Số hóa nghệ thuật: Đòn bẩy “xuất khẩu” văn hóa

GD&TĐ - Trong khi nhiều quốc gia đã số hóa thành công các nội dung văn hóa nghệ thuật, thì ở nước ta công việc này mới chỉ bắt đầu.

Số hóa đem lại cơ hội, nhưng sẽ là thách thức lớn đối với các đơn vị biểu diễn sống bằng tiền bán vé. Ảnh: ITN
Số hóa đem lại cơ hội, nhưng sẽ là thách thức lớn đối với các đơn vị biểu diễn sống bằng tiền bán vé. Ảnh: ITN

Xu hướng toàn cầu

Năm 2019, lần đầu tiên công chúng yêu nghệ thuật được chiêm ngưỡng gần 200 bức tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, sau khi các tác phẩm này được số hóa và trình chiếu nhờ công nghệ 3D mapping. 

Triển lãm sử dụng hàng chục máy chiếu laser, đem đến chất lượng hình ảnh chất lượng. Công nghệ 3D mapping và các công nghệ trình chiếu đa phương tiện, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI deep learning) trong nhận diện hình ảnh, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại, đã gây nhiều bất ngờ cho khách tham quan.

Các bức tranh gốc của Bùi Xuân Phái đa phần là tranh nhỏ, khi được trình chiếu trong không gian triển lãm, mỗi bức tranh được phóng lớn lên hàng trăm lần nên cần có thiết bị trình chiếu bảo đảm chất lượng, màu sắc, độ sáng và độ phân giải tốt. Màu sắc và bút pháp của Bùi Xuân Phái khi được phóng to hiển lộ các lớp bề mặt rõ nét hơn.

Việc số hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật được các chuyên gia ví như một bảo tàng hoặc như một thư viện lưu trữ và dễ dàng quản lý. Số hóa nghệ thuật đã được các nước tiên tiến thực hiện từ lâu. Còn đối với các nước kém phát triển, công nghệ kỹ thuật lạc hậu thì việc số hóa là một thách thức. 

Tuy vậy, số hóa nghệ thuật đang là xu hướng đầu tư phát triển của ngành văn hóa nước ta. Các triển lãm mỹ thuật, hòa nhạc, sân khấu, hội sách trực tuyến... trong thời gian qua đã có bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, hàng loạt tổ chức, cá nhân đã thực hiện số hóa các triển lãm thông qua Internet.

Bắt nhịp xu hướng, đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam” cũng vừa được tiến hành và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. Với mục tiêu số hóa 70% tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý. Dự kiến đề án sẽ được hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 10/2020.

Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã lên kế hoạch xây dựng mô hình kênh nghệ thuật online. Dự kiến, mô hình này trước mắt sẽ được xây dựng trên nền tảng của kênh YouTube. Các nhà hát tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ hỗ trợ đưa ứng dụng công nghệ đến với khán giả.

Cơ hội “xuất khẩu văn hóa”

Mới đây, trên một trang website của Hội đồng Anh (Hanoi Grapevine) công bố nghiên cứu của Tiến sĩ Emma Duester và Michal Teague thuộc Trường Đại học RMIT Việt Nam. Đây là một nghiên cứu quan trọng về cách các chuyên gia văn hóa tại Hà Nội đang khai thác công nghệ kỹ thuật số để phát triển trong các ngành công nghiệp sáng tạo. 

Hai nhà nghiên cứu đã chọn lọc và phỏng vấn 10 cá nhân đến từ các tổ chức văn hóa nghệ thuật và trải nghiệm, tìm hiểu về hai không gian sáng tạo cụ thể là “Nhiếp ảnh Matca” và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để xem cách mà hai cơ sở này đang số hóa bộ sưu tập, cũng như tìm hiểu về thách thức mà họ đang phải đối mặt.

Tiến sĩ Emma cho biết, ngành văn hóa nghệ thuật mới chỉ chập chững bắt đầu trong công cuộc số hóa các bộ sưu tập. Đây là một sự thay đổi quan trọng bởi nó sẽ cho phép các chuyên gia văn hóa Việt Nam có khả năng lựa chọn cách quản lý các bộ sưu tập trên nền tảng kỹ thuật số. Sau đó, sự chuyển dịch kỹ thuật số này sẽ tạo điều kiện cho các chuyên gia văn hóa kiểm soát câu chuyện đương đại về nghệ thuật và văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, việc số hóa các sản phẩm văn hóa nghệ thuật ở nước ta không phải đơn giản, cũng không phải một sớm một chiều là có thể thành công. Khán giả Việt vẫn quen với việc xem triển lãm, thưởng thức các chương trình với cách thức truyền thống, đặc biệt với những khán giả cao tuổi. 

Thứ đến là nguồn thu - vấn đề sống còn của các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Sẽ không có tiền bán vé, không thu được kinh phí kiểu “tiền tươi thóc thật” để trả lương cho các nghệ sĩ thì đơn vị tổ chức biểu diễn không thể tồn tại. Hầu hết các nhà hát đều có các kênh riêng trên nền tảng công nghệ, nhưng họ không thu lợi được gì ngoài tác dụng tăng tương tác.

Tiến sĩ Emma cho rằng: Những gì chúng tôi nhận thấy có thể được chia thành thách thức và cơ hội. Các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo đã bị ảnh hưởng bởi số hóa. Về mặt thực hành nghệ thuật, tương tác với khán giả; cách các không gian/nhà tổ chức này bảo tồn và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật văn hóa. Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình số hóa, vì điều này khác biệt với các nước khác trong cùng khu vực châu Á cũng như khác với các nước phương Tây. Những thách thức này bao gồm cả việc thiếu nhân lực, cả về thời gian và năng lực, thiếu vốn đầu tư, thiếu trang thiết bị kỹ thuật như máy quét 3D để số hóa các hiện vật văn hóa một cách hợp lý.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Các nước phát triển đang chuyển nhanh sang nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, công nghệ số hóa và sự số hóa các nội dung văn hóa. Những thay đổi này đã đem lại những cơ hội lớn về khả năng giảm thiểu chi phí sản xuất, góp phần tạo ra các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm mới, đòi hỏi những hành động nhạy bén và sự thích ứng liên tục với sự thay đổi của môi trường.

“Việc số hóa nội dung văn hóa sáng tạo ở Việt Nam có thể mang đến cơ hội “xuất khẩu kỹ thuật số” văn hóa của đất nước trên toàn cầu. Hình thức xuất khẩu văn hóa này vừa rẻ hơn, vừa mang tính tức thời. Quan trọng hơn, nó cung cấp cho Việt Nam một bộ phận đại lý tạo ra hình ảnh đương đại của Việt Nam mà họ muốn truyền tải/thể hiện với phần còn lại của thế giới” - Tiến sĩ Emma nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ