Mới đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tổ chức hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022. Hội nghị đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới.
Vẫn xuất hiện nhiều sách vô bổ
Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Nguyên thừa nhận tình trạng sụt giảm doanh số và khó khăn chồng chất đối với ngành sách vào năm 2021. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, khi dịch bệnh Covid-19 tạm lắng, ngành xuất bản đã bứt phá.
Tính hết năm 2021, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và 42 đơn vị sự nghiệp công lập.
Tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu trong năm 2021 là 32.948 xuất bản phẩm với hơn 400 triệu bản. Trong đó: Xuất bản phẩm dạng sách in là 29.274 cuốn với 350 triệu bản; xuất bản phẩm dạng điện tử là 2.300 xuất bản phẩm với ước tính khoảng 25 triệu bản (tăng 16 lần so với năm 2020). Tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 2.997 tỷ đồng (tăng 12,4%).
Các ấn phẩm có nội dung liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19, ca ngợi tình cảm, nhiệt huyết của đội ngũ làm công tác phòng chống dịch và việc phục hồi kinh tế thời dịch bệnh được các nhà xuất bản chủ động khai thác.
Đặc biệt năm 2021, nhiều cuốn sách có giá trị được xuất bản nhận được đánh giá cao, thu hút bạn đọc và được in với số lượng lớn: Muôn kiếp nhân sinh (in 340 nghìn bản), Nhà giả kim (310 nghìn bản), Hành trình về phương Đông (87 nghìn bản), Sức mạnh tiềm thức (62 nghìn bản), Sapiens - Lược sử loài người (44 nghìn bản), Từ tốt đến vĩ đại (33 nghìn bản).
Ở lĩnh vực phát hành, theo thống kê của Cục Xuất bản, cả nước có 1.442 cơ sở phát hành sách, trong đó 551 cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm là doanh nghiệp; 18 cơ sở phát hành xuất bản phẩm hoạt động xuất nhập khẩu sách. Năm 2021, toàn ngành phát hành trên 225 triệu xuất bản phẩm (giảm 31,8%); doanh thu đạt 2.900 tỷ đồng (giảm 21,6%).
Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, dù có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung, số lượng ấn bản bình quân còn thấp, khoảng 11 nghìn bản/ấn phẩm. Nếu trừ sách giáo khoa, số lượng chỉ còn 4.300 bản/ấn phẩm. Ngoài ra, chất lượng sách chưa cao, vẫn còn xuất hiện nhiều sách vô bổ, nội dung sai sót, ít sách có giá trị cao, có sức lan tỏa…
Thời cơ thúc đẩy văn hóa đọc
Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022 xác định, trọng tâm của ngành xuất bản Việt Nam là việc chuyển đổi số. Theo đó, phải tăng cường hoạt động xuất bản điện tử để thúc đẩy văn hóa đọc.
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian qua được các nhà xuất bản chú trọng hơn. Tổng số lượng nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đã tăng lên thành 12 nhà xuất bản (tăng 33%).
Nhấn mạnh đến yêu cầu chuyển đổi số như là “một mệnh lệnh” cho toàn ngành. Ông Nguyễn Nguyên cho biết, sắp tới sẽ hướng tới việc đưa số lượng nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử chiếm 25% trong năm 2022.
Một số nhà xuất bản dù chưa đăng ký xuất bản điện tử, nhưng với sự quan tâm của cơ quan chủ quản đang triển khai các dự án đầu tư lớn về công nghệ gắn với kế hoạch chuyển đổi số.
Ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, kế hoạch chuyển đổi số là phải phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá dựa trên công nghệ số. Do đó, các nhà xuất bản, doanh nghiệp in và phát hành xuất bản phẩm cần có sự liên kết chặt chẽ, tạo thành dây chuyền.
Theo dự báo của nhiều nước phát triển, trong tương lai gần, xuất bản điện tử sẽ là phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản. Quá trình ra đời và hoàn thiện không ngừng của tài liệu điện tử, với những tiện ích vượt trội so với tài liệu giấy đang mở ra thời cơ mới cho ngành Xuất bản.
Xuất bản điện tử chính là một trong những sản phẩm của cuộc cách mạng truyền thông. Các tài liệu được số hoá, quét bằng các thiết bị kỹ thuật số hoặc được tạo bởi một thiết bị máy tính. Tài liệu sẽ được lưu trữ bằng các phương tiện điện tử và được tìm kiếm, khai thác sử dụng dễ dàng dưới các dạng thức thông dụng như PDF, HTML hoặc TXT.
“Công nghệ giúp đưa tác giả, người làm sách và cả bạn đọc “ngồi” lại với nhau để bàn thảo, hoàn thiện ý tưởng cho từng cuốn sách…”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Nằm trong chương trình thúc đẩy văn hoá đọc, ngoài việc chuyển đổi ngành sách đang có nhiều ý tưởng để kỷ niệm 70 ngày truyền thống ngành xuất bản (10/10/1962). Đồng thời, sẽ tổ chức sự kiện cho “Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ nhất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành vào ngày 4/11/2021.
“Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam” năm 2022 sẽ tổ chức thành chuỗi hoạt động từ 15/4 - 1/5, với các hình thức: Giới thiệu các câu lạc bộ sách, các mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách cơ quan, trường học, tủ sách cộng đồng. Khuôn khổ chuỗi hoạt động còn có hướng dẫn các kỹ năng đọc sách, tổ chức các cuộc thi: Đại sứ văn hóa đọc, kể chuyện và làm theo sách, tuyên truyền quảng bá sách...