Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh cách tiếp cận chung về tiếp biến văn hóa để phục hồi, phát triển kinh tế trên tinh thần “khi chúng ta có nhận thức đúng - sẽ có hành động đẹp”.
Theo ông Hùng, văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa là một mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời. Đề cương Văn hóa năm 1943 Đảng đã xác định văn hóa, kinh tế là hai trong ba mặt trận trọng tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp.
Thứ nhất là được tạo dựng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, dần dần trở thành tình cảm, suy nghĩ, niềm tin, ý thức tự giác của mỗi cá nhân và truyền thống của doanh nghiệp.
Thứ hai là được cụ thể hóa trong sứ mệnh, tầm nhìn, những giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Thứ ba là được thể hiện trong văn hóa giao tiếp và ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp cũng như với đối tác, khách hàng, trong phong cách lãnh đạo và phương thức quản trị doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, văn hóa doanh nghiệp có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả và uy tín kinh doanh, thương hiệu của doanh nghiệp. Từ đó dẫn tới sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp.
“Văn hoá doanh nghiệp” là một trong những diễn đàn thường niên quan trọng đối với giới doanh nhân Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay không ít người làm kinh doanh vẫn khá thờ ơ với văn hoá doanh nghiệp.
Chúng ta thường nghe tới “đạo đức kinh doanh”, hay “đạo đức bán hàng” – nhưng đó chỉ là một khía cạnh nhỏ trong sự phổ quát của văn hoá doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt, đó là sứ mệnh, tầm nhìn, là giá trị và ý thức kỷ luật.
Nhìn vào doanh nghiệp Nhật Bản, chúng ta dễ hình dung nhất về văn hoá doanh nghiệp. Đó không chỉ là đi đúng giờ, làm hết trách nhiệm, kỷ luật thép, thân ái chào hỏi lẫn nhau. Cốt lõi văn hoá của họ là uy tín và sự tuyệt đối trong việc giữ chữ tín.
Ở nước ta, “văn hoá doanh nghiệp” tuy là một thuật ngữ không mấy xa lạ. Cha ông ta cũng dạy “buôn có bạn, bán có phường”, rồi “một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Nhưng đến nay, tâm lý kinh doanh nhỏ lẻ, thời vụ vẫn để lại nhiều hạn chế. Một số doanh nghiệp tập đoàn với tầm nhìn xa, sứ mệnh rõ ràng đang hình thành được nét văn hoá riêng.
Thế giới hội nhập, văn hoá là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp bắt tay hợp tác với nhau. Hi vọng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra “sức mạnh mềm” từ chính nền văn hoá giàu bản sắc dân tộc.