Văn hoá ẩm thực - người xây, kẻ phá!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trong khi Việt Nam tiến tới xây dựng văn hóa ẩm thực thành thương hiệu quốc gia, thì một bát mì xào giá 200 nghìn đã làm xấu đi hình ảnh của văn hóa.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Như Báo GD&TĐ từng thông tin Hiệp hội Văn hóa ẩm thực công bố đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”. Theo đó, sẽ xét chọn 100 món ăn đặc sắc của địa phương, tiến hành thu thập dữ liệu 1.000 món ăn và phát triển thành tổng tập dữ liệu ẩm thực Việt Nam. Đồng thời, hướng đến xây dựng Bảo tàng ẩm thực, quảng bá nét văn hóa đặc sắc ấy với cộng đồng quốc tế.

Mới đây, tin vui 222 món ăn từ dừa của tỉnh Bến Tre đã được Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới trao bằng xác lập kỷ lục. Bún chả Việt Nam cũng vào sách tôn vinh ẩm thực thế giới – khi xuất hiện trong cuốn sách dạy nấu ăn mừng 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh.

Văn hóa ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú, thế nhưng khi chúng ta đang manh nha xây dựng thương hiệu, thì các thông tin rất đáng xấu hổ về nạn “chặt chém” đã nở rộ trên khắp các phương tiện thông tin và mạng xã hội.

Một bát mì xào của nhà hàng hải sản Ngọc Phú (Nha Trang - Khánh Hoà) có giá 200 nghìn. Mánh khoé “chặt chém” này của nhà hàng đã bị cơ quan chức năng xử phạt 21 triệu đồng.

Thế nhưng đây chỉ là một trong vô vàn ví dụ về nạn “chặt chém” liên quan đến ăn uống. Chỉ cách đây 2 tháng cũng tại Nha Trang, không ít du khách mất thiện cảm sau vụ hải sản 42 triệu đồng và những pha chém đẹp về “mực đạp chân” dai như cao su không ai nhai nổi.

Còn tại Quảng Ninh vài năm trước, 5 con tôm tít có giá 3,5 triệu đồng. Khách hỏi: “Sao đắt thế?”. Nhà hàng giải thích: “Các bạn đi ô tô chắc là người nhiều tiền”. Vậy là, người đi ô tô thì giá cao, còn người đi xe đạp có lẽ sẽ được “thương” mà giảm cho chút ít.

Cũng tại Quảng Ninh, từng xôn xao vụ một con mực giá 7 triệu đồng, khiến du khách Nhật Bản ngao ngán mãi không quên – khi hải sản Việt Nam đắt gấp mấy lần ở Nhật.

Tiếng lành đồn xa thì tiếng dữ cũng đồn xa. Hình ảnh về văn hóa kinh doanh của Việt Nam sẽ xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế, kéo theo hàng loạt những hệ lụy - mà đầu tiên chính là những khó khăn khi quảng bá văn hóa ẩm thực.

Làm ăn chộp giật, coi trọng lợi nhuận bất chính qua hành vi “chặt chém” người thưởng thức ẩm thực phải được coi là một tệ nạn. Đã là tệ nạn thì phải đấu tranh, loại bỏ triệt để thì mới có cơ hội hình thành được nền ẩm thực có văn hóa.

Nếu cứ để tình trạng người xây - kẻ phá, thì việc xây dựng nền văn hóa ẩm thực sẽ khó thành hiện thực. Chủ nhà hàng, người bán đồ ăn cần có ý thức thức trách nhiệm và lòng tự trọng trong việc chế biến và cân đối lợi nhuận sao cho hài hòa.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần tính đến phương án căn cốt, không thể tin tưởng tuyệt đối hay phó thác trách nhiệm cho người kinh doanh. Nếu cứ để việc “chặt chém” xảy ra rồi mới xác minh xử lý – thì chẳng khác nào một bức tranh đẹp chờ kẻ phá hoại làm cho nhem nhuốc.

Bức tranh hỏng rồi, việc xử lý kẻ phá hoại cũng chỉ là một thủ tục hành chính – không mấy tác dụng. Văn hóa còn hơn thế, đó là thứ không thể tẩy xóa. Bởi vậy, cách tốt nhất để gìn giữ là đừng để những thứ nhem nhuốc làm vấy bẩn văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử giúp tăng vị thế

GD&TĐ - Ở lần bầu cử Tổng thống Nga năm nay, cả trong lẫn ngoài nước Nga đều dự đoán và tin chắc rằng Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ lại đắc cử.
Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.