Đặc biệt là phù hợp với Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế.
Gợi ý từ PISA
TS Nguyễn Ngọc Tú, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cho biết, từ đánh giá PISA có thể đưa ra những gợi ý trong đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Toán theo hướng tiếp cận năng lực. Điều đầu tiên học hỏi được từ PISA là cách sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhưng đa dạng về hình thức: Câu hỏi nhiều lựa chọn, câu hỏi đóng đòi hỏi trả lời, câu hỏi mở (ngắn/dài) đòi hỏi trả lời, câu hỏi có/không (đúng/sai) phức hợp.
Các gợi ý tiếp theo, TS Nguyễn Ngọc Tú nhắc đến việc PISA đánh giá khả năng học sinh vận dụng hiểu biết toán học của mình để giải quyết các vấn đề được đặt ra trong bối cảnh thực tế. Cùng với đó, đánh giá PISA không chỉ chú ý đến nội dung kiến thức học sinh đã tiếp thu được, mà còn là năng lực và kỹ năng tiến trình… Mã hóa trong PISA (cách PISA ghi nhận điểm số và phân biệt năng lực) cũng là điều mà chúng ta có thể học hỏi.
Từ đánh giá PISA, TS Nguyễn Ngọc Tú nhấn mạnh trong đổi mới kiểm tra, đánh giá theo tiếp cận năng lực, cần chú trọng đánh giá khả năng vận dụng kiến thức thay vì ghi nhớ và lặp lại kiến thức; Chú trọng đánh giá khả năng giải quyết vấn đề trong bối cảnh thực tế. Đồng thời, kết hợp đánh giá “thái độ”, sự nỗ lực, cố gắng của học sinh trong quá trình giải quyết vấn đề. Quan tâm đánh giá cả phương thức và kết quả của hoạt động. Cùng với đó, đa dạng hình thức câu hỏi, quan tâm yếu tố “khách quan” trong chấm điểm.
Chia sẻ về những gợi ý có thể áp dụng từ lĩnh vực đọc hiểu của PISA trong quá trình đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực, TS Nguyễn Thị Hảo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, PISA hướng tới khả năng làm phong phú và mở rộng cuộc sống cá nhân của học sinh; kiểm soát những nội dung học tập để tham gia vào xã hội trên các mặt văn hóa, khoa học… Ngữ liệu được lựa chọn đa dạng, gần gũi với cuộc sống và phù hợp với lứa tuổi.
Câu hỏi của PISA khám phá nhiều góc độ hiểu biết khác nhau của học sinh. Cùng với đó, các câu hỏi cũng tạo cơ hội cho trẻ kết nối vấn đề được học với thực tiễn cuộc sống (ngoài trường học) để giải quyết yêu cầu. Đặc biệt, khi trả lời câu hỏi, học sinh có cơ hội bộc lộ quan điểm và cách cảm nhận cá nhân, phát triển tư duy sáng tạo (vẫn nằm trong kiểm soát của giáo viên, không đi ngược giá trị chuẩn mực đạo đức và pháp luật). Đa dạng hóa câu hỏi, phát huy tối đa ưu điểm của từng loại câu hỏi được sử dụng cũng là một gợi ý có thể sử dụng.
Học sinh làm bài khảo sát PISA chu kỳ 2022. |
Một số khó khăn
Theo PGS.TS Mai Văn Hưng, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, học sinh không thể học mọi thứ cần biết trong nhà trường theo bất cứ chương trình giáo dục nào. Do đó để có thể học tập suốt đời, học sinh cần phải có kiến thức và kỹ năng phổ thông cơ bản, có ý thức về động cơ học tập và cách học. Đánh giá trong giáo dục theo cách của PISA sẽ tiến hành đo không chỉ năng lực thực tế của học sinh về các lĩnh vực đọc hiểu, toán học và khoa học, mà còn tìm hiểu được cả về động cơ, niềm tin vào bản thân cũng như các chiến lược học tập suốt đời.
Khẳng định vận dụng thang năng lực và khung đánh giá năng lực khoa học của PISA rất hữu ích trong quá trình dạy học tiếp cận năng lực, tuy nhiên, qua các đợt tập huấn PISA, PGS.TS Tạ Thị Thảo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đã nhận diện được một số khó khăn khi giáo viên vận dụng PISA trong biên soạn câu hỏi đánh giá năng lực khoa học của học sinh THPT. Theo đó, việc tìm và trích những thông tin khoa học từ các nguồn tin cậy không đơn giản. Ngoài ra, để có thể biên soạn được các câu hỏi mở có giá trị, giáo viên cần đầu tư công sức và thời gian…
Một trong những cách thức để khắc phục khó khăn trên là vận dụng cách xây dựng câu hỏi của PISA trong kiểm tra, đánh giá phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo TS Nguyễn Ngọc Tú và TS Nguyễn Thị Hảo, giáo viên thực hành xây dựng câu hỏi kiểm tra, đánh giá theo cách thức của PISA, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Sau đó, chuyên gia giáo dục, tổ chuyên môn thẩm định, góp ý, biên tập lại thành bộ câu hỏi có chất lượng để sử dụng trong kiểm tra, đánh giá là một cách thức mang lại kết quả khả thi.
PGS.TS Tạ Thị Thảo cũng nhấn mạnh, các nhà quản lý, giáo viên cần chủ động hơn nữa để khắc phục vấn đề phát sinh, từ đó áp dụng thành công việc vận dụng PISA vào nhà trường đồng bộ trong dạy, học và đánh giá. Tạo cho học sinh năng lực sử dụng kiến thức khoa học trong xác định các câu hỏi, tiếp thu kiến thức mới, giải thích các hiện tượng khoa học và rút ra kết luận dựa trên bằng chứng về những vấn đề liên quan tới khoa học. Dạy cho học sinh khả năng kết nối, xâu chuỗi và khái quát hóa vấn đề thực tiễn.
PISA là Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo. Chương trình này nổi bật nhờ quy mô toàn cầu và tính chu kỳ 3 năm/lần. PISA xây dựng khung đánh giá năng lực riêng không dựa trên bất cứ chương trình giáo dục của quốc gia nào về 3 lĩnh vực là toán học, khoa học, đọc hiểu để đánh giá học sinh tuổi 15, tuổi kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. Mỗi kỳ đánh giá sẽ có một lĩnh vực được lựa chọn để đánh giá sâu hơn, gọi là lĩnh vực trọng tâm và sử dụng làm căn cứ để xếp loại chất lượng giáo dục của các quốc gia.