Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, khẳng định: Văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Phần quan trọng của nền văn hóa dân tộc
Trước đó, chiều 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì “Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia” và “Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Theo báo cáo, từ đầu năm 2023 công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật là nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ.
Tuy nhiên còn nhiều tồn tại, vướng mắc, nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số.
Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam. Xã hội số là một trong những nền tảng của xã hội Việt Nam. Văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Thúc đẩy văn hóa số trong thời kỳ hội nhập, ngày 12/7, Bộ VH,TT&DL cũng tổ chức Hội thảo “Bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện”. Bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện - cho rằng, để đảm bảo thực thi bản quyền trong hoạt động chuyển đổi số thư viện, các thư viện phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trên các phương diện.
Trong đó, có vấn đề liên quan sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, bản quyền trong quá trình chuyển đổi số, thực thi quyền sao chép, biện pháp xử lý đảm bảo việc tài nguyên thông tin số khi đưa ra phục vụ…
Trước các khó khăn đó, giới chuyên gia và nhà quản lý tập trung làm rõ các nội dung, như phát huy giá trị và lợi thế của những điểm mới trong pháp luật về quyền tác giả tại Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đối với hoạt động chuyển đổi số ngành thư viện nói chung, phát triển tài nguyên số nói riêng.
Bên cạnh đó là kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong thực thi quyền tác giả và về vận dụng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ trong quá trình chuyển đổi số thư viện; chia sẻ các mô hình và cách làm hay, hiệu quả trên thực tế; Giải pháp khắc phục các rào cản trong việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong chuyển đổi số thư viện…
Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện - xuất bản thúc đẩy văn hóa đọc thông qua dạng sách nói. Ảnh: ITN. |
Thúc đẩy văn hóa đọc thời số hóa
Trong khuôn khổ thúc đẩy chuyển đổi số, Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ 5 diễn ra ngày 12/7 cũng xác định thúc đẩy nền xuất bản phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn - chủ động hội nhập với xuất bản khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nhiệm vụ của Hội Xuất bản nhiệm kỳ 2023 – 2028 xác định tiếp tục kiên trì đẩy mạnh thực hiện 5 mục tiêu nhiệm kỳ 2017 – 2023. Đồng thời xác định 11 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có phát triển văn hóa đọc, đổi mới ngành xuất bản và phát hành sách trong điều kiện tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng Giải thưởng Sách Quốc gia, tham gia các giải thưởng quan trọng, chống in và mua bán sách lậu, sách giả, tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết: Trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu sách vào những năm trước giờ đã vươn lên phát triển cả về quy mô, công nghệ, trình độ, năng lực ngang tầm khu vực với hệ thống 57 nhà xuất bản, trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng gợi mở 5 vấn đề trong thời gian tới đối với Hội Xuất bản Việt Nam, trong đó chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.
Có thể thấy rằng, chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa. Chuyển đổi số tại Việt Nam cũng đang hình thành thói quen mới cho người đọc sách hiện đại – nghe sách. Để thích ứng chuyển đổi số, các nhà xuất bản đã tiến hành xuất bản sách điện tử, từ thể loại lật đơn giản như sách truyền thống đến sách tương tác, sách 3D, hay gần đây nhất là sách nói.
Trước đây khi nhắc đến thư viện, mọi người liên tưởng đến những căn phòng chất đầy sách. Thế nhưng hiện nay, chuyển đổi số đang thay đổi phương thức hoạt động của các thư viện, sách giấy không còn vị trí độc tôn mà thay vào đó là sách điện tử, sách nói.
Dù có những hạn chế nhất định, nhưng giới chuyên gia khẳng định văn hóa số sẽ góp phần thúc đẩy giá trị văn hóa dân tộc. Giới trẻ ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các loại hình văn hóa - nghệ thuật thông qua mạng xã hội, và qua các sản phẩm điện tử. Vì vậy, văn hóa số không chỉ là phương thức, mà còn là một con đường để bảo lưu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, Bộ TT&TT đã công bố xếp hạng về chuyển đổi số các bộ, ngành và địa phương năm 2022. Đới với xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh: TP Đà Nẵng xếp thứ nhất, tiếp đó là TPHCM, Quảng Ninh; Bắc Kạn xếp cuối trong 63 tỉnh, thành; Quảng Ngãi có cải thiện vị trí cao nhất, tăng 34 bậc, xếp hạng 26.