lúc phải quyết liệt lấy văn hóa làm động lực cho hành trình đưa Việt Nam vào thời đại công nghệ 4.0? Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - người luôn thao thức với những đổi thay hôm nay có cuộc trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh nội dung này!

Văn hóa Việt có gì trên hành trình 4.0?

- Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều! Đất nước chúng ta có rất nhiều đổi thay về nhịp điệu phát triển. Xe hơi nhiều hơn, biệt thự nhiều hơn, và người đẹp các kiểu cũng nhiều hơn. Thế nhưng, dường như văn hóa không theo kịp tốc độ vùn vụt của kinh tế! Ông có thấy lo âu gì không?

Nguyễn Quang Thiều: Không phải là lo âu, mà là lo sợ. Ví von một cách đơn giản thì văn hóa là những trụ của một cây cầu. Khi những trụ cầu bị suy yếu thì cây cầu sẽ có nguy cơ sụp đổ. Một hiện thực cho thấy, trong không ít xe hơi, biệt thự và những người đẹp như anh nói đến mà ngày ngày chúng ta nhìn thấy là sự trống rỗng của tâm hồn. Vật chất không quyết định được văn hóa mà chỉ là một trong những điều kiện cho văn hóa. Chưa bao giờ chúng ta phát triển cơ sở vật chất và điều kiện sống tốt như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ sự vô cảm và độc ác lại xâm chiếm xã hội trên một phạm vi rộng như bây giờ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

- Bây giờ, muốn tìm sự trong trẻo và chân thành, phải về vùng sâu vùng xa, phải về miệt vườn sông nước hoặc rẻo cao miền núi. Liệu vẻ đẹp ấy còn tồn tại được bao lâu, và cách nào để gìn giữ, thưa ông?

- Nếu nhìn vào biểu đồ của sự tàn lụi những cánh rừng, những con sông, những vùng thiên nhiên cũng như những vùng văn hóa đặc trưng thì không lâu nữa, những vẻ đẹp thiên nhiên và con người mà chúng ta đang nói đến, sẽ biến mất. Tất cả sự tàn lụi ấy là do chính con người gây ra. Chỉ khi con người thức tỉnh lương tâm và tri thức, thì họ mới dừng lại những hành vi tàn phá ấy. Nhưng tôi nghe thấy quá ít tiếng trở mình của sự ân hận, của nỗi hoảng sợ của con người với những hành động của họ. Họ vẫn đang hung hăng, tự mãn và mù lòa trước cái chết của thiên nhiên và văn hóa.

- Thời gian vừa qua, điều dân chúng náo nức ủng hộ là chiến dịch bài trừ tham nhũng. Vấn nạn tham nhũng có bắt nguồn từ sự lung lay nền tảng văn hóa không?

- Mọi con người thiếu ăn thì cảm nhận được sự cần thiết của lương thực, nhưng rất ít người cảm nhận được sự đói khát của tâm hồn họ. Trước kia, khi bổ một người làm quan, nhà vua cho người về quê của người đó để tìm hiểu xem ông ta/ bà ta có hiếu với cha mẹ mình không. Nếu một kẻ bất hiếu thì không thể làm quan được. Hiếu, chính là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên văn hóa, hay nói ngược lại văn hóa làm cho con người biết hiếu nghĩa. Chưa bao giờ chúng ta lại bước vào cuộc chống tham nhũng quyết liệt như bây giờ. Nhưng cuộc chống tham nhũng này mới chỉ làm cho kẻ tham nhũng sợ và chùn lại, chứ không làm cho lương tâm chúng dày vò, cắn rứt và sám hối. Chỉ khi những hạt giống của văn hóa trong lòng những kẻ tham nhũng nẩy mầm, thì cái gốc của tham nhũng mới thực sự lùi xa.

- Theo ông, làm sao xây dựng văn hóa quan trường?

- Mới đây, có người đã đề xuất mở những trường học để dạy đạo đức cho quan chức. Ý thức và mục đích là tốt nhưng lại sai về bản chất. Người làng Chùa của tôi có một câu nói: “Cây đơm hoa bởi rễ đã mang hoa”. Nghĩa là chỉ khi một con người mang một tâm hồn đẹp, nhân ái mới có được những hành động đẹp và nhân ái.

Để có một ông quan/ bà quan tốt thì mọi luật lệ, mọi qui định chỉ có tác dụng kìm hãm chứ không có tác dụng triệt tiêu cái xấu trong họ, hay thúc đẩy những hành động tốt từ họ. Sai lầm là một trong những điều rất dễ sửa chữa, nhưng vô cảm thì vô cùng khó. Chỉ khi chúng ta có một nền giáo dục vì con người và có một hệ thống luật pháp nghiêm minh để trợ giúp, thì chúng ta mới có được những công dân tốt. Khi có những công dân văn hóa thì mới có được những ông quan/ bà quan tốt.

- Người xưa bảo “gia bần tri hiếu tử”, nhưng thực tế xã hội có không ít đứa con ngược đãi bố mẹ cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Phải nhìn nhận nỗi đau này ra sao, thưa ông?

Vẫn là từ văn hóa. Động tác ăn, ngủ, sinh đẻ của con người và con vật thực ra ít khác nhau về mục đích. Nhưng khi nhóm nào có văn hóa thì nhóm đó gọi là con người. Trước kia chúng ta nghèo đói hơn bây giờ cả trăm lần, nhưng số lượng tội phạm và mức độ phạm tội cách xa bây giờ cả trăm lần. Nhiều năm trước, một phụ huynh hỏi tôi rằng các nhà văn có thể viết một cuốn cẩm nang về những cạm bẫy trong cuộc đời để con cháu họ đọc mà tránh không.

Tôi nói nếu có một cuốn cẩm nang đưa ra 1.000 cạm bẫy, thì khi bước vào đời chúng sẽ gặp cái cạm bẫy thứ 1001 và chúng sẽ gục ngã. Chỉ khi tâm hồn chúng chứa đựng sự rung động trước cái đẹp và lòng thương người thì chúng mới phân biệt được đâu là tốt, đâu là xấu. Và như thế chúng có thể đi qua vô vàn cạm bẫy trong cuộc đời của chúng.

- Người làng Chùa, Ứng Hòa, Hà Nội - quê ông, có câu nói rằng “Một chữ có Ân thì nở hoa, vạn chữ chỉ có Oán thì sinh sâu bọ”. Ông nghĩ gì về sự giáo dục trong quá trình bồi đắp nhân cách?

- Ông cha ta đã đúc kết “Dạy con từ thở còn thơ/ Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Giáo dục đối với một con người, chiếm một lượng thời gian bằng cả đời người đó. Nghĩa là một con người không bao giờ được phép rời bỏ sự hướng thiện. Người làng Chùa tôi cũng có câu “Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người”. Không nhà giáo dục chân chính nào từ cổ chí kim có thể nói người này đã được giáo dục đầy đủ, hay đã được giáo dục xong. Những người đức hạnh là những người tự vấn ngày ngày giống như một phép thiền định.

Không ít người cho rằng cần phải tăng mức hình phạt với tội phạm ở nước ta hiện nay. Nhưng mọi hình phạt ở mọi mức độ chỉ là răn đe và mang tính trừng phạt, chứ rất ít tính giáo dục nền tảng. Nhiều nước trên thế giới đã bỏ án chung thân và tử hình, mà nghiêng về khai mở những vẻ đẹp tự có trong con người tội phạm. Một đứa trẻ lên mười tuổi luôn yêu và nhớ mẹ nó khi mẹ đi xa, nhưng khi mười tám tuổi nó có thể giết mẹ mình vì mục đích vật chất. Nghĩa là khi sinh ra mọi đứa trẻ đều mang tính người, nhưng vì giáo dục sai lầm hoặc không giáo dục cộng với những tác động xấu trong xã hội, đã biến nó thành tội phạm.

 

- Ông đã đi nhiều nước trên thế giới. Ông thấy họ nâng niu văn hóa ra sao? Có kinh nghiệm gì mà chúng ta cần bắt chước?

- Cách đây chừng mười năm có một việc xảy ra ở Hàn Quốc mà những ai theo dõi báo chí đều biết. Đó là một cái cổng thành cổ ở Seoul bị hỏa hoạn thiêu rụi. Ngày ngày có rất nhiều người dân đến nhìn đống tro tàn ấy và khóc trong tiếc nuối và đau đớn như khóc một người thân yêu đã mất. Những ở Việt Nam, chúng ta đã thờ ơ trước những di sản văn hóa bị tàn phá và bị đánh tráo.

Cũng lại một câu chuyện của một nước Phật giáo là Nhật Bản, khi chúng ta chứng kiến một đứa trẻ xếp hàng nhận phần ăn, đã nhường cho người khác. Đấy không phải là hành động vô thức của một đứa trẻ, đấy là hành động của văn hóa Nhật. Còn chúng ta thì chứng kiến cảnh thanh niên nam nữ chen nhau tranh giành sushi miễn phí và bốc hốt đồ uống rơi vãi của một chiếc xe vận tải gặp tai nạn. Hình ảnh ấy làm cho những người Việt Nam có lòng tự trọng phải thấy xấu hổ. Chúng ta không cần bắt chước Hàn Quốc hay Nhật Bản, mà chỉ cần phục hồi lại những vẻ đẹp thuần Việt đã và đang chết bởi chính con người chúng ta.

- Đã có nhiều người đề xuất ý tưởng “trao sách, tặng tương lai” cho trẻ em thay vì lì xì. Liệu có quá lạc quan không, có thể nhân rộng thành một phong tục không?

- Khi người ta có “thói quen” làm những việc tốt thì sẽ trở thành người tốt, khi người ta có “thói quen” làm những việc xấu sẽ trở thành một kẻ xấu. Mọi hành động được lặp đi lặp lại một cách có ý thức và có hệ thống sẽ trở thành phong tục. Phong tục không bao giờ có sẵn, mà do con người làm nên, cũng như văn hóa. Ông cha ta nói “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Điều đó không phải là đổ lỗi tất cả cho những người phụ nữ đối với nhân cách của những đứa trẻ. Điều đó nói lên ảnh hưởng của người lớn quan trọng đến nhường nào, đối với sự hình thành nhân cách của một con người, đặc biệt từ khi là một đứa trẻ.

Ở Việt Nam, bà và mẹ là hai nhân vật gần gũi nhất, gắn bó nhất đối với những đứa trẻ. Chính thế mà hành động, lời nói của hai đối tượng này trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của chúng. Hãy làm những điều tốt một cách bền bỉ và đến một ngày chúng ta sẽ có một kết quả tốt đẹp.

- Nếu văn hóa chỉ nhăm nhăm tô điểm một mái đình cổ hoặc cách tân một vạt áo dài, thì đơn giản quá. Muốn phát huy văn hóa Việt thì ông kiến nghị gì?

- Đừng hiểu văn hóa một cách thương hại và tai hại như vậy. Văn hóa là sự chuyển động một cách kỳ diệu trong đời sống, chứ không phải là một xác ướp. Sự bất động về mặt vật lý của những vẻ đẹp kiến trúc, hội họa... luôn chứa đựng sự chuyển động của tinh thần bất diệt bên trong nó. Khi chúng ta làm cho tinh thần ấy hòa vào đời sống đương đại, thì ý nghĩa và sức mạnh của văn hóa mới còn. Nếu không, chúng ta lại trở thành kẻ giết chết văn hóa truyền thống Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ