Văn hóa đọc cho trẻ - Người lớn ưu tư gì?

Văn hóa đọc cho trẻ - Người lớn ưu tư gì?

(GD&TĐ) - Có dịp rảo qua các Hội sách, nhà sách ở TPHCM thời gian gần đây, chúng tôi hay bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những ông bố, bà mẹ dắt con đi mua sách. Dù giúp con chọn sách hay cho con được tự do chọn lựa, việc cùng con đi mua sách cũng phần nào cho thấy văn hóa đọc cho con trẻ đang được các bậc phụ huynh quan tâm…

Các bậc phụ huynh không khỏi ưu tư khi chọn sách cho con
Các bậc phụ huynh không khỏi ưu tư khi chọn sách cho con

Giúp con chọn sách

Anh Nguyễn Hiếu, nhà ở quận 1 (TP.HCM) đi mua sách trong cho con tại một điểm phục vụ sách  trong quận đã thổ lộ: “Gia đình tôi rất thích đọc sách, ngoài việc đi nhà sách mỗi tháng, hễ nghe ở đâu có Hội sách là chúng tôi tìm đến ngay. Nhất là thời điểm vào hè, bọn trẻ có thời gian rảnh rỗi hơn nên tôi cũng hay chú ý đến việc mua sách đọc cho con trong dịp này…”. Theo anh Hiếu, mỗi lần đi mua sách, anh hay dắt các con đi cùng và cứ để cho các con tha hồ chọn lựa, sau đó anh mới tổng hợp lại, xem các cuốn sách đó có phù hợp với các con hay không. Với anh, điều quan trọng trong việc chọn sách cho con trẻ là những cuốn sách ấy phải vừa cung cấp kiến thức lại vừa giúp các con trau dồi kỹ năng…

Khi được hỏi về tiêu chí chọn sách cho con, nhiều bậc phụ huynh mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đã nhấn mạnh đến “tính giáo dục” trong nội dung của sách.

Ưu tư về sách cho trẻ

Thời gian gần đây, thị trường sách cho thiếu nhi được giới quan tâm đánh giá là “thừa nhưng vẫn thiếu”. Thừa mà thiếu vì trên các kệ sách thiếu nhi, xem ra vẫn rất “xôm tụ” với phần lớn là truyện tranh. Trong khi đó, các sách văn học dành cho thiếu nhi, cả sách dịch cũng như sách trong nước không nhiều. Chọn sách cho con, nếu chỉ đơn thuần để giải trí lành mạnh thì những cuốn truyện tranh cũng được xem là sách nằm trong danh mục chọn lựa của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đối tượng đọc truyện tranh đa phần là các trẻ ở lứa tuổi “nhi đồng”, còn đối tượng lớn hơn (học sinh cấp 2), nhiều bậc cha mẹ lại quan tâm đến mảng sách văn học. Không ít các phụ huynh muốn thông qua sách văn học để rèn môn Văn cho con, cho con học tập kỹ năng diễn đạt, trình bày… Vợ chồng anh Thể - chị Nguyệt ở Tân Bình (TP.HCM) thừa nhận điều này: “Con chúng tôi học rất khá môn Văn, có lẽ vì từ nhỏ, chúng tôi đã hướng cho cháu những cuốn sách hay, nhất là các sách văn học phù hợp với lứa tuổi của cháu. Cháu học cách miêu tả sự vật, con người, cách dùng từ ngữ qua những bài viết, truyện ngắn của các nhà văn viết cho thiếu nhi…”. Cũng theo anh chị thì đây là cách giúp trẻ rèn môn Văn khá hữu hiệu. Vì thế, anh chị cũng mong sao mỗi lần đi nhà sách hoặc đến các Hội sách, sẽ tìm được cho con những cuốn truyện thiếu nhi có giá trị.

Nhìn chung, ưu tư của các bậc cha mẹ khi quan tâm đến việc đọc sách của con trẻ chính là tìm được cho con những cuốn sách vừa hấp dẫn về nội dung lẫn hình thức, lại vừa đảm bảo tính giáo dục nhân văn. Một thời, thị trường truyện tranh cho thiếu nhi rộ lên loạt truyện tranh “phản giáo gợi dục” khiến không ít các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng…

Làm sao để thị trường sách cho thiếu nhi được phong phú hơn về nội dung và chất lượng, chắc cũng phải kể đến việc tạo điều kiện cho các cây bút viết cho thiếu nhi không ngừng nâng cao và phát huy khả năng sáng tác. Bên cạnh đó là trách nhiệm của những người làm công tác xuất bản. Đầu tư sách cho thiếu nhi vừa hay, vừa đẹp, vừa rẻ… quả không đơn giản, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Những người có tâm huyết với văn học thiếu nhi cũng không khỏi buồn vì từ lâu, mảng văn học này dường như bị bỏ ngỏ. Các nhà văn trẻ ngày nay xem ra cũng không mặn mà với việc sáng tác cho thiếu nhi hoặc có viết  nhưng chưa có chiều sâu, chưa hay vì chưa được đầu tư đúng mức. Nói như nhà văn Trần Hoài Dương, người có nhiều gắn bó với văn học thiếu nhi thì “…Phải thừa nhận là chúng ta có một nền văn học thiếu nhi, nhưng suốt mấy chục năm nay, nó vẫn còn mang nhiều tính mô phạm, giáo điều. Đúng, tốt đẹp, tính giáo dục cao nhưng lại thiếu những điều cơ bản: chất kỳ diệu, yếu tố mơ mộng, bay bổng, tưởng tượng phong phú… những thứ mà trẻ con rất cần. Văn học thiếu nhi của ta có đủ mọi thứ nhưng chỉ thiếu một thứ là viết chưa hay…”. Có lẽ đây cũng là điều mà những ai quan tâm đến văn hóa đọc cho trẻ phải suy tư nhiều hơn.

Liên Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ