Áp dụng PISA trong đổi mới đánh giá học sinh

GD&TĐ - Tham gia Chương trình PISA giúp Việt Nam học tập quốc tế về đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là đổi mới về kĩ thuật, phương pháp đánh giá.

Tọa đàm “Hướng tiếp cận và kỹ thuật đánh giá kết quả học tập học sinh của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế PISA”.
Tọa đàm “Hướng tiếp cận và kỹ thuật đánh giá kết quả học tập học sinh của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế PISA”.

Sáng 27/4, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm “Hướng tiếp cận và kỹ thuật đánh giá kết quả học tập học sinh của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế PISA”. Mục đích nhằm tổng kết quá trình triển khai PISA qua các chu kỳ; kết quả tập huấn vận dụng cách đánh giá của PISA vào đổi mới đánh giá phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông tại các tỉnh, thành phố thời gian qua.

Tọa đàm kết nối trực tuyến đến 19 sở GD&ĐT, trong đó có 16 sở GD&ĐT đã từng tham gia tập huấn vận dụng PISA năm 2022. PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam chu kỳ 2022 chủ trì tọa đàm.

Tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục

PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam chu kỳ 2022.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam chu kỳ 2022.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Phạm Quốc Khánh cho biết: Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và tổ chức triển khai từ năm 2000.

Mục tiêu tổng quát của PISA là đánh giá mức độ chuẩn bị để đáp ứng các thách thức của cuộc sống sau này của học sinh khi đến độ tuổi hoàn thành giai đoạn giáo dục bắt buộc (ở Việt Nam là hoàn thành Chương trình THCS).

Ngoài ra chương trình đánh giá PISA còn hướng vào các mục đích cụ thể, gồm: Đánh giá theo các mức độ đối với năng lực của học sinh ở độ tuổi 15 ở các lĩnh vực Toán học, Khoa học và Đọc hiểu; Nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách đến kết quả học tập của học sinh; Nghiên cứu hệ thống các điều kiện giảng dạy, học tập có ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh; So sánh kết quả giáo dục của các nước tham gia PISA; Xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia và quốc tế; Hỗ trợ các quốc gia thấy được sự phát triển giáo dục của quốc gia mình qua các chu kỳ đánh giá.

Chia sẻ về mục đích của Việt Nam tham gia PISA, theo PGS.TS Phạm Quốc Khánh, đầu tiên là nhằm tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục, so sánh "mặt bằng" giáo dục quốc gia với giáo dục quốc tế. Được OECD đưa ra kết quả phân tích, đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia và đề xuất những thay đổi về chính sách giáo dục quốc gia.

Việc tham gia PISA cũng nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; học tập quốc tế về đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là đổi mới về kĩ thuật và phương pháp đánh giá. Đưa ra cách tiếp cận mới về dạy - học, kiểm tra, thi và đánh giá.

“Việt Nam hiện đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Việt Nam tiếp tục tham gia PISA chu kỳ 2022 và các chu kỳ tiếp theo để đánh giá năng lực người học một cách bài bản, khoa học, sử dụng PISA để soi lại cách dạy-học của Việt Nam xem đã thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế về giáo dục”, PGS.TS Phạm Quốc Khánh chia sẻ.

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt

Chuyên gia phát biểu tại tọa đàm.

Chuyên gia phát biểu tại tọa đàm.

Báo cáo tổng quan về PISA tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục, trực thuộc Cục Quản lý chất lượng cho biết: Trong hơn 10 năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức triển khai các chương trình đánh giá quốc gia và tham gia một số chương trình đánh giá quốc tế ở các cấp.

Cụ thể, đối với chương trình đánh giá quốc gia, đã tổ chức triển khai đánh giá kết quả học tập của học sinh qua các năm học: Năm học 2019-2020 (lớp 5); năm học 2012-2013, 2019-2020, 2021-2022 (lớp 9); năm học 2011-2012, 2014-2015, 2018-2019, 2021-2022 (lớp 11); năm học 2019-2020 (lớp 12)

Đối với chương trình đánh giá quốc tế, ở tiểu học, Việt Nam tham gia Chương trình phân tích hệ thống giáo dục của Hội nghị các Bộ trưởng Giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp (PASEC) giai đoạn 2011-2013; Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) chu kỳ 2019 và 2024.

Việt Nam cũng tham gia Chương trình đánh giá quốc tế về dạy và học (TALIS), chu kỳ 2018 triển khai ở cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT. Đến chu kỳ 2024 triển khai khảo sát ở cấp trọng tâm là THCS.

Ở cấp THCS và THPT, Việt Nam đã 4 lần tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) các chu kỳ: 2012, 2015, 2018, 2022.

Trong quá trình triển khai PISA các chu kỳ, hoạt động tập huấn vận dụng cách đánh giá của PISA vào đổi mới đánh giá ở trường phổ thông cũng được tổ chức triển khai tại các tỉnh, thành phố. Bà Nguyễn Thị Kim Liên thông tin: Từ năm 2014 đến nay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 7 đợt tập huấn cho cán bộ quản lý chỉ đạo chuyên môn cấp sở, phòng, trường; giáo viên cốt cán các trường CĐ sư phạm, THPT, THCS, trung tâm GDTX các lĩnh vực: Toán học, Khoa học (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Đọc hiểu (Ngữ văn).

“Có thể nói, việc vận dụng hiệu quả cách đánh giá PISA vào đổi mới đánh giá trong giáo dục phổ thông là phù hợp với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với xu thế hội nhập và yêu cầu về đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra - đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cũng như chuẩn bị nhân lực tham gia các kỳ khảo sát tiếp theo”, bà Nguyễn Thị Kim Liên chia sẻ.

Tọa đàm kết nối kết nối trực tuyến đến 19 sở GD&ĐT.

Tọa đàm kết nối kết nối trực tuyến đến 19 sở GD&ĐT.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã cùng thảo luận, đề xuất giải pháp áp dụng cách tiếp cận và kỹ thuật đánh giá của PISA trong đánh giá, dạy và học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh Việt Nam. Trong đó nhận định chung là vận dụng phương thức đánh giá của PISA trong giáo dục phổ thông một cách sáng tạo, linh hoạt là hoàn toàn khả thi, phù hợp với Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế.

Kết quả của tọa đàm sẽ góp phần thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022-2030” ban hành theo Quyết định 468/QĐ-BGDĐT ngày 13/2/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.